06:00 16/02/2022

Nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2022 tăng cao

Dũng Hiếu

Trải qua hai năm dịch bệnh Covid -18 với chiến lược phòng chống dịch đã làm cho thị trường lao động không ổn định, gia tăng thất nghiệp, gián đoạn việc làm. Tuy nhiên, năm 2022 với sự thích ứng linh  hoạt trong phòng chống dịch nên một số ngành, nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động.

Năm 2022 một số ngành, nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động
Năm 2022 một số ngành, nghề sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động

Một số chính sách giải pháp thích ứng, an toàn của Chính phủ vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế đã có tác dụng ổn định thị trường lao động. Qua những  số liệu việc làm quý 4/2021 của một số công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cho thấy đầu năm 2022, nhiều ngành nghề đang  có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn.

NHỮNG ĐIỂM SÁNG TRÊN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong 2 năm qua đã tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, tài chính... Không ít người lao động thất nghiệp, mất việc làm hay phải chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa, hiện tượng di cư lao động tại các thành phố lớn đã gây ra sự bất ổn trên thị trường lao động...

Theo số liệu từ Bộ LĐTB&XH, tính từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2021, có khoảng 38 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, số lao động bị gián đoạn hoặc tạm dừng trong năm 2021 khoảng 18 triệu người.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung,  cho biết đến thời điểm hiện tại, thị trường lao động đã phục hồi và ổn định tương đối.

Đặc biệt trong quá trình tác động của đại dịch lần thứ 4,  dòng người di chuyển từ TP.HCM  và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về nông thôn, về các vùng quê tương đối lớn, ước tính khoảng 1,3 triệu lao động, chiếm 60% trong khối dịch chuyển này.

Để ngăn chặn sự đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp tùy theo diễn biến của dịch bệnh nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường lao động. Nhìn chung, các chính sách đều tạo ra sự thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc.

Trong đó, “vấn đề cốt lõi nhất là chính sách tiền lương, bảo hiểm cho người lao động cùng những hỗ trợ nhằm bảo đảm sàn an sinh cho người lao động”, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã nắm bắt được vấn đề này nên đã có những chính sách thưởng để giữ chân nhân viên hoặc thu hút lao động. Đối với các nhân sự chủ chốt, nhân sự giỏi, các doanh nghiệp còn đưa ra những chính sách thưởng riêng để tiếp tục giữ chân hoặc tuyển dụng thêm người có năng lực…

Đồng thời, Nghị quyết số 128/CP của Chính phủ với chiến lược“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nhằm phục hồi phát triển kinh tế đã tạo điều kiện để doanh nghiệp thuộc hầu hết các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ thông tin, sản xuất, kinh doanh… chủ động đưa kế hoạch triển khải mở rộng thị trường hoặc đưa ra các dự án mới.

Cùng với đó, là sự xuất hiện của nhiều dự án nhà máy gia công trong lĩnh vực điện tử mới đến từ Trung Quốc liên quan đến sản xuất pin phục vụ cho xu thế chuyển đổi xe xăng sang xe chạy điện, trong đó,  nhà máy sản xuất pin điện VINES của Vingroup đang triển khai là một ví dụ.

Ngay sau khi chuyển trạng thái chống dịch,  nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình kỹ thuật dân dụng, xây dựng nhà xưởng chế biến chế tạo tại các khu công nghiệp có xu hướng tăng. Cộng thêm việc Quốc hội đang chuẩn bị thông qua các dự thảo về Luật Bất động sản, sẽ là hướng mở  cho nhiều dự án bất động sản mới ra thị trường.

Dự báo trong lĩnh vực bất động sản sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022 cùng với ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ tạo ra những xu hướng mới đóng vai trò trụ cột trong thị trường chuỗi cung ứng Việt Nam. Mặt khác,  làn sóng dịch chuyển bất động sản công nghiệp sang Việt Nam cũng như các hoạt động mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này đều tăng trong thời gian gần đây. Đó đều là những điểm sáng có những tác động tích cực làm sôi động thị trường lao động trong năm 2022.

NHIỀU NHÓM NGÀNH TĂNG NHU CẦU TUYỂN DỤNG

Theo Bộ LĐTB&XH, tính đến hết tháng 12/2021, thị trường lao động đã phục hồi cơ bản. 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm lao động đã hoạt động trở lại. Theo Navigos Search, với những điểm sáng kể trên cho thấy  nhu cầu tuyển dụng  lao động một số ngành sẽ tăng trong thời gian tới, nhất là nhân sự cấp trung và cấp cao.

Nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2022 tăng cao - Ảnh 1

Xu hướng tuyển dụng nhân sự năm 2022, dự báo sẽ thuộc về các nhóm ngành nghề như kinh doanh thương mại; hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bất động sản, thông tin và truyền thông,  dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn - nghiên cứu khoa học và phát triển; dệt may - giày da; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực - thực phẩm; dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử…

Kết quả thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho thấy, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo vẫn  chiếm cao nhất, tới  86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%... Nhân lực thông thạo ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Trung rất có lợi thế.

Cụ thể,  ngành tài chính, ngân hàng sẽ cần tuyển dụng nhiều nhân lực có kiến thức về công nghệ thông tin (IT) và kỹ năng bán hàng (Sales). Các nhân sự giỏi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) – Dữ liệu lớn (Big Data) – Crypto và Chuỗi khối (Blockchain) sẽ được nhiều doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng.

Theo Navigos, lĩnh vực này sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt vì nguồn cung khan hiếm. Dự báo trong năm 2022 và các năm tiếp theo, nhân sự trong mảng điện tử và pin điện; điện mặt trời, điện gió vẫn là các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao, tập trung tại một số dự án dầu khí. Các vị trí lĩnh vực này cần người lao động có nhiều năm kinh nghiệm và khả năng tiếng Anh tốt.

Về lĩnh vực bất động sản, sẽ cần tuyển dụng các vị trí về phát triển dự án, quản lý kinh doanh và tiếp thị, quản lý thiết kế, pháp lý dự án, pháp lý đầu tư, kế hoạch và phát triển chiến lược. Với ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong ba năm tới, theo Navigos Search  có thể cần tới 18.000 lao động với mức lương tương đối cao. Đối với ngành thiết kế đồ họa, ngành marketing,  thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản, dệt may, giày da...

Theo Trung tâm dự báo nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, người lao động cũng có rất nhiều cơ hội để lựa chọn… Dự kiến nhu cầu nhân lực thời gian tới riêng ở TP.HCM cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm việc.Với những lao động phổ thông, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tuyển dụng với số lượng lớn. Có thể đây là điều mà các nhà đầu tư FDI quyết định đặt địa điểm nhà máy vì họ cần nhiều lao động phổ thông.

Để thị trường lao động thực sự ổn định, một việc rất quan trọng mà ngành lao động coi là khâu tạo đột phá đó là tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. trước mắt lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực, công việc mang tính chất dẫn dắt xã hội trong giáo dục chất lượng cao.