15:35 16/06/2022

Nhiều trụ “hạ độ cao” cuối phiên đáo hạn phái sinh, VN-Index vẫn tăng gần 23 điểm

Kim Phong

Hôm nay là lần đầu tiên cách tính mới của giá thanh toán cuối cùng trong phiên đáo hạn phái sinh được áp dụng. Vẫn có một chút biến động mạnh hơn bình thường ở đợt ATC, nhưng cơ bản thị trường vẫn tăng rất tốt...

VN-Index tụt mất 8 điểm trong đợt ATC so với cuối đợt khớp lệnh liên tục.
VN-Index tụt mất 8 điểm trong đợt ATC so với cuối đợt khớp lệnh liên tục.

Hôm nay là lần đầu tiên cách tính mới của giá thanh toán cuối cùng trong phiên đáo hạn phái sinh được áp dụng. Vẫn có một chút biến động mạnh hơn bình thường ở đợt ATC, nhưng cơ bản thị trường vẫn tăng rất tốt.

VN30-Index đợt đóng cửa để mất gần 9,4 điểm so với giao dịch cuối cùng đợt khớp lệnh liên tục. Cách tính mới sẽ lấy mức trung bình số học trong 15 phút cuối đợt khớp lệnh liên tục và điểm số đóng cửa, sau khi trừ đi 3 giá trị chỉ số cao nhất và 3 giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục. Cách tính mới này sẽ gây khó khăn hơn một chút đối với các giao dịch arbitrage.

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn biến động khá mạnh ở đợt ATC có thể kể tới: GAS từ 129.800 đồng tụt về 128.000 đồng, thu hẹp mức tăng so với tham chiếu còn 3,23%. VCB từ 80.000 đồng xuống 79.100 đồng, còn tăng 3,%. TCB từ 36.400 đồng còn 36.050 đồng, còn tăng 0,98%. VPB từ 29.250 đồng còn 29.000 đồng, tăng 0,52%. MSN từ 113.400 đồng về 110.700 đồng, tăng 4,43%. HPG từ 31.300 đồng còn 31.000 đồng, tăng 5,44%. Khá nhiều cổ phiếu khác như MBB, VHM, VRE... cũng tụt giá.

Biến động này có ảnh hưởng đến VN-Index ở mức độ hơn 8 điểm. Dù vậy cơ bản các cổ phiếu lớn vẫn còn tăng mạnh, dẫn đến chỉ số này tăng 22,7 điểm, tương đương 1,87%. VN30-Index tăng 2,18%, Midcap tăng 1,23%, Smallcap tăng 0,11%.

Rất khó để xác định liệu biến động cuối ngày này có phải là hành động thao túng liên thị trường trong ngày đáo hạn hay đơn giản chỉ là các giao dịch arbitrage, thậm chí là cả các giao dịch thông thường. Nhiều cổ phiếu thanh khoản cao như HPG, TCB, VPB, MBB, STB... Riêng rổ VN30 đợt đóng cửa khớp lệnh tới gần 400 tỷ đồng.

Mặt khác, tình trạng sụt giá ở đợt ATC cũng xuất hiện với nhiều cổ phiếu ngoài rổ VN30, tức là không liên quan gì đến phiên đáo hạn phái sinh. Chỉ số Midcap cũng tụt mất 6,6 điểm so với giao dịch cuối cùng trong đợt liên tục, Smallcap tụt 6,1 điểm.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất vẫn đang đỡ chỉ số mạnh mẽ.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất vẫn đang đỡ chỉ số mạnh mẽ.

Về cơ bản giao dịch hôm nay vẫn tích cực, nhóm blue-chips VN30 còn mạnh hơn buổi sáng khá nhiều. Cả rổ chỉ còn VIC và SSI là đóng cửa dưới tham chiếu. So với giá cuối phiên sáng, tới 20 cổ phiếu tăng cao hơn và 9 mã tụt giá. GAS, VPB, GVR, SSI là những mã tụt đáng kể nhất, trong đó SSI giảm tới 4,1% so với phiên sáng và đóng cửa dưới tham chiếu 2,21%.

Hiện tượng tụt giá đến mức đảo chiều thành giảm cũng diễn ra tương đối nhiều, tập trung vào ngoài nhóm blue-chips. Cụ thể, cuối phiên sáng HoSE có độ rộng rất mạnh với 349 mã tăng/90 mã giảm, nhưng cuối phiên chỉ còn 298 mã tăng/154 mã giảm. Trong khi đó rổ VN30 cuối phiên sáng có 3 mã giảm là VRE, VIC và VJC, cuối phiên còn 2 mã giảm là SSI và VIC.

Diễn biến khá ngược chiều với xu hướng tăng chỉ số cho thấy vẫn có nhu cầu bán ra ở nhiều cổ phiếu và mã nào có cầu yếu sẽ không đỡ nổi, giá tụt xuống tới mức đỏ. HoSE chiều nay có thanh khoản chỉ thấp hơn buổi sáng khoảng 2%, đạt 6.839 tỷ đồng. Như vậy lực bán ra xuất hiện ở vùng giá cao đã nhiều hơn.

Mặc dù nhịp tụt điểm cuối ngày khiến phiên tăng hôm nay chưa trọn vẹn, nhưng phản ứng thị trường như vậy cũng là khá mạnh, đặc biệt là khi thị trường tương lai của chứng khoán thế giới đỏ khá đậm. Gần cuối phiên của thị trường Việt Nam, các hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm trên 1%. Thị trường trong nước đang trông cậy rất nhiều vào khả năng giữ nhịp của các cổ phiếu blue-chips.

Các giao dịch tái cơ cấu ETF cũng đang diễn ra và chiều nay khối ngoại ghi nhận mua ròng rất lớn. Cuối phiên sáng mức mua ròng trên HoSE mới là 168,4 tỷ đồng thì hết phiên đã tăng lên 695,5 tỷ đồng. HPG được mua ròng gấp đôi lên 251,4 tỷ đồng. STB, SSI, GAS đều được mua ròng trên 50 tỷ đồng. Nhóm BVH, VNM, DPM, VHM, VGC được mua trong khoảng 30-40 tỷ ròng. Phía bán chỉ có DGC, MWG, DXG, GEG và NT2 là trong khoảng 30-40 tỷ đồng ròng.