14:57 15/07/2021

Nhìn thấy tiềm năng, doanh nghiệp xi măng “đổ” tiền vào cảng quốc tế

Băng Hảo

Công ty CP Xi măng Sông Lam thuộc Tập đoàn The Vissai vừa khởi công Dự án xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam, tại xã Nghi Thiết, Nghệ An. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng…

Nhận thấy những tiềm năng về vùng cảng biển Nghi Thiết (Nghi Lộc - Nghệ An), độ sâu âm (-) từ 9 -13,5m, bên cạnh đang khai thác cảng chuyên dụng phục vụ cỡ tàu 70.000 DWT - 100.000 DWT (khai thác theo Quyết định công bố cảng số 1625/QĐ- CHHVN ngày 17/10/2017 của Cục Hàng hải Việt Nam), Tập đoàn The Vissai và Công ty CP Xi măng Sông Lam quyết định đầu tư các bến cảng theo hướng khai thác cảng tổng hợp.

Trên cơ sở đó, có thể khai thác hợp lý các bến cảng thuộc Khu bến chuyên dụng số 1. Hướng phát triển này phù hợp với chiến lược quy hoạch, khai thác cảng biển của tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông Vận tải để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An hiện nay và trong giai đoạn tới.

Nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam, dự án Cảng biển quốc tế Vissai có tổng mức đầu tư gần 1.100 tỷ đồng. Trong đó, cảng chuyên dụng được đưa vào hoạt động từ năm 2017 phục vụ xuất khẩu, vận chuyển xi măng, clinker cho Nhà máy Xi măng Sông Lam cũng như Tập đoàn The Vissai.

Theo ông Hoàng Minh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Xi măng Sông Lam, việc đầu tư các bến cảng theo hướng tổng hợp sẽ khai thác hết công năng của vùng biển nước sâu cũng như phát huy hiệu quả đầu tư của đơn vị. Hiện nay, Tập đoàn The Vissai và Công ty CP Xi măng Sông Lam đang đầu tư các bến cảng theo hướng khai thác cảng tổng hợp. Trên cơ sở đó, có thể khai thác hợp lý các bến cảng thuộc Khu bến chuyên dụng số 1. Đến nay, Công ty đã hoàn thành đầu tư xây dựng các bến số 1,2,3 và hạng mục đê chắn sóng, hệ thống tuyến luồng, khu nước, vùng đón trả hoa tiêu đáp ứng cho cỡ tàu đến 30.000 DWT – 50.000 DWT.

Dự án xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam Nghệ An tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vừa chính thức khởi công.
Dự án xây dựng Cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam Nghệ An tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vừa chính thức khởi công.

Cùng đó, Công ty đang đẩy mạnh thi công xây dựng các bến số 4,5,6,7 theo quy hoạch được duyệt. UBND tỉnh Nghệ An và Công ty CP Xi măng Sông Lam cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải bổ sung công năng bến tổng hợp, container cho vùng Cảng biển Vissai Nghi Thiết. Khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận điều chỉnh cỡ tàu và bổ sung công năng cho Khu bến số 1, chắc chắn vùng Cảng biển Vissai Nghi Thiết Nghệ An sẽ phát huy hiệu quả tích cực. Bởi lâu nay, Khu bến cảng số 2 đã góp phần quan trọng để Công ty CP Xi măng Sông Lam xuất clinker, xi măng nội địa và xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới.

Dự án Cảng tổng hợp quốc tế Sông Lam Nghệ An được chủ đầu tư Công ty CP Xi măng Sông Lam (thuộc Tập đoàn Xi măng The Vissai) phối hợp với các đơn vị tư vấn và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ thu hút nhu cầu lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa qua cảng biển. Theo dự tính, vùng cảng biển nước sâu này sẽ tạo động lực phát triển cho vùng Bắc Trung Bộ và liên kết thúc đẩy giao lưu kinh tế với các vùng Đông Bắc Thái Lan và khu vực Trung Lào.

Việc một doanh nghiệp tư nhân trong nước tự bỏ vốn đầu tư cảng biển nước sâu, có khả năng đón tàu tải trọng lớn, là sự kiện không phổ biến trong ngành xi măng. Nhưng đây là sự lựa chọn không thể khác của Tập đoàn Vissai, khi mà năng lực sản xuất của Tập đoàn đã ở mức xấp xỉ 15 triệu tấn. Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai thừa nhận, việc hoàn thành Cảng quốc tế Vissai chứng minh rõ hơn cam kết của Tập đoàn trong việc đầu tư lâu dài vào ngành xi măng và các dịch vụ hỗ trợ.

Ông Lê Văn Tới, nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, ngành xi măng sẽ cạnh tranh tốt hơn khi thị trường có những tập đoàn sản xuất quy mô lớn dẫn dắt, tạo thế liên kết với các nhà máy nhỏ để gia tăng hiệu quả tiêu thụ xi măng cả về sản lượng lẫn giá bán tại nội địa và xuất khẩu.

Do dư cung tại nội địa, 5 năm trở lại đây, xuất khẩu là con đường tiêu thụ lượng xi măng dư thừa của hầu hết doanh nghiệp xi măng. Trong đó, lợi thế xuất khẩu đang nghiêng về các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Vissai, Vicem… Việc Cảng biển quốc tế Vissai được đưa vào vận hành tạo nền tảng xuất khẩu tốt cho ngành xi măng cũng phù hợp với định hướng phát triển của ngành xi măng trong những năm tới.

 
Tại Việt Nam, cảng biển được phân thành 3 loại, trong đó loại I với tiêu chuẩn cao nhất là cảng biển đầu mối khu vực; cảng biển loại IA giữ vai trò là cảng cửa ngõ hoặc còn gọi là cảng trung chuyển quốc tế. Cảng IA có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn; cảng loại I có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 tấn. Căn cứ theo tiêu chuẩn trên, Cảng biển Vissai Nghệ An thuộc loại cảng biển loại I.