Những chiếc nơ làm chao đảo giới mộ điệu
Phong cách thẩm mỹ nào đang thịnh hành trên Internet hiện nay? Tất cả đều là Coquette Aesthetic (phong cách thẩm mỹ điệu đà)! Đây là sự pha trộn tinh tế giữa sự lãng mạn, ngây thơ nữ tính lại vừa mang đến sự sang trọng và gợi cảm...
Năm 2024, xu hướng Coquette cùng những chiếc nơ đã mang một ý nghĩa mới, nó biểu thị sự tôn vinh nữ tính, chấp nhận sự trao quyền và thể hiện bản thân người phụ nữ. Phong cách này nhanh chóng lan tỏa và xuất hiện trong các buổi trình diễn thời trang cũng như các bộ sưu tập.
Các tìm kiếm trên Pinterest cho cụm từ “phong cách thẩm mỹ điệu đà” đã tăng vọt lên đến hơn 100 lần trong năm qua và các video được gắn thẻ mô tả phong cách này đã thu hút được hàng tỷ lượt xem trên các trang mạng xã hội.
CẢM HỨNG TỪ CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN
Coquette là một từ tiếng Pháp được sử dụng phổ biến ở thế kỷ 17, chỉ là một phụ nữ hay tán tỉnh và tìm kiếm sự chú ý. Trong bối cảnh văn hóa hiện tại, “coquette” là một cụm từ được sử dụng để mô tả phong cách ăn mặc và trang điểm nữ tính lấy cảm hứng từ chủ nghĩa lãng mạn của thế kỷ 18 và 19.
Cảm hứng cho phong cách Coquette có thể bắt nguồn từ nhiều nguồn khác nhau, từ Gothic của Nabokov đến vẻ đẹp cổ điển của Marie Antoinette. Điều này cho thấy Coquette là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cổ điển và hiện đại, tạo nên một phong cách độc đáo và thu hút.
Về mặt thời trang, phong cách Coquette thường sử dụng những sản phẩm có màu sắc pastel nhẹ nhàng nhưng mang tông hồng chủ đạo, làm bằng chất liệu mỏng nhẹ, đính nơ và viền đăng ten. Với những mô tả này, có thể thấy Coquette giao thoa nhất định với nhiều xu hướng nữ tính khác như Balletcore (lấy cảm hứng từ vũ công ba lê), Barbiecore (mô phỏng búp bê Barbie), Cottagecore (vẻ đẹp điền viên), Regencycore và Princesscore (phong cách hoàng gia quý tộc xưa), Fairycore (thẩm mỹ thiên tiên)… Vẻ đẹp nữ tính này có hai biểu tượng nổi trội gắn liền với phong cách yểu điệu thục nữ: Hoàng hậu Marie Antoinette và những cô gái Lolita.
Nguồn gốc của Coquettecore có thể tìm thấy từ những năm 90, khi các sàn diễn thời trang hàng đầu như Hervé Léger, Chanel và Chloé làm mưa làm gió với những thiết kế váy áo ôm sát, chất liệu sa-tanh bóng mượt và gam màu pastel ngọt ngào. Hình ảnh các siêu mẫu đình đám thời kỳ đó như Eva Herzigova và Claudia Schiffer trong những chiếc váy vừa thanh lịch vừa quyến rũ đã trở thành biểu tượng của phong cách này.
Bên cạnh đó, nhà thiết kế tài ba Vivienne Westwood cũng góp phần không nhỏ vào sự hình thành của Coquettecore với các bộ sưu tập như "Cafe Society" và "Vive la Cocotte". Bà đã khéo léo kết hợp giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, tạo nên những thiết kế vừa sang trọng, vừa gợi cảm.
Chiếc nơ cũng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình vào những năm 1920 đến 1930 khi hai biểu tượng hoàng kim Hollywood Katharine Hepburn và Marlene Dietrich tích cực lăng xê những chiếc nơ trong mỗi bộ cánh của mình. Và nếu như bạn đọc đã quá quen thuộc với cái tên Schiaparelli thì chiếc nơ trompe l'oeil đầu tiên trên áo len xuất hiện vào năm 1927 là một ví dụ tiếp theo cho sự phổ biến của những chiếc nơ trong thời trang cao cấp.
Trong những năm gần đây, sự trỗi dậy của các nghệ sĩ như Lana Del Rey và Ariana Grande với phong cách âm nhạc và hình ảnh đậm chất hoài cổ đã góp phần làm hồi sinh trào lưu Coquettecore. Sự kết hợp giữa vẻ đẹp ngây thơ và gợi cảm của họ đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tín đồ thời trang.
BẠN CẦN MUA SẮM NHỮNG GÌ
Đại diện lớn nhất của Coquette chính là những item đính nơ vừa nữ tính vừa thời thượng. Có thể dễ dàng nhận thấy vài năm trở lại đây, bên cạnh hàng loạt trend thời trang liên tục được ra đời thì giới mộ điệu vẫn luôn săn lùng và "chừa" lại một vị trí đặc biệt cho trang phục đính nơ. Cả thế giới tràn ngập vô số nơ, hình bóng mềm mại và tông màu pastel tinh tế.
Thẩm mỹ điệu đà không phải là mới. Sue Shields, giám đốc mua hàng tại Fenwick, cho biết: "Xu hướng điệu đà, được Gen Z phổ biến trên các thước phim ngắn, là một cách tiếp cận về phong cách nữ tính. Hãy nghĩ đến những đường viền ren tinh tế, tông màu pastel và tất nhiên là cả nơ nữa. Xu hướng này tôn vinh mọi thứ nữ tính và lãng mạn".
Phong cách này được thể hiện rõ nét qua tủ quần áo với những item đặc trưng như: váy áo ren và lụa mềm mại, áo lót điệu đà, váy suông màu pastel, váy ngắn xếp ly, áo len tay phồng, giày Mary Jane cùng những phụ kiện tinh tế như băng đô và vòng cổ ngọc trai. Ngay cả cách trang điểm cũng mang đậm dấu ấn Coquette với làn da tự nhiên, má hồng nhẹ nhàng, đường kẻ mắt thanh mảnh và móng tay màu hồng pastel được tô điểm bởi các họa tiết hoa hoặc ngọc trai.
Bên cạnh trang phục, vẻ đẹp mơ màng của Coquette còn được truyền tải qua lớp trang điểm với một số điểm nhấn đặc trưng. Trước tiên, mái tóc thường được bện điệu đà hoặc uốn xoăn bồng bềnh, đôi lúc pha chút tinh nghịch với ruy băng hoặc nơ. Vậy nên, chăm sóc bản thân khỏe đẹp và gìn giữ nét sáng ngời son trẻ là một phần tất yếu nếu bạn muốn theo đuổi thẩm mỹ Coquette. Hàng mi cong vút, đôi mắt lấp lánh, son môi bóng và đôi má ửng hồng chính là “bộ ba thần thánh” làm nên phong cách trang điểm chuẩn Coquette.
Tuy nhiên, trước tiên phái đẹp cũng nên chú ý vào lớp nền căng bóng, mịn màng và trong trẻo. Đối với phần đánh mắt, bạn nên chọn cho mình những tông màu nhẹ nhàng có hiệu ứng nhũ long lanh, đường kẻ mắt không quá sắc nét để tập trung vào điểm nhấn mascara làm trung tâm. Coquette makeup còn chú trọng đến phần má hồng. Màu má hồng đào tông nhạt sẽ phù hợp với làn da sáng, trong khi đó sắc hồng san hô sẽ là gợi ý lý tưởng cho những nàng có làn da màu sẫm hơn. Khi đánh má hồng, các nàng cần để ý đến vị trí của gò má trên khuôn mặt, đừng quên đánh qua mũi để tạo hiệu ứng đáng yêu đầy tự nhiên.
Son môi cũng nên được chọn sao cho phù hợp với tông màu phù hợp với sắc hồng của phần má. Lớp son bóng pha chút kim tuyến sẽ giúp đôi môi trong kiểu trang điểm này trở nên đặc sắc hơn. Nhìn chung, Coquette Aesthetic không chỉ dừng lại ở một trend về phong cách thẩm mỹ trên mạng xã hội, nó còn là một phong cách sống, một tuyên ngôn thời trang về sự nữ tính, về sự tự do giải phóng cơ thể. Một chiếc nơ nhỏ bé, từ đó, đã đại diện cho cả một hệ tư tưởng to lớn.