10:20 06/09/2022

Nhiều đơn vị, địa phương tỉnh Thanh Hóa giải ngân vốn đầu tư công với tiến độ “rùa bò”

Thiên Anh

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công là hơn 11.919 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 7-2022, tỉnh Thanh Hóa giải ngân được 5.485,4 tỷ đồng thuộc kế hoạch năm 2022, đạt 46,8% kế hoạch, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước...

Nhiều dự án giải ngân với tiến độ rùa bò (ảnh minh họa)
Nhiều dự án giải ngân với tiến độ rùa bò (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, đến cuối tháng 7-2022, kết quả thực hiện đối với 87 chủ đầu tư đã được phân bổ chi tiết vốn năm 2022 thì có 55 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 40% kế hoạch trở lên, trong đó có 36 chủ đầu tư đã giải ngân đạt 100% kế hoạch giao; 10 chủ đầu tư giải ngân đạt từ 20% đến 40% kế hoạch; 16 chủ đầu tư giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch.

Đặc biệt, có 6 chủ đầu tư chưa giải ngân kế hoạch vốn. Tất cả các chủ đầu tư đều được tỉnh Thanh Hóa công khai, đích danh tới từng cơ quan, đơn vị.

GIẢI NGÂN VỚI TIẾN ĐỘ “RÙA BÒ”

Khối các đơn vị sở ban ngành cấp tỉnh Thanh Hóa được giao chủ đầu tư hơn 4000 tỷ, đến hết tháng 7 mới giải ngân được 24,6%. Nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Đội sổ trong danh sách này, Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa được giao làm chủ đầu tư tổng số vơn lớn nhất lên tới 1142 tỷ nhưng 7 tháng trôi qua mới giải ngân được hơn 5 tỷ, hoàn thành 0,8 kế hoạch năm.

Ban Quản lý dự án đầu tư khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp được giao xấp xỉ 518 tỷ, hiện mới giải ngân được hơn 75 tỷ, hoàn thành 14,6% kế hoạch năm. Sở Công thương đạt 20,6% kế hoạch năm; Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đạt 19,2% kế hoạch năm, Sở Xây dựng đạt 18,3% kế hoạch năm.

Khối các địa phương cấp huyện được phân bổ 2252 tỷ, hiện mới giải ngân đạt 22,9% kế hoạch năm. Trong đó nhiều huyện thị giải ngân theo tiến độ “rùa bò”.

Đơn cử, hết tháng 7 huyện Nông Cống mới giải ngân được 0,3% kế hoạch năm. Bên cạnh đó các huyện, thị xã Nghi Sơn, Ngọc Lặc, Như Thanh, Triệu Sơn, Quảng Xương, Bá Thước mới giải ngân được từ 5 đến 10% kế hoạch năm. Các địa phương như Nga Sơn, Hà Trung, Bỉm Sơn, Thiệu Hóa mới giải ngân được tỉ lệ 10 đến 15% kế hoạch năm.

Để xảy ra những dự án chưa bảo đảm tiến độ, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với kế hoạch, ngoài các nguyên nhân khách quan như: Giá vật tư, vật liệu xây dựng, xăng, dầu biến động theo chiều hướng tăng; việc bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn... 

Ngoài ra, các đơn vị còn thiếu quyết liệt, tinh thần, trách nhiệm chưa cao trong công tác đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn cho các dự án; một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng cho triển khai dự án; năng lực của một số đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công còn hạn chế, chưa tập trung máy móc, nhân lực và thiết bị để thi công; tiến độ thẩm định hồ sơ của các dự án khởi công mới của một số cơ quan chuyên môn còn chậm…

CHẬM GIẢI NGÂN LÀ CÓ LỖI VỚI NHÂN DÂN

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu quyết tâm của tỉnh này trong năm 2022 “Dứt khoát giải ngân 100% vốn đầu tư công”.

Ông Tuấn khẳng định: “Sau ngày 30/8, chúng tôi sẽ tổng rà soát các dự án, dự án nào chậm giải ngân thì sẽ điều chuyển vốn sang dự án khác. Nên đề nghị các địa phương tập trung giải quyết vấn đề vốn đầu tư công, vì nếu không làm tốt là có lỗi với nhân dân”.

“Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng ở đâu đó vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn, để làm sao có chuyển biến rõ nét, chứ không thể có chuyện là cấp trên nói cấp dưới không nghe, trừ trường hợp cấp trên nói sai thì cấp dưới không nghe là đúng thôi. Cấp trên nói cấp dưới phải làm, nếu không làm, vì sao không làm thì phải báo cáo lại, không phải là không làm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 40 cán bộ công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật, và hàng trăm cán bộ, viên chức bị kiểm điểm. Thời gian qua cũng đã phát hiện một trường hợp tham mưu sai, ký sai. Thời gian tới, nếu phát hiện trường hợp nào nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì nhất quyết phải xử lý nghiêm, thậm chí là phải bồi thường cho doanh nghiệp nếu gây tổn thất”, ông Tuấn nói.

Cùng với đó, nhiều giải pháp trước mắt được tỉnh Thanh Hóa triển khai quyết liệt, như: Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung-cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp; bảo đảm lưu thông hàng hóa, thúc đẩy thương mại, xuất, nhập khẩu bền vững... Đặc biệt, đối với vấn đề vật liệu xây dựng, UBND tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ngành công bố giá vật liệu hằng tháng thay vì hằng quý như trước đây, làm cơ sở cho các dự án cần điều chỉnh hợp đồng do giá vật liệu, xăng, dầu tăng, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu chủ động trong việc thi công các dự án, công trình.