Nhiều thương hiệu giày thể thao có động thái gia nhập Metaverse
Một mã thông báo kỹ thuật số với tên gọi POAP mới đây đã được Adidas công bố chính thức, đánh dấu sự gia nhập vào thế giới thực tế ảo Metaverse…
Metaverse, một từ thông dụng trong ngành công nghệ sau khi Facebook đổi tên thành Meta, là một thế giới ảo được chia sẻ nơi mọi người tham gia dưới dạng nhân vật đại diện có thể tương tác với người khác, thưởng thức các buổi hòa nhạc và mua sắm kỹ thuật số. Theo công ty nghiên cứu Strategy Analytics, thị trường Metaverse toàn cầu dự kiến sẽ đạt 6,16 tỉ USD vào năm 2021 và 41,62 tỉ USD vào năm 2026.
Bước vào Metaverse, mới đây Adidas đã tung ra mẫu POAP (Proof of Attendance Protocol) trên ứng dụng Adidas Confirmed của mình. Các mã thông báo kỹ thuật số duy nhất được cung cấp cho những người dùng chọn lọc đóng vai trò như một cách để thương hiệu xác định những người dùng trung thành nhất của mình. Hiện tại vẫn chưa rõ chính xác mã thông báo kỹ thuật số của Adidas sẽ được sử dụng cho mục đích gì, nhưng nó dự kiến sẽ cung cấp cho chủ sở hữu quyền truy cập độc quyền vào các sự kiện và bản phát hành trên ứng dụng Confirmed.
Trong tuyến bố của mình, Adidas cho biết: “Đây là bước đầu tiên trong hành trình của chúng tôi để trao quyền cho những người sáng tạo tương lai tại hiện thực Metaverse. Nơi mà bất kỳ ai cũng có thể thể hiện những ý tưởng độc đáo nhất và là bản ngã chân thực nhất của họ. Nếu bạn đã ở đây, hãy chỉ đường cho chúng tôi. Nếu bạn là người mới, hãy đến và tham gia cùng chúng tôi. Chúng tôi rất nóng lòng chờ đón những gì chúng ta có thể đạt được cùng nhau”.
Trong khi đó, ông lớn trong ngành thời trang thể thao Nike cũng đã chính thức thể hiện mong muốn tham gia Metaverse. Theo Reuters, hôm 18/11, Nike đã ra mắt một thế giới ảo được mô phỏng theo trụ sở chính của công ty trên nền tảng trò chơi điện tử Roblox Corp. Không gian kỹ thuật số này được gọi là "Nikeland", cho phép người chơi sử dụng các sản phẩm và trang phục đặc biệt của Nike cho nhân vật của họ. Dịch vụ này cũng miễn phí cho bất kỳ ai truy cập trên nền tảng trò chơi Roblox.
Khách truy cập hiện có thể chơi những trò như "Tag", "The Floor Is Lava" và "Dodgeball" trên Roblox, nền tảng này cũng cho phép người sáng tạo thiết kế các trò chơi nhỏ của riêng họ từ các môn thể thao tương tác. Nhà sản xuất quần áo thể thao cho biết: “Nike đã tạo ra thế giới riêng này với bối cảnh là trụ sở chính của công ty với không gian 3D sống động của Roblox, xây dựng dựa trên mục tiêu biến thể thao và vui chơi trên Metaverse thành một phong cách sống”.
Trên Nikeland, khách hàng truy cập có thể sử dụng gia tốc kế trong thiết bị di động của họ để giả lập chuyển động ngoại tuyến vào trò chơi trực tuyến, cho phép chuyển động như thật trong không gian kỹ thuật số. Song song đó, Nike cũng đăng tin tuyển dụng nhà thiết kế giày ảo và nhiều vai trò tương tự để tham gia vào bộ phận "sáng tạo sản phẩm kỹ thuật số" và truyền lửa cho "cuộc cách mạng thế giới ảo" tại Nike.
Năm 2019, Nike từng hợp tác với game Fortnite để tạo ra những mẫu giày ảo cho các nhân vật. Nike cũng đã hợp tác với nền tảng game trực tuyến Roblox. Hãng đồ thể thao nổi tiếng thế giới này đang đợi bằng sáng chế cho sáng kiến NFT (token độc nhất) có tên "Cryptokicks", giúp người mua giày ghi nhận quyền sở hữu sản phẩm trên blockchain.
Theo Morgan Stanley, NFT và trò chơi xã hội có thể mở rộng thị trường của các tập đoàn xa xỉ phẩm thêm hơn 10% trong thời gian tám năm và tăng thu nhập trước lãi và thuế của ngành này khoảng 25%.
Đề cập đến việc cứ 5 người thì có một người chơi Roblox cập nhật ảnh đại diện của họ hàng ngày, Morgan Stanley cho biết các thương hiệu cao cấp có thể khai thác việc hợp tác với một số nền tảng trò chơi và Metaverse. Thương hiệu Dolce & Gabbana của Italy gần đây đã bán chín sản phẩm NFT với giá 5,7 triệu USD. Dù con số này là nhỏ, song nó nêu bật tiềm năng khổng lồ của hàng xa xỉ "ảo" trong những năm tới. Morgan Stanley cho rằng toàn bộ lĩnh vực này sẽ được hưởng lợi từ sự ra đời của Metaverse.