06:00 15/08/2022

Nhiều tỉnh, thành vẫn còn thiếu giáo viên ở các cấp học

Thanh Xuân

Năm học 2022-2023, hàng loạt các địa phương đồng loat kêu thiếu giáo viên hiện ở các cấp học...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin này được ngành giáo dục các tỉnh thành trong cả nước  chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

BÌNH DƯƠNG THIẾU TRÊN 3.000 GIÁO VIÊN

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng, thừa nhận cấp học mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định. Đặc biệt khi thời gian gần đây, không ít giáo viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xin nghỉ việc.

Thống kê từ tháng 1/2021 đến 4/2022, toàn ngành giáo dục của tỉnh Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc. Một trong những nguyên nhân là lương giáo viên chưa đảm bảo cho cuộc sống.

"Tình trạng thiếu giáo viên sẽ thành một trở ngại rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chương trình giáo dục. Số học sinh trên lớp cao, nhiều trường phải giảm lớp học 2 buổi/ngày do thiếu phòng học. Thậm chí có trường phải thực hiện dạy 1 buổi/ngày”,  bà Nguyễn Thị Nhật Hằng bày tỏ và cho biết thêm dự tính đến năm học 2022-2023, số giáo viên trên địa bàn tỉnh thiếu khoảng trên 3.000 người. Để giải quyết một phần, ngành giáo dục cũng tiến hành tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng theo phân cấp quản lý

Tương tự, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, chia sẻ đến thời điểm này, tỉnh đang thiếu khoảng 8.000 giáo viên. Năm vừa qua tỉnh được bổ sung 2.800 giáo viên, như vậy sang năm 2022-2023 tất yếu sẽ thiếu trên dưới 6.000 giáo viên. Do đó, để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là rất khó khăn. Vì vậy Nghệ An mong muốn có một số chính sách đặc thù và cơ chế thí điểm trường THPT công lập tự chủ. Đặc biệt cơ chế thí điểm hỗ trợ thêm cơ sở vật chất trường THPT dân tộc bán trú, THPT thuộc các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Như đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, nếu có đầy đủ về cơ sở bán trú cho đồng bào dân tộc miền núi sẽ giảm được các điểm trường. Khi giảm được điểm trường là giảm được số lượng giáo viên đứng lớp, và việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thuận lợi.

Không chỉ Bình Dương, Nghệ An mà ngay TP. HCM vừa thông báo vẫn thiếu chỉ tiêu giáo viên ở các cấp học bởi số học sinh năm học 2022-2023 tăng nhiều, tập trung tại TP. Thủ Đức và một số quận, huyện như: quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Do đây là những khu vực đang vào giai đoạn đô thị hóa nhanh nên tỉ lệ tăng dân số cơ học cao. Vì vậy, thành phố đã tổ chức tuyển dụng giáo viên cho năm học này với mầm non là 892 giáo viên, tiểu học là 2355 giáo viên, THCS 1698 giáo viên  và  THPT 296 giáo viên .

Mới đây trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lưu ý rằng hiện nay một số địa phương vẫn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn.

Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm cả công tác phòng, chống dịch.

Ngoài ra tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định  thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, đặc biệt thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT, khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.

BỔ SUNG 65.980 GIÁO VIÊN GIAI ĐOẠN 2022-2026

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cho biết, ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên mà liên quan tới nhiều bộ ngành khác nữa. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã và đang rất quan tâm.

Phó Thủ tướng khẳng định giáo dục luôn là lĩnh vực được xã hội quan tâm. Đây là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục. Để đáp ứng được yêu cầu thực tế, giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm sao huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhằm thực hiện tốt các quy định về công tác tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, tinh giản biên chế ngành giáo dục và khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là các tỉnh miền núi, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”.

Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung biên chế giáo viên theo lộ trình đến năm 2026. Đến nay, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.

Để có giải pháp phù hợp hỗ trợ, động viên cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong ngành giáo dục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động làm việc ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ các đối tượng này.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát thực trạng chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập để kịp thời nắm bắt chính xác tình hình thực hiện chế độ đối với họ. Đây sẽ là căn cứ đề xuất các chính sách đặc thù, nhằm nâng cao đời sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhấn mạnh trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm học trước, ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.