09:02 08/09/2021

Nhiều người dân chỉ đủ sống trong 1 tháng vì hết tiền

An Nhiên

Kết quả khảo sát trực tuyến từ hơn 69.000 người tham gia khảo sát cho thấy, sức chịu đựng của người dân đang ngày càng cạn kiệt do đại dịch Covid-19...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Kết quả khảo sát nhanh trong tháng 8 về tình hình việc làm, thu nhập của người dân và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) tiến hành đã cho thấy sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đang dần cạn kiệt.

Cụ thể, trong tổng số 69.000 người tham gia khảo sát, số người trả lời hiện đang mất việc chiếm tỷ lệ 62% (tương đương với 42.754 người trả lời), người lao động đang có việc là 38% (tương đương với 26.378 người trả lời).

Nhóm người lao động mất việc từ 31 đến 45 tuổi chiếm nhiều nhất với khoảng 69,4%, nhóm người mất việc từ 16 đến 30 tuổi chiếm 16,3%, nhóm mất việc từ 46 đến 60 tuổi chiếm khoảng 13,2% và nhóm người mất việc trên 60 tuổi chiếm khoảng 1,2%.

Tình trạng việc làm theo phân ngành kinh tế lớn thì tỷ lệ mất việc cao nhất trong ngành xây dựng chiếm 66,8%, tiếp đó ngành dịch vụ là 63%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 59,4% và thấp nhất là ngành công nghiệp, 48,4%.

Riêng đối với nhóm người lao động bị mất việc, trong tổng số 42.754 người tham gia khảo sát bị mất việc, 50% người bị mất việc từ 1-3 tháng.

Tỷ lệ người mất việc và có việc trên 69.000 người tham gia khảo sát.
Tỷ lệ người mất việc và có việc trên 69.000 người tham gia khảo sát.

Gần 50% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy chỉ đủ để đảm bảo cho cuộc sống dưới 1 tháng. Hơn 37% người lao động đã mất việc chỉ đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 3 tháng. 8,6% người lao động đã mất việc đủ đảm bảo cho cuộc sống dưới 6 tháng và chỉ 4,4% số lượng người lao động đã mất việc có nguồn tiền tích lũy đủ đảm bảo cho cuộc sống trên 6 tháng.

Người lao động khi mất việc có thể nhận được một hoặc nhiều nguồn hỗ trợ như “Từ gói hỗ trợ của Nhà nước”, “Từ sự hỗ trợ tài chính của công ty nơi bạn làm trước đây”, “Từ sự trợ giúp của người thân/gia đình”, “Từ sự trợ giúp của làng xóm/tổ chức nhân đạo”.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, 45% người mất việc phải dựa vào sự trợ giúp tài chính của người thân và gia đình. Tỷ lệ người mất việc nhận được sự trợ giúp từ làng xóm hoặc tổ chức từ thiện là 12%. Số lao động mất việc nhận được sự trợ giúp tài chính của công ty đạt tỷ lệ thấp chỉ hơn 5%.

Con số lao động mất việc do ảnh hưởng về dịch bệnh tiếp cận được “Từ gói hỗ trợ của Nhà nước” là nhỏ nhất và rất nhỏ chỉ đạt 2%. Con số 3,5% là tính gộp cả những người nhận được bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc. Số người trả lời “Không nhận được sự trợ giúp” chiếm tỷ lệ 39,6% số người tham gia khảo sát bị mất việc làm.

Số tháng mà nguồn tiền tích lũy của nhóm người lao động đã mất việc có thể đảm bảo cuộc sống (%).
Số tháng mà nguồn tiền tích lũy của nhóm người lao động đã mất việc có thể đảm bảo cuộc sống (%).

“Cấp phát khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực cách ly, giãn cách, ai không có ăn thì cần cấp phát khẩn cấp ngay không phân biệt đối tượng, không đòi hỏi giấy tờ, nếu có như vậy, người lao động bị mất việc mới yên tâm ở nhà thực hiện việc giãn cách xã hội tại những vùng dịch bùng phát mạnh”, là một trong những đề xuất khẩn cấp nhất của người lao động tham gia cuộc khảo sát.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, trong tổng số 21.517 doanh nghiệp tham gia khảo sát online, số doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do dịch” chiếm tỷ lệ cao nhất là 69% (tương đương với 14.890 doanh nghiệp).

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong khu vực xây dựng là 76% và cao nhất khi so với các khu vực kinh tế khác. Con số này phản ánh khá khách quan và tương đồng với Kết quả khảo sát tình hình việc làm và thu nhập của người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khi tỷ lệ người mất việc của người lao động trong các doanh nghiệp xây dựng cao nhất.

Dòng tiền của doanh nghiệp được ví như “máu” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp “Tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ còn dòng tiền giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng” chiếm khá cao, gần 40% và gấp 2,5 lần tỷ lệ này (17,7%) ở các doanh nghiệp đang “Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”.