Những công ty nào chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi căng thẳng Nga – Ukraine?
Những công ty quốc tế có hoạt động lớn tại Nga sẽ phải chịu tác động nghiêm trọng do các lệnh trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây nhằm vào Moscow...
Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine với diễn biến dồn dập những ngày qua đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. Tuy nhiên, hơn hết, những công ty quốc tế có hoạt động lớn tại Nga sẽ phải chịu tác động nghiêm trọng do lệnh trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây nhằm vào Nga.
Dưới đây là những công ty có hiện diện lớn tại Nga và dự kiến đối mặt với những tác động lớn từ các lệnh cấm vận cũng như căng thẳng leo thang với Ukraine, theo thống kê của CNN.
BASF
Nhà sản xuất hóa chất Đức BASF đồng sở hữu Wintershall Dea, một trong những nhà đầu tư của dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 cùng nhóm nhà đầu tư LetterOne của tỷ phú Nga Mikhail Fridman.
Đây là dự án được xây dựng nhằm dẫn khí đốt thẳng từ Nga sang châu Âu và vừa bị Chính phủ Đức dừng phê chuẩn – động thái được xem là sự trừng phạt nhằm vào Moscow. Dự án 11 tỷ USD này đã hoàn thành nhưng chưa thể đi vào hoạt động do chưa được Đức phê chuẩn. Đối với BASF, 1% doanh thu của cả tập đoàn đến từ hoạt động kinh doanh tại Nga.
BP
Công ty dầu khí BP của Anh là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, nắm giữ 19,75% cổ phần tại tập đoàn dầu mỏ quốc gia Rosneft. Công ty này cũng nắm cổ phần tại nhiều dự án dầu khí khác tại Nga.
COCA-COLA HBC
Coca-Cola HBC là công ty đóng chai Coca-Cola lớn thứ ba thế giới. Niêm yết cổ phiếu tại London, công ty này đóng chai Coca-Cola cho thị trường Nga, Ukraine và phần lớn khu vực Trung và Đông Âu. Nga là một trong những thị trường lớn nhất của Coca-Cola HBC, nơi công ty có khoảng 7.000 nhân viên.
DANONE
Nhà sản xuất sữa chua Pháp Danone sở hữu thương hiệu sữa nổi tiếng Prostokvanhino tại Nga và thị trường này chiếm 6% tổng doanh thu của công ty.
ENGIE
Công ty khí đốt Engie của Pháp là một trong 5 nhà đầu tư của dự án Nord Stream 2.
METRO
Có tới 10.000 nhân tại Nga, hãng bán lẻ Metro của Đức hiện phục vụ khoảng 2,5 triệu khách hàng ở đây.
NESTLE
Tính tới năm 2020, Nestle – công ty hàng tiêu dùng Thụy Sỹ, có 6 nhà máy tại Nga, bao gồm các cơ sở sản xuất bánh kẹo và đồ uống. Năm 2020, doanh thu của Nestle tại thị trường Nga đạt khoảng 1,7 tỷ USD.
RENAULT
Nhà sản xuất ô tô Pháp hiện nắm 69% cổ phần tại liên doanh tại Nga - Avtovaz, công ty đứng sau thương hiệu ô tô Lada với 90% sản lượng được bán ở Nga.
ROLLS-ROYCE
Nhà sản xuất động cơ máy bay cho biết thị trường Nga chỉ đóng góp gần 2% tổng doanh thu của công ty. Tuy nhiên, 20% vật liệu titan sử dụng để chế tạo các bộ phận động cơ và thiết bị hạ cánh máy bay phản lực đường dài của Rolls-Royce đến từ Nga.
SHELL
Công ty dầu khí Hà Lan hiện nắm giữ 27,5% dự án khí tự nhiên hóa lỏng Sakhali – với sản lượng khoảng 10,9 triệu tấn mỗi năm. Shell cũng là một trong 5 nhà đầu tư của Nord Stream 2.
TOTALENERGIES
Hãng dầu khí của Pháp TotalEnergies là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Nga với 19,4% cổ phần tại Novatek – tập đoàn khí đốt tự nhiên lớn thứ hai của Nga, 20% cổ phần trong liên doanh Yamal LNG, 21,6% tại Arctic LNG 2 và 20% tại mỏ dầu Kharyaga. Ngoài ra, TotalEnergies cũng nắm cổ phần tại nhiều công ty trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, khai khoáng và hóa chất tại Nga.
UNIPER
Công ty tiện ích của Đức đã đầu tư 1 tỷ USD vào Nord Stream 2, bên cạnh 5 nhà máy điện tại Nga với tổng công suất 11,2 Gigawatt và cung cấp khoảng 5% nhu cầu năng lượng của Nga.
EXXONMOBIL
“Đại gia” đầu khí của Mỹ đã có hơn 25 năm kinh doanh tại Nga và hiện có hơn 1.000 nhân viên ở đây. Công ty con Exxon Neftegas Limited của ExxonMobil hiện nắm 30% cổ phần tại Sakhalin-1 – dự án dầu và khí đốt tự nhiên khổng lồ nằm ở ngoài khơi Đảo Sakhalin, vùng Viễn Đông Nga. Exxon Neftegas Limited vận hành dự án này từ năm 1995, đại diện cho nhóm các nhà đầu tư gồm các đối tác Nhật Bản và Ấn Độ cùng 2 công ty con của Rosneft – tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga..
MCDONALD’S
Chuỗi hàng ăn nhanh Mỹ định vị Nga là một thị trường tăng trưởng nhanh của mình và liên tục mở thêm nhiều cửa hàng trong suốt thập kỷ qua.
MONDELEZ
Nhà sản xuất bánh Oreo trở thành hãng sô-cô-la hàng đầu tại Nga vào năm 2018.
JAPAN TOBACCO
Công ty Nhật Bản hiện có khoảng 4.000 nhân viên tại các nhà máy ở Nga. Năm 2020, tiền thuế của Japan Tobacco chiếm tới 1,4% ngân sách liên bang của Nga, theo thông tin trên website của công ty. Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), bao gồm Nga và Belarus, chiếm khoảng 20% lợi nhuận của công ty.
MARUBENI
Công ty thương mại Marubeni của Nhật có 4 văn phòng tại Nga, chuyên bán lốp xe cho thiết bị khai khoáng và quản lý một trung tâm khám sức khỏe.
MITSUBISHI
Tập đoàn Mitsubishi phân phối ô tô của Mitsubishi Motor tại Nga thông qua 141 đại lý. Công ty này cũng nắm cổ phần tại Sakhalin II - dự án phát triển dầu khí cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng cho Nhật và kinh doanh than đá, nhôm, niken, metanol, nhựa cùng nhiều vật liệu khác. Mitsubishi cũng cung cấp thiết bị nhà máy điện và máy móc khác cho các doanh nghiệp tại Nga.
SBI HOLDINGS
Ngân hàng Nhật Bản SBI Bank, được thành lập gần ba thập kỷ trước, cung cấp dịch vụ doanh nghiệp và khoản vay cho các công ty Nhật kinh doanh tại Nga.
TOYOTA
Nhà máy của “đại gia” ô tô Nhật Bản ở Saint Petersburg, Nga sản xuất dòng xe Camry và Rav4. Toyota hiện cũng có văn phòng kinh doanh tại Moscow và khoảng 2.600 nhân viên, trong đó có 26 người Nhật.