06:03 16/11/2021

AI và hệ sinh thái “quần áo thông minh”

Minh Nguyệt

Kết quả của các giải pháp và thiết bị công nghệ cao tạo nên cuộc cách mạng cho một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - ngành công nghiệp thời trang - chỉ còn là vấn đề thời gian…

Trong quyển “Thời trang 4.0 - Đổi mới kỹ thuật số trong ngành thời trang”, TS. Oliver Behr, thuộc Trường Quản lý và công nghệ châu Âu bày tỏ quan điểm: “Trong thế giới Internet vạn vật (IoT), tương lai của quần áo thông minh không chỉ là sự kết hợp giữa thời trang và công nghệ. Nói đúng hơn, đó là việc kết hợp các khả năng tương ứng theo những cách có ý nghĩa để tạo ra sản phẩm có giá trị cho khách hàng một cách tổng thể”.

KHÔNG CHỈ MARKETING, MÀ LÀ CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG

Đầu tiên là việc các thương hiệu thời trang hiện đang bắt kịp xu thế trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho việc sáng tạo và cải thiện các chức năng tìm kiếm trên trang web của mình. Tiến thêm một bước, đã có một số ứng dụng thời trang còn giúp người dùng sử dụng hiệu quả các món đồ hiện có của mình bằng cách đưa ra các đề xuất trang phục mới dựa vào dữ liệu mà người dùng đã nhập trước đó. Một số ứng dụng có thể tích hợp phân tích hình ảnh có sẵn của các bộ quần áo, sau đó áp dụng với số đo và kiểu dáng của từng người dùng.

Hoặc công nghệ Digital Fit đang được sử dụng dưới dạng máy quét cơ thể bằng điện thoại di động. Công nghệ này cho phép khách hàng thử quần áo trên ảnh đại diện ảo của họ và xem các tùy chọn khác nhau. Khách hàng sử dụng điện thoại di động chụp ảnh toàn bộ cơ thể của họ, sau đó cung cấp số đo và tạo hình đại diện kỹ thuật số của họ. Trên những hình đại diện này, khách hàng có thể thử quần áo, kiểm tra độ vừa vặn và kích thước.

Ngày nay, khi nhu cầu không tiếp xúc đang trở nên cực kỳ quan trọng, công nghệ “phòng thử đồ ảo” ban đầu được giới thiệu để giảm thiểu thời gian thử đồ, giúp khách hàng không phải xếp hàng dài và theo đó nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng. Công nghệ được cài đặt trong một ki-ốt bên trong cửa hàng cho phép thử quần áo ảo. Có nhiều biến thể khác nhau mà các nhà bán lẻ có thể lựa chọn. Một trong số đó là việc tạo hình đại diện 3D để thử quần áo và hai là sử dụng AR để chồng quần áo lên hình ảnh phản chiếu của khách hàng.

Nhu cầu không tiếp xúc khiến công nghệ “phòng thử đồ ảo” có khả năng nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng.
Nhu cầu không tiếp xúc khiến công nghệ “phòng thử đồ ảo” có khả năng nâng cao trải nghiệm tại cửa hàng.

Trong công nghệ AR, các sản phẩm may mặc có hình dạng của người đứng trước gương và cho phép khách hàng thấy được hình dáng của quần áo. Terxtronic, có trụ sở tại Mumbai, là một trong những nhà cung cấp phòng thử đồ ảo AR với công nghệ TryOn. Phần mềm được tích hợp vào các gương ảo được đặt trong cửa hàng và cho phép khách hàng áp quần áo lên hình ảnh phản chiếu của họ. Công nghệ này cũng có thể nắm bắt chuyển động của khách hàng, cho phép họ thử các tùy chọn khác nhau bằng cách sử dụng chuyển động vuốt và vẫy tay đơn giản. Một số nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ các nhà bán lẻ trong lĩnh vực này là Textronic, TryNDBuy và Zugara.

Những tính năng trên giúp người dùng tiết kiệm thời gian và có những trải nghiệm tiện lợi nhất khi mua sắm. Với các nhà bán lẻ, các ứng dụng khiến họ đến gần với những yêu cầu dù nhỏ nhất của khách hàng, giảm thiểu tình trạng trả/đổi lại hàng sau khi mua, kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn. Và đây cũng chính là những bước tiến vượt trội khi áp dụng công nghệ nhân tạo vào thời trang, giúp ngành công nghiệp này ngày càng tiến bộ và phát triển.

MỘT THẾ HỆ THỜI TRANG CHĂM SÓC SỨC KHỎE

Với việc các thiết bị đeo được gắn vào quần áo với mục đích theo dõi nhiệt độ hoặc tia cực tím, cho đến sự ra đời của các loại vải nhân tạo có thể phân hủy sinh học cũng như sự hỗ trợ của công nghệ thiết kế AI và 3D được ứng dụng vào việc may các loại quần áo theo đơn đặt hàng, ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 2,4 nghìn tỷ đô la đang trải qua một cuộc thay đổi lớn, theo Beth McGroarty, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Sức khỏe toàn cầu.

Bà McGroarty tin rằng đằng sau đó chính là động thái hướng đến chủ nghĩa tiêu dùng có ý thức hơn. Cũng như việc thúc đẩy các cơ hội đầu tư mới được thể hiện nhờ sự đam mê công nghệ, cùng với mong muốn có được sự tiện lợi và các giải pháp tối ưu trong việc cá nhân hóa thời trang.

 
Năm 2020, có khoảng 6,9 triệu đơn vị trang phục thông minh được bày bán trên phạm vi toàn thế giới. Theo Gartner – một công ty nghiên cứu về thị trường may mặc, các sản phẩm thời trang thông minh được dự báo sẽ tăng lên mức 19,91 triệu vào năm 2022.

Trước hết, khi thời trang kết hợp cùng công nghệ AI và khả năng chữa bệnh, người tiêu dùng được hưởng lợi khi có một hệ sinh thái “quần áo chăm sóc sức khoẻ”. Chẳng hạn như một loạt các loại trang phục thông minh, như áo PoloTech của Ralph Lauren có thể theo dõi nhịp tim, đo mức độ căng thẳng cũng như tính được năng lượng toát ra khỏi cơ thể mỗi ngày là bao nhiêu; hay chiếc quần yoga được kết nối để có thể rung hướng dẫn người dùng thông qua các tư thế và trình tự do Werable X thiết kế.

Trên thực tế, ý tưởng về loại quần áo thông minh đã nổi lên cách đây vài năm. Tuy nhiên, cho tới gần đây, công nghệ này mới thực sự nở rộ khi các công ty lớn như Samsung, Google, OMSignal, Hexoskin và Under Armour chú ý tới. Đa số các thiết bị đeo thông minh (wearable) khiến người dùng sẽ bị mất tập trung khi đeo. Ngược lại, lớp vải bao phủ cơ thể sẽ giúp chúng ta có cảm giác thoải mái hơn, tự tin hơn nên sự ra đời của những trang phục thông minh là điều tất yếu mà các nhà sản xuất phải nghĩ tới.

Mẫu áo ngực thể thao thông minh của OMSignal hay thắt lưng mang thương hiệu Samsung - Welt chính là những ví dụ điển hình của công nghệ wearable trong thời gian gần đây. Nếu như chiếc áo của Hãng công nghệ OMSignal có thể theo dõi nhịp tim, nhịp thở, lượng calo đốt cháy và các số liệu khác thì chiếc thắt lưng của nhà sản xuất Hàn Quốc lại nổi bật với tính năng theo dõi kích thước vòng eo, thói quen ăn uống, đếm số bước đi và thời gian ngồi mỗi ngày để giúp người đeo giảm cân.

Người tiêu dùng được hưởng lợi khi công nghệ mang đến một hệ sinh thái “quần áo chăm sóc sức khoẻ”.
Người tiêu dùng được hưởng lợi khi công nghệ mang đến một hệ sinh thái “quần áo chăm sóc sức khoẻ”.

Stephane Marceau - người đồng sáng lập và hiện là CEO của OMSignal tại Canada là một trong những người đặt nền móng cho công nghệ thiết bị đeo thông minh ngày nay. Công ty này hiện đang sản xuất ra hàng loạt các loại áo sơ mi thể thao thông minh dành cho nam và một số áo ngực thông minh dành cho nữ. Cả 2 mẫu sản phẩm đều có khả năng đếm số bước chân, đo quãng đường đi, số lượng calo bị thiêu đốt và đo nhịp tim cũng như nhiều tính năng độc đáo khác như  đo nhịp thở, mức độ mệt mỏi...

So với tất cả các thiết bị đeo, quần áo thông minh có nhiều kiểu để người dùng tùy chọn và phối kết hợp với các phụ kiện khác. Do chi phí để sản xuất ra những chiếc áo hay quần thông minh này rẻ hơn rất nhiều so với đồng hồ thông minh nên các nhà thiết kế có thể thoải mái đa dạng hóa các phong cách, màu sắc khác nhau cho sản phẩm của mình.