17:03 04/02/2010

Những công ty Mỹ “mất giá” nhất thập kỷ

Kiều Oanh

Trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã mất hàng trăm tỷ USD giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán

Phía trước đại bản doanh của Cisco - cái tên đứng đầu danh sách công ty Mỹ “mất giá” nhất thập kỷ - Ảnh: Reuters.
Phía trước đại bản doanh của Cisco - cái tên đứng đầu danh sách công ty Mỹ “mất giá” nhất thập kỷ - Ảnh: Reuters.
Trong thập kỷ qua, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã mất hàng trăm tỷ USD giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán. Chiếm đa số trong nhóm 10 doanh nghiệp “mất giá” nhất này là các hãng công nghệ.

1. Cisco

Giá trị vốn hóa mất mát: 425 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 557 tỷ USD (tháng 3/2000)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 132 tỷ USD

Cùng với Microsoft và Intel, Cisco là một trong những công ty được lợi nhất trong thời kỳ bong bóng dotcom ở Mỹ hồi cuối những năm 1990. Mặc dù Cisco hiện vẫn là nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đầu thế giới, nhưng giá cổ phiếu của tập đoàn này chưa thể phục hồi hoàn toàn từ mức đáy khi bong bóng công nghệ vỡ tung. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành (CEO) John Chambers của Cisco vẫn kiếm bộn. Năm ngoái, ông bỏ túi 11 triệu USD nhờ bán cổ phiếu.

2. General Electric (GE)

Giá trị vốn hóa mất mát: 423 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 601 tỷ USD (tháng 8/2000)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 178 tỷ USD

Trong thời kỳ bong bóng kinh tế ở Mỹ vào cuối những năm 1990, giá cổ phiếu của GE đã tăng chóng mặt. Tuy nhiên, kể từ khi CEO Jeff Immelt nhậm chức thay cho người tiền nhiệm Jack Welch vào năm 2001, giá cổ phiếu của GE đã đảo chiều và lao dốc liên tục, tới nay mất đã mất 70% giá trị.

3. Intel

Giá trị vốn hóa mất mát: 400 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 509 tỷ USD (tháng 8/2000)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 109 tỷ USD

Tương tự như Cisco và Microsoft, Intel từ lâu đã là một doanh nghiệp thành công, dù không phải lúc nào cũng đáp ứng được những kỳ vọng cao của thị trường. Khi giá cổ phiếu của Intel đạt đỉnh vào tháng 8/2000, nhiều nhà phân tích đã lo ngại một kịch bản xấu có thể xảy ra đối với cổ phiếu này. Một tháng sau đó, Intel cắt giảm dự báo tăng trưởng doanh số của hãng, khiến giá cổ phiếu này rơi tự do và tới nay vẫn chưa thể lấy lại được những gì đã mất.

4. Microsoft

Giá trị vốn hóa mất mát: 390 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 642 tỷ USD (tháng 9/2000)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 252 tỷ USD

Microsoft hiện đang là doanh nghiệp lớn thứ hai của Mỹ xét về giá trị vốn hóa thị trường, sau Exxon Mobil, mặc dù giá cổ phiếu của “đại gia” phần mềm này đã sụt giảm chóng mặt so với thời kỳ đỉnh cao. Giá cổ phiếu của Microsoft giảm dù hãng đã chi hàng chục tỷ USD để mua lại cổ phiếu. Năm 2008, Microsoft cho hay, trong vòng 5 năm, họ đã chi 115 tỷ USD để mua lại cổ phiếu và trả cổ tức. Trong khoảng thời gian đó, bất chấp nỗ lực này của Microsoft, giá cổ phiếu của hãng đi ngang.

5. Nortel

Giá trị vốn hóa mất mát: 283 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 283 tỷ USD (tháng 7/2000)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 0 USD (Nortel đã phá sản vào tháng 1/2009)

Cổ phiếu của hãng sản xuất thiết bị viễn thông Nortel đã từng là một trong những cổ phiếu “nóng” nhất trên thị trường chứng khoán Phố Wall. Tuy nhiên, không giống như đối thủ Cisco, do hàng loạt sai sót trong công tác kế toán và những quyết định kinh doanh sai lầm, Nortel đã làm ăn bết bát trong suốt thời gian kể từ sau khi bong bóng công nghệ xì hơi. Đầu năm ngoái, Nortel đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và bán lại toàn bộ tài sản.

6. Lucent

Giá trị vốn hóa mất mát: 274 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 285 tỷ USD (tháng 12/1999)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 11 tỷ USD (vào năm 2006, Lucent đã sáp nhập vào Alcatel)

Lucent là một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong lĩnh vực viễn thông vào cuối những năm 1990. Tuy nhiên, sự thật đã nhanh chóng được phơi bày: Lucent chỉ dùng các “thủ thuật” kế toán để thổi phồng kết quả kinh doanh. Các nhà chức trách Mỹ đã vào cuộc và Lucent phải nộp phạt 25 triệu USD vì tội gian lận.

7. AIG

Giá trị vốn hóa mất mát: 239 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 242 tỷ USD (tháng 12/2000)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 3 tỷ USD

Hiện nay, hiếm có một danh sách nào về các doanh nghiệp “bại trận” không có sự góp mặt của bảo hiểm khổng lồ này. Trong thời gian khủng hoảng vừa qua, AIG đã được Chính phủ Mỹ bơm cho 180 tỷ USD để tránh sự sụp đổ. Dưới thời của cựu CEO Hank Greenberg, người ngoài nhìn vào cứ nghĩ AIG bình yên, dù tập đoàn tích cực vay nợ để thực hiện những vụ đầu tư đầy may rủi. Hiện AIG đang nỗ lực kiếm tiền để trả nợ Chính phủ Mỹ, và không mấy ai tin là AIG có thể sớm hoàn thành nhiệm vụ này.

8. AOL

Giá trị vốn hóa mất mát: 219 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 222 tỷ USD (tháng 12/1999)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 3 tỷ USD

Dưới sự lãnh đạo của người sáng lập Steve Case, AOL đã thu hút được một số lượng người sử dụng khổng lồ, trở thành biểu tượng của Internet tiêu dùng. Tuy nhiên, vụ sáp nhập vào năm 2000 giữa AOL và Time Warner đã được giới phân tích xem là một trong những “cuộc hôn nhân doanh nghiệp” dở tệ nhất trong lịch sử, đồng thời khiến giá cổ phiếu của hai công ty sau khi sáp nhập bốc hơi thê thảm. Hiện AOL đã tách khỏi Time Warner.

9. Exxon Mobil

Giá trị vốn hóa mất mát: 192 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 509 tỷ USD (tháng 12/2007)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 317 tỷ USD

Từ năm 2006, Exxon Mobil đã thay thế GE ở ngôi vị công ty Mỹ có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất. Không chịu sự sụt giảm giá trị vốn hóa mạnh như những công ty công nghệ lớn hồi đầu thập kỷ, nhưng mức độ mất giá của Exxon cũng đủ để công ty rơi vào danh sách này. Nhìn chung, giá cổ phiếu của Exxon giảm theo thị trường chứng khoán Mỹ nói chung, số lượng cổ phiếu lưu hành cũng giảm do hoạt động mua lại mạnh mẽ cổ phiếu của hãng.

10. WorldCom

Giá trị vốn hóa mất mát: 186 tỷ USD
Giá trị vốn hóa trị trường ở thời kỳ đỉnh cao: 186 tỷ USD (tháng 4/1999)
Giá trị vốn hóa thị trường gần đây: 0 USD (Enron đã phá sản vào tháng 7/2002)

Dưới sự lãnh đạo của Bernie Ebbers, một cựu huấn luyện viên bóng rổ trường phổ thông, WorldCom đã gian lận sổ sách kế toán để thổi phồng giá trị. Năm 2002, WorldCom phá sản, 3 năm sau, Ebbers cũng hầu tòa.

(Theo CNN)