01:34 10/04/2009

Những công ty lớn nhất thế giới năm nay

Kiều Oanh

Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố báo cáo xếp hạng thường niên các công ty lớn nhất thế giới mang tên Forbes Global 2000

Trụ sở của tập đoàn General Electric (GE) tại New York. GE là công ty lớn nhất thế giới năm 2009 theo xếp hạng của Forbes.
Trụ sở của tập đoàn General Electric (GE) tại New York. GE là công ty lớn nhất thế giới năm 2009 theo xếp hạng của Forbes.
Tạp chí Forbes của Mỹ vừa công bố báo cáo xếp hạng thường niên các công ty lớn nhất thế giới mang tên Forbes Global 2000.

Năm nay đã là lần thứ 6 tạp chí Forbes thực hiện xếp hạng 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Thay vì chỉ đơn thuần dựa vào doanh số hoặc giá trị tài sản hoặc giá trị thị trường của công ty như một số báo cáo xếp hạng khác, Forbes thực hiện việc xếp hạng này dựa trên sự đánh giá cân bằng giữa doanh số, lợi nhuận, và giá trị thị trường.

Doanh nghiệp thuộc 62 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã được đưa vào báo cáo năm nay. Trong đó, Mỹ là nước có nhiều công ty được xếp hạng nhất, với 551 công ty, ít hơn 200 công ty so với báo cáo năm 2004 - năm đầu tiên mà Forbes đưa ra bản danh sách thường niên này.

Xếp ngay sau Mỹ về số doanh nghiệp được xếp hạng là Trung Quốc với 91 công ty, Hàn Quốc (61), và Ấn Độ (47).

Bản danh sách của Forbes phản ánh bộ mặt năng động của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Một quốc gia Tây Á ít người biết đên là Kazakhstan cũng có công ty nằm trong danh sách này. Các nước Arab như Kuwait, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), mỗi nước cũng có ít nhất 10 công ty lọt vào danh sách của Forbes.

Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có công ty nào được Forbes xếp hạng.

Tính chung, 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới được Forbes xếp hạng có tổng doanh thu 32.000 tỷ USD, lợi nhuận 1.600 tỷ USD, tài sản 125.000 tỷ USD và giá trị thị trường 20.000 tỷ USD. Doanh thu và tài sản của các doanh nghiệp này tiếp tục gia tăng, tuy nhiên, năm qua, tổng lợi nhuận của 2.000 công ty này đã giảm 31% và giá trị thị trường sụt giảm 49% do khủng hoảng tài chính và sự đi xuống của kinh tế thế giới.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, năm nay có thể là năm đầu tiên mà kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 tới nay. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ phục hồi nhẹ trong năm tới.

Xét theo từng lĩnh vực, ngành ngân hàng vẫn là lĩnh vực đi đầu trong xếp hạng doanh nghiệp của Forbes, cho dù năm qua là năm khủng hoảng của hệ thống tài chính toàn cầu. 307 ngân hàng có tên trong danh sách này, chủ yếu nhờ vào tổng giá trị tài sản lớn. Tiếp đó là ngành công nghiệp dầu khí với 126 công ty, được đánh giá cao bởi doanh số, lợi nhuận và giá trị thị trường.

Tuy nhiên, đi đầu về tăng trưởng doanh số trong năm qua lại là các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học với mức tăng 59%. Dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận là các công ty dịch vụ viễn thống, với mức tăng 51%.

Xếp hạng các công ty lớn nhất thế giới của Forbes bao gồm một danh sách phụ những doanh nghiệp lớn có tốc độ phát triển nổi bật. Để lọt vào danh sách phụ có tên Global High Performer này, các công ty phải dẫn trước các công ty cùng lĩnh vực về các mặt tăng trưởng, lợi nhuận cho cổ đông và triển vọng tương lai. Phần lớn trong số 130 doanh nghiệp thuộc nhóm Global High Perfomer từ trước tới nay đều đạt tăng trưởng lợi nhuận 28%/năm, một mức tăng khó gặp ở những công ty vào hàng blue-chip.

Một nửa số công ty trong nhóm 130 doanh nghiệp này năm nay là các công ty có trụ sở ngoài nước Mỹ. Trong đó có những tên tuổi lớn như hãng công nghiệp ABB và hãng thực phẩm Nestle của Thụy Sỹ; hãng xe Honda, Toyota và hãng sản xuất game Nintendo của Nhật Bản… Trong số các doanh nghiệp Mỹ lọt vào nhóm này có hãng đồ ăn nhanh McDonald’s, công cụ tìm kiếm trực tuyến Google, hãng dụng cụ thể thao Nike…

Forbes nhận xét, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng nên được nhìn nhận là cơ hội để tiến xa hơn cho những doanh nghiệp có vốn, có tầm nhìn và có tham vọng.

Top 20 công ty lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Forbes:

Vị trí

Công ty

Quốc giaLĩnh vực Doanh thu (tỷ USD)Lợi nhuận (tỷ USD)Tài sản (tỷ USD)Giá trị thị trường (tỷ USD)
1General ElectricMỹĐa lĩnh vực 182,52 17,41 797,77 89,87
2Royal Dutch ShellHà LanDầu khí 458,36 26,28 278,44 135,10
3Toyota MotorNhậtHàng tiêu dùng lâu bền 263,42 17,21 324,98 102,35
4ExxonMobilMỹDầu khí 425,70 45,22 228,05 335,54
5BPAnhDầu khí 361,14 21,16 228,24 119,70
6HSBC HoldingsAnhNgân hàng 142,05 5,73 2.520,45 85,04
7AT&TMỹDịch vụ viễn thông 124,03 12,87 265,25 140,08
8Wal-Mart StoresMỹBán lẻ 405,61 13,40 163,43 193,15
9Banco SantanderTây Ban NhaNgân hàng 96,23 13,25 1.318,86 49,75
10ChevronMỹDầu khí 255,11 23,93 161,17 121,70
11TotalPhápDầu khí 223,15 14,74 164,66 112,90
12ICBCTrung QuốcNgân hàng 53,60 11,16 1.188,08 170,83
13GazpromNgaDầu khí 97,29 26,78 276,81 74,55
14Petro ChinaTrung QuốcDầu khí 114,3219,94 145,14 270,56
15Volkswagen GroupĐứcHàng tiêu dùng lâu bền 158,40 6,52 244,0575,18
16JPMorgan ChaseMỹNgân hàng 101,49 3,70 2.175,05 85,87
17GDF SuezPhápNăng lượng 115,59 9,05 232,71 70,46
18ENIItaliaDầu khí 158,32 12,91 139,80 80,68
19Berkshire HathawayMỹTài chính 107,794,99 267,40 122,11
20VodafoneAnhDịch vụ viễn thông 70,39 13,30 252,08 93,66