15:00 30/06/2010

Nhìn lại “mô hình Trung Quốc” tại châu Phi

Kiều Oanh

Trung Quốc đã tạo ra sự thay đổi trong quan niệm của thế giới về châu Phi, từ một địa chỉ từ thiện tới một địa chỉ làm ăn

Các kỹ sư Trung Quốc trên công trường xây dựng một sân vận động trị giá 50 tỷ USD ở Guine - Ảnh: NYT/Time.
Các kỹ sư Trung Quốc trên công trường xây dựng một sân vận động trị giá 50 tỷ USD ở Guine - Ảnh: NYT/Time.
Nhìn lại “mô hình Trung Quốc” tại châu Phi - Ảnh 1Congo là một quốc gia rộng lớn của châu Phi, với diện tích bằng cả khu vực Tây Âu, nhưng gần như không có một con đường trải nhựa nào. Bệnh AIDS và sốt rét luôn hoành hành ở đất nước có tỷ lệ nghèo đói vào hàng cao nhất thế giới này.

Tuy nhiên, doanh nghiệp quốc doanh Công ty Kỹ thuật đường sắt Trung Quốc (CREC) đã quyết định đầu tư 6 tỷ USD để xây dựng hàng ngàn km đường bộ và đường sắt, cùng 32 bệnh viện và 145 trung tâm y tế ở Congo. Đổi lại phía Trung Quốc sẽ nhận được quyền thuê mỏ đồng và cobalt trị giá 3 tỷ USD ở Congo. Thỏa thuận giữa hai bên đã được ký kết vào tháng trước.

Tạp chí Time cho biết, bất chấp khủng hoảng và suy giảm tăng trưởng kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nhiều nhà quan sát vẫn tin rằng, kinh tế châu Phi sẽ có những biến đổi ngoạn mục. Trong bối cảnh đó, vai trò của Trung Quốc đối với sự phát triển kinh tế của “lục địa đen” ngày càng tăng.

Nhờ giá cả các loại hàng hóa cơ bản tăng mạnh, GDP của châu Phi tăng từ 5-7% trong cả hai năm 2007-2008 và đã tăng 2% trong năm 2009 dù kinh tế thế giới suy thoái. Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất nhận thấy những cơ hội ở châu Phi, nhưng Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất đón nhận cơ hội này một cách nghiêm túc. Và điều đó đem tới cho bộ mặt kinh tế châu Phi những chuyển biến lớn.

Time nhận định, quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và châu Phi đang gia tăng với tốc độ mạnh mẽ. Theo ông Chris Alden, tác giả của cuốn sách mang tựa đề "China in Africa" (tạm dịch: Trung Quốc ở châu Phi), vào năm 2000, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi là 10 tỷ USD. Tới năm 2006, con số này là 55 tỷ USD, và vào năm 2009, kim ngạch thương mại song phương đã lên tới 90 tỷ USD, đưa Trung Quốc trở thành nước đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Trong khi đó, nước Mỹ đã tụt xuống vị trí thứ hai trong danh sách các nước đối tác thương mại với châu lục này, với kim ngạch 86 tỷ USD trong năm ngoái.

Hiện nay, các công ty Trung Quốc đã có mặt trong hàng loạt ngành nghề ở châu Phi, khai thác dầu từ Sudan tới Angola, khai thác gỗ từ Liberia tới Gabon, khai mỏ từ Zambia tới Ghana, phát triển trang trại từ Kenya tới Zimbabwe. Các nhà thầu Trung Quốc thì làm đường từ khắp Guinea Xích đạo tới Ethiopia, làm đập từ Congo tới sông Nile, xây bệnh viện, trường học, sân vận động, dinh tổng thống... trên khắp châu lục này.

Trung Quốc cũng có những thương vụ mua bán lớn ở châu Phi, điển hình như vụ đầu tư 5,5 tỷ USD để mua cổ phần trong ngân hàng Standard Bank của Nam Phi, hay vụ đầu tư 14 triệu USD  vào một công ty điện thoại di động ở Somalia.

Bắc Kinh khẳng định, họ là đối tác phát triển của châu Phi, đem đến cho nơi này các khoản đầu tư và chiếm lĩnh thị trường và tiếp cận với nguồn tài nguyên ở dây. Trong khi đó, các doanh nghiệp phương Tây thì lo ngại, các công ty Trung Quốc sẽ cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường châu Phi bằng cách trả lương bèo bọt, bỏ qua các tiêu chuẩn về an toàn, môi trường… Thực tế thì sao?

Trở lại với trường hợp Congo. Phương Tây đã giúp đỡ nước này bằng các khoản viện trợ từ song phương tới đa phương, thậm chí gửi cả lính gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc tới để ngăn chặn cuộc nội chiến ở nước này trước đây. Nhưng tình hình cũng chẳng khá lên là bao, thậm chí các khoản vốn vay làm tình hình tham nhũng ở Congo thêm tồi tệ.

Trung Quốc không đem đến cho Congo các khoản viện trợ mà là các thỏa thuận. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố, theo điều khoản về xóa nợ, Congo sẽ không được phương Tây hỗ trợ thêm nữa nếu ký thỏa thuận với Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc cũng đã khiến IMF “khó chịu” khi đầu tư vào Luanda 5 tỷ USD để đổi lấy các hợp đồng khai thác mỏ và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, các quan chức của IMF cũng phải thừa nhận là mô hình Trung Quốc đối với sự phát triển của châu Phi có những ưu điểm vượt trội.

Thứ nhất là tính nhanh chóng. Để có các khoản vay đa phương, các nước châu Phi phải đàm phán vài năm trời, trong khi các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Angola diễn ra trong vòng có vài tuần. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng xông xáo khi làm việc tại châu Phi. Ở nhiều nơi khắp châu Phi những ngày này, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các kỹ sư người Trung Quốc đứng chỉ đạo công nhân làm việc trên các con đường, các công trường dưới cái nóng khắc nghiệt - điều mà các quan chức và nhân viên của IMF vốn quen với trang phục vest và phòng máy lạnh không làm được.

Bên cạnh đó, mô hình phát triển của châu Á đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Các chính phủ ở châu Phi thận trọng trước những bất ổn kinh tế của phương Tây trong vòng hai năm qua và tìm thấy một hình mẫu phát triển tốt hơn ở khu vực châu Á. Các đặc khu kinh tế - một trong những động cơ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong hai thập kỷ qua - đang xuất hiện ở nhiều nơi trên khắp châu Phi.

Tuy vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với các công ty châu Âu tại châu Phi là các doanh nghiệp Trung Quốc dám chấp nhận rủi ro hơn. Mới đây nhất, vào tháng 5, Trung Quốc công bố thỏa thuận trị giá 23 tỷ USD để phát triển lĩnh vực lọc hóa dầu ở Nigeria.

Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi đã vấp phải không ít sự chỉ trích, không chỉ từ phía phương Tây mà còn ngay từ chính “lục địa đen”. Bởi vậy, Trung Quốc đã và đang thực hiện một số nỗ lực để cải thiện hình ảnh ở đây. Nhiều nhà ngoại giao của Trung Quốc đã đóng vai trò trung gian trong việc hòa giải các cuộc xung đột ở một số nước châu Phi. Trung Quốc hiện đang là quốc gia đóng góp quân gìn giữ hòa bình nhiều thứ tư cho Liên hiệp quốc, nhiều binh lính của Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ này ở Liberia, Sudan, Congo…

Time nhận định, Trung Quốc đã tạo ra sự thay đổi trong quan niệm của thế giới về châu Phi. Trước kia, người ta thường cho rằng, châu Phi là một địa chỉ để làm từ thiện, nhưng nay, thế giới cần xem châu lục này là một địa chỉ kinh doanh. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), vào năm 2006, lần đầu tiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi đã vượt số tiền viện trợ cho châu lục này, với vốn FDI là 48 tỷ USD và tiền viện trợ là 40 tỷ USD. Vào năm 2009, FDI vào châu Phi đã là 88 tỷ USD.