12:11 27/03/2024

Nhiều ý kiến khác biệt xung quanh Dự thảo Quỹ Hỗ trợ đầu tư đón "đại bàng " FDI

Trâm Anh

Việc hình thành, sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đang gấp rút được bàn thảo nhằm kịp thời đón "đại bàng" FDI khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tranh luận về đối tượng thụ hưởng, tỷ lệ hỗ trợ, bổ sung hỗ trợ chi phí chuyển đổi năng lượng, bảo hiểm...

Quốc hội quyết định thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và có biện pháp hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp.
Quốc hội quyết định thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và có biện pháp hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số đơn vị vừa có văn bản góp ý Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến. Dự thảo gồm 4 chương, 22 điều, hướng dẫn chi tiết về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ.

SÀNG LỌC DOANH NGHIỆP NHẬN HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

Ngày 29/11/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu. Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, hiện có 142/142 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã đồng thuận.

Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024 như mọi thành viên đã đồng thuận khác của OECD. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các "đại bàng" đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất 750 triệu Euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Cơ quan thuế ước tính ngân sách sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thuộc diện nộp thuế này. Quỹ Hỗ trợ đầu tư được đề xuất thành lập từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo ghi nhận, việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư là cần thiết song đây là nội dung khó và ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, cả các tập đoàn đa quốc gia lẫn các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích.

 

"Đối tượng quy định tại điểm a, b, c nêu trên đáp ứng một trong các điều kiện sau: có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ đồng; đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm; đồng thời, đảm bảo điều kiện về tình hình thực hiện dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng.Doanh  nghiệp thuộc điểm d đáp ứng điều kiện có dự án đạt quy mô vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng".

(Dự thảo Nghị định).

Theo dự thảo, đối tượng hỗ trợ gồm: (i) Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; (ii) Doanh nghiệp công nghệ cao; (iii) Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; (iv) Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.

Về điều kiện về tình hình thực hiện dự án, theo dự thảo, doanh nghiệp thuộc các điểm a, b, c hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

Doanh nghiệp thuộc điểm d hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.500 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.

VCCI đánh giá việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu là thách thức lớn trong việc thu hút đầu tư nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam “nâng cấp” các biện pháp hỗ trợ đầu tư, thay vì tập trung chủ yếu vào ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như trước đây.

"Các biện pháp hỗ trợ đầu tư có ưu điểm về tính linh hoạt, Nhà nước có thể tùy chọn đối tượng, hình thức, nội dung hỗ trợ để định hướng các doanh nghiệp thực hiện những hoạt động đầu tư kinh doanh có nhiều ngoại ứng tốt cho xã hội", VCCI nhìn nhận.

Do đó, khi thiết kế các biện pháp hỗ trợ đầu tư cần lựa chọn các phương án chính sách sao cho đạt được mục tiêu kép, vừa hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời có tác động tích cực lan toả và dài hạn cho kinh tế xã hội Việt Nam.

BĂN KHOĂN VỀ ĐỐI TƯỢNG VÀ CÁC LOẠI CHI PHÍ HỖ TRỢ

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định tại dự thảo chưa đáp ứng được các mục tiêu này.

Góp ý về đối tượng hỗ trợ của quỹ, theo đại diện của Canon Việt Nam, dự thảo đưa ra nhiều điểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao. "Quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn khi có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chỉ duy nhất một đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ", đại diện của Canon Việt Nam đánh giá.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là những doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có quy mô lớn và có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. 

Do đó, Canon Việt Nam đề nghị bổ sung thêm các doanh nghiệp đáp ứng cả 3 điều kiện: (i) sản xuất sản phẩm điện tử có ứng dụng công nghệ cao; (ii) có quy mô vốn đăng ký đầu tư từ 4.800 tỷ đồng trở lên; (iii) sử dụng từ 15.000 lao động thường xuyên trở lên căn cứ theo hồ sơ nộp bảo hiểm xã hội.

Đóng góp ý kiến về các chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, VCCI nêu lên bất cập và đề xuất bổ sung một số nội dung liên quan đến 5 loại chi phí.

Thứ nhất, hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển.

Điều 16 của dự thảo đang quy định hỗ trợ tối đa lên đến 50% chi phí nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp thực tế đã chi trong năm cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực là người lao động Việt Nam.

 

Nhằm bảo đảm tính lan toả trong nền kinh tế, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định hỗ trợ ở mức cao hơn (ví dụ 75%) trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D, như một trường đại học, viện nghiên cứu.

Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan toả đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Điều 16.5 của dự thảo có quy định về lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển (trình độ và hợp đồng lao động).

VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung thêm tiêu chí về quốc tịch của lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển nhằm khuyến khích việc tuyển dụng nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp này.

Thứ hai, hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định.

Điều 17 của dự thảo quy định về việc hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định với tỷ lệ hỗ trợ có thể lên đến mức cao renhất 40%. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, tài sản này, gồm cả động sản và bất động sản, vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Điều kiện để được hỗ trợ là doanh nghiệp phải cam kết tài sản đó được sử dụng cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao ít nhất 3 năm.

Về vấn đề này, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Theo đó, nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản (như máy móc, thiết bị).

Chính sách như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác.

Thứ ba, hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội.

Điều 19 của dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư hạ tầng xã hội, gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư.

Đây là hình thức hỗ trợ không chỉ có lợi cho dự án đầu tư mà còn giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh dự án.

Góp ý cho nghị định, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng diện hỗ trợ này theo hướng: bổ sung nhà ở dành cho công nhân, người lao động vào diện các công trình được hỗ trợ.

Đồng thời, cân nhắc bổ sung một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho dự án, người lao động và cư dân xung quanh như công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý chất thải… Ngoài chi phí đầu tư ban đầu, cân nhắc hỗ trợ một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này.

Thứ tư, hỗ trợ chi phí chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay, vấn đề sản xuất xanh, thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm. Đây cũng là chủ trương về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số hình thức hỗ trợ gồm có: chi phí lắp đặt và vận hành điện mặt trời mái nhà, các trụ điện gió; chi phí lắp đặt và vận hành các công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiệt lượng, các biện pháp ngăn bụi, tiếng ồn; chi phí chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang loại thân thiện với môi trường.

Thứ năm, hỗ trợ chi phí một số loại bảo hiểm bắt buộc, bắt buộc mua bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Pháp luật Việt Nam hiện có nhiều quy định về bảo hiểm bắt buộc (Điều 8.2 Luật Kinh doanh bảo hiểm), bắt buộc mua bảo hiểm (như bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường), bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… mang tính nghĩa vụ của doanh nghiệp phải chi cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc các quỹ bảo hiểm của Nhà nước.

Các loại bảo hiểm này có tác động tích cực trong nền kinh tế như phòng chống cháy nổ, cải tạo phục hồi môi trường, an sinh xã hội cho người lao động… Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung vào diện được hỗ trợ.

 

Theo dự thảo, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ vào tháng 9 hằng năm theo kế hoạch tài chính được phê duyệt.

Phương thức hỗ trợ của Quỹ: chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ Quỹ được phân loại là chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương (không phân biệt nội dung sử dụng), mục chi “Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật” (không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư công).

Chi trực tiếp bằng tiền mặt từ Quỹ theo các hình thức hỗ trợ đầu tư bao gồm: a) Hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; b) Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; c) Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; d) Hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển; đ) Hỗ trợ tín dụng, lãi suất.

Khoản hỗ trợ đầu tư từ Quỹ mà doanh nghiệp được nhận không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.