"Nhức nhối" thẩm định giá, Bộ Tài chính quyết ra tay
Phát triển "nóng", lên tới 411 doanh nghiệp, với 2.352 thẩm định viên nhưng chất lượng yếu kém, thậm chí tiếp tay cho tham nhũng, Bộ Tài chính tước hàng loạt giấy phép hành nghề với doanh nghiệp và cá nhân...
Đến thời điểm đầu năm 2021, cả nước có 411 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận; trong đó, có 346 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Bộ Tài chính cũng đã cấp 2.352 thẻ thẩm định viên về giá, trong đó có 1.723 thẩm định viên đã đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp thẩm định giá.
PHANH PHUI CÁC MÁNH KHÓE
Theo Bộ Tài chính, thị trường doanh nghiệp thẩm định giá phát triển về số lượng nhưng không đi kèm với chất lượng, tốn kém chi phí và khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
“Xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ, nhiều vụ việc thẩm định giá chất lượng dịch vụ thấp ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng và người sử dụng kết quả thẩm định giá, gây bức xúc trong dư luận và xã hội”, Bộ Tài chính quan ngại.
Đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với tổng cộng 65 doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 26 lượt doanh nghiệp.
Mặt khác, sự phát triển nóng cũng dẫn đến việc một số doanh nghiệp thẩm định giá, cũng như các thẩm định viên hành nghề thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn dẫn đến những sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp thẩm định giá có điểm đánh giá chất lượng thấp. Cá biệt vẫn còn những doanh nghiệp có điểm đánh giá chất lượng thẩm định giá dưới 50 điểm trên khung điểm 100.
Từ khi Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, trong đó có mảng thẩm định giá, Nghị định 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP và hệ thống các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam được ban hành, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác kiểm tra doanh nghiệp, kiểm tra đột xuất hoặc đưa vào danh sách kiểm tra trong năm kế tiếp với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với tổng cộng 65 doanh nghiệp. Đồng thời, tiến hành đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 26 lượt doanh nghiệp.
“Thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá với mức giá theo yêu cầu, mong muốn của khách hàng, thậm chí gian dối cấu kết với khách hàng làm sai lệch hồ sơ để “thổi giá” cao hơn nhiều giá trị thực, tiếp tay cho mưu đồ của khách hàng thẩm định giá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam
Theo nhiều chuyên gia, “thổi giá” cao hoặc hạ thấp giá trị tài sản một cách bất thường, là thủ thuật thường được các công ty thẩm định giá áp dụng. Những mánh khoé, hàng loạt sai phạm đã bị phanh phui trong thời gian gần đây, nhiều chủ doanh nghiệp phải chịu các hình thức kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý khi vụ việc vỡ lở. Gần đây, vụ án gây bức xúc trong dư luận là bê bối tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội liên quan đến các gói thầu mua sắm thiết bị y tế trong phòng chống dịch Covid-19.
Cụ thể, CDC Hà Nội đã thông đồng, móc ngoặc với bên trúng thầu nâng khống giá mua vào hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động phát hiện Covid-19 của hãng Qiagen (Đức) với giá trên 7 tỷ đồng. Trong khi giá nhập máy về Việt Nam chỉ có khoảng 2,3 tỷ đồng, tức chênh lệch với giá thực gấp 3 lần.
Được biết, CDC Hà Nội đã căn cứ vào mức giá đề xuất của Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành để mua hệ thống Realtime PCR với giá trên 7 tỷ đồng. Sau khi Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử, ông Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty Nhân Thành bị tuyên y án phạt 6 năm tù. Bộ Tài Chính cũng đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của công ty này.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, thẩm định giá với mục đích bán tài sản Nhà nước với giá thấp, mua sắm tài sản Nhà nước với giá cao hơn giá thị trường, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng tha hóa tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
“Thẩm định giá, ban hành chứng thư thẩm định giá với mức giá theo yêu cầu, mong muốn của khách hàng, thậm chí gian dối cấu kết với khách hàng làm sai lệch hồ sơ để “thổi giá” cao hơn nhiều giá trị thực, tiếp tay cho mưu đồ của khách hàng thẩm định giá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Thoả chỉ rõ.
NHIỀU QUY ĐỊNH QUÁ "MỞ"
Bộ Tài chính cho rằng, với mục tiêu yêu cầu đặt ra trong giai đoạn này, các điều kiện trên được đánh giá là quá “mở” trong khi nghề thẩm định giá là ngành nghề đòi hỏi tính chuyên môn cao. Vì vậy, Luật hiện hành không còn phù hợp với giai đoạn phát triển theo hướng nâng cao chất lượng của nghề thẩm định giá.
Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Điều 39 về cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Điều 41 chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá thuộc Luật giá 2012, doanh nghiệp thẩm định giá có tối thiểu 3 thẩm định viên, chi nhánh của doanh nghiệp thẩm định giá có tối thiểu 02 thẩm định viên để kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
“Nhiều thẩm định viên mới được cấp thẻ thẩm định viên, chưa am hiểu về thị trường, thiếu các kiến thức hành nghề đã thành lập doanh nghiệp doanh nghiệp thẩm định giá, sau đó thu hút khách hàng bằng hạ giá dịch vụ dẫn đến chất lượng dịch vụ bị suy giảm”, Bộ Tài chính khẳng định".
Báo cáo của Bộ Tài chính
Đáng chú ý, “Luật giá cũng chưa có các quy định cụ thể về kinh nghiệm hành nghề của người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Nhiều thẩm định viên mới được cấp thẻ thẩm định viên, chưa am hiểu về thị trường, thiếu các kiến thức hành nghề đã thành lập doanh nghiệp doanh nghiệp thẩm định giá, sau đó thu hút khách hàng bằng hạ giá dịch vụ dẫn đến chất lượng dịch vụ bị suy giảm”, Bộ Tài chính khẳng định.
Để tạm thời khắc phục, Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/02/2021 của Chính phủ cũng đã bổ sung điều kiện kinh nghiệm hành nghề của người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, để tránh xảy ra, lặp lại các sai phạm tương tự, đề nghị các đơn vị cần tổ chức cho các thẩm định viên thường xuyên tự nghiên cứu để hiểu, nắm chắc các quy định của pháp luật và tuân thủ pháp luật khi hành nghề, ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá.
Ngoài ra, việc quy định mô hình doanh nghiệp thẩm định giá là công ty cổ phần sẽ không phù hợp.
Theo phân tích của Bộ Tài chính, việc rà soát bảo đảm tính khách quan trong quá trình thẩm định giá, hạn chế các lợi ích liên quan giữa doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá là khó khả thi trong trường hợp các công ty cổ phần trở thành công ty đại chúng. Nhất là đối với loại hình cung cấp dịch vụ có tính chuyên môn sâu, thì yêu cầu về chất lượng luôn gắn với con người thực hiện, vấn đề vốn đầu tư và kinh phí duy trì hoạt động không nhiều.
BỎ LOẠI HÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN THẨM ĐỊNH GIÁ?
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập sau hơn 7 năm thực hiện Luật giá số 11/2012/QH13, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất sửa Luật Giá, trong đó có quy định về thẩm định giá.
Theo kiến nghị của Bộ Tài chính, cần bổ sung quy định pháp luật theo hướng nâng cao điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Cụ thể, nâng số lượng thẩm định viên tối thiểu của một doanh nghiệp thẩm định giá từ 3 thẩm định viên lên 5 thẩm định viên, với chi nhánh của doanh nghiệp thẩm định giá phải bảo đảm có 3 thẩm định viên, giám đốc chi nhánh có đáp ứng một số điều kiện tương tự giám đốc doanh nghiệp.
Đồng thời, yêu cầu tất cả các thành viên góp vốn phải là thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp. Chuyển nội dung quy định từ Nghị định lên Luật giá về tiêu chuẩn của thẩm định viên là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các quy định về giám sát, quản trị doanh nghiệp cho phù hợp với các hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính; các dịch vụ tư vấn pháp luật... Qua đó, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua hoạt động ngăn ngừa rủi ro.
Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ hình thức công ty cổ phần. Tuy nhiên, việc này sẽ tác động đến 46% doanh nghiệp là công ty cổ phần. Qua giám sát về số lượng cổ đông của các công ty thì đều ít hơn 50 cổ đông, các doanh nghiệp này cần chuyển đổi mô hình sang các công ty TNHH 2 thành viên trở lên là hoàn toàn khả thi.