Những dấu hiệu báo động của nền kinh tế Nga
Các quan chức Nga gần đây công khai cảnh báo về rủi ro xảy ra suy thoái kinh tế. Doanh nghiệp Nga, từ các nhà sản xuất máy kéo cho tới nội thất, đang cắt giảm sản lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn...

Chi tiêu quân sự lớn và nguồn thu ổn định từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ, nền kinh tế Nga vẫn duy trì mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất trong hai năm qua, bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, những tuần gần đây, các chỉ số kinh tế của Nga đang cho thấy những “báo động đỏ”. Hoạt động sản xuất có dấu hiệu suy giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao và ngân sách đang chịu áp lực lớn trước những khoản chi quân sự khổng lồ.
MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG RẠN NỨT
Theo tờ báo Wall Street Journal, các quan chức Nga gần đây công khai cảnh báo về rủi ro xảy ra suy thoái kinh tế. Doanh nghiệp Nga, từ các nhà sản xuất máy kéo cho tới nội thất, đang cắt giảm sản lượng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Thứ Năm tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) thông báo sẽ thảo luận về việc tiếp tục hạ lãi suất trong tháng này, sau khi đã thực hiện một lần giảm vào tháng 6.
Sự suy giảm của kinh tế Nga đang cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây dù không thể khiến kinh tế Nga suy sụp ngay, nhưng rõ ràng đang gây ra thiệt hại cho nước này. Nhiều chuyên gia dự báo nếu các lệnh trừng phạt thắt chặt hơn nữa hoặc giá dầu giảm, nền kinh tế Nga có thể sẽ bắt đầu chao đảo.
“Mô hình tăng trưởng chỉ dựa vào chi tiêu quân sự đã bắt đầu rạn nứt”, ông Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức (GIISA), nhận xét. “Hoạt động kinh tế ở khu vực dân sự phải thu hẹp để giải phóng lao động cho cỗ máy chiến tranh. Đây là hướng đi không bền vững”.
Tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cảnh báo rằng nước này đang trên bờ vực suy thoái. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov mô tả tình hình kinh tế Nga hiện nay là một “cơn bão hoàn hảo”.
Trong khi đó, Tổng thống Putin bác bỏ những quan điểm rằng chiến tranh đang kìm hãm nền kinh tế và cho rằng những cảnh báo về kinh tế Nga là “quá phóng đại”. Ông chủ Điện Kremlin cũng nói thêm rằng “suy thoái hay đình lạm là điều không được phép xảy ra trong bất kỳ tình huống nào”.
Đình lạm (stagflation) là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng kinh tế trì trệ trong bối cảnh lạm phát cao.
Sau giai đoạn suy giảm kinh tế ngắn vào năm 2022, chi tiêu quân sự - ở mức cao nhất kể từ thời Liên Xô tới nay khi chiếm hơn 6% GDP năm ngoái - đã hỗ trợ lớn cho nền kinh tế Nga và giúp giảm tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Năm ngoái, chi tiêu quân sự chiếm khoảng 3% GDP của Mỹ và 2% GDP của Đức.
Năm nay, chi tiêu quân sự và an ninh chiếm khoảng 40% tổng chi tiêu của Chính phủ Nga. Việc vẫn chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc, cùng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh, cũng đã giúp nền kinh tế Nga trụ vững trong thời gian qua.
Những điều này dẫn đến một nghịch lý: Đó là nền kinh tế bị trừng phạt nhiều nhất thế giới lại tăng trưởng mạnh hơn so với Mỹ và hầu hết nền kinh tế phát triển khác.
Tuy nhiên, chi tiêu quân sự khổng lồ cũng khiến lạm phát tại Nga tăng phi mã, buộc CBR phải tăng lãi suất lên mức kỷ lục 21%. Lãi suất cao khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp tăng lên, khiến họ cắt giảm đầu tư và rút lại kế hoạch mở rộng kinh doanh. Trong bối cảnh đó, kinh tế Nga đã bắt đầu sa sút.
Trong quý đầu năm 2025, GDP Nga tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 4,5% của quý cuối năm ngoái. Chỉ số nhà quản trị mua hàng của S&P Global cho thấy trong tháng 6/2025, ngành sản xuất Nga chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất trong vòng hơn 3 năm qua. Doanh số ô tô mới tại Nga trong tháng 6 đã giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước - theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (AEB).
DOANH NGHIỆP VÀ HỆ THỐNG NGÂN HÀNG ĐỨNG TRƯỚC RỦI RO LỚN
Doanh nghiệp Nga đang bắt đầu cảm nhận tác động từ sự sa sút của nền kinh tế.
Hồi tháng 5, Rostselmash, nhà sản xuất máy móc nông nghiệp lớn nhất tại Nga, thông báo sẽ cắt giảm sản lượng và đầu tư, đồng thời kéo dài thời gian nghỉ phép bắt buộc hàng năm đối với 15.000 nhân viên do đơn hàng giảm.
Tại Siberia, công ty lưới điện Rosseti Sibir cho biết đang đứng bên bờ vực phá sản do gánh nặng nợ cao. Công ty này hiện đã dừng tất cả kế hoạch đầu tư và mở rộng kinh doanh.
Theo một số nhà phân tích, hệ thống ngân hàng Nga cũng có xu hướng lung lay. Rủi ro với các nhà băng Nga tăng lên sau quyết định của Chính phủ về việc kiểm soát hoạt động cho vay liên quan tới chiến tranh tại các ngân hàng lớn - theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Mỹ. Theo quyết định được đưa ra ngay sau khi chiến tranh Nga - Ukraina nổ ra này, Điện Kremlin có thể chỉ thị buộc các ngân hàng cung cấp khoản vay - có lãi suất ưu đãi hoặc với một số điều khoản do Chính phủ quyết định - dành cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động liên quan tới chiến tranh.
Từ đó đến nay, với mức lãi suất tăng lên mức kỷ lục, nhiều doanh nghiệp trong số này không để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Trong một báo cáo hồi tháng 5, Trung tâm Phân tích Vĩ mô và Dự báo ngắn hạn (CMASTF) có trụ sở tại Moscow nhận định rủi ro xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng mang tính hệ thống và kéo dài trong năm 2026 là “vừa phải” và có xu hướng tăng lên.
Những khó khăn kinh tế làm tăng áp lực lên Điện Kremlin. Nước này đã thâm hụt ngân sách trong suốt những năm tham chiến vừa qua và tình trạng này được dự báo sẽ kéo dài ít nhất trong 2 năm nữa. Đây được cho là cơ hội cho phương Tây để gia tăng áp lực thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Giá dầu đang có xu hướng đi xuống bất chấp xung đột gần đây ở Trung Đông là một rủi ro nữa với Nga. Những năm qua, ngân sách nước này phụ thuộc khoảng 30% nguồn thu từ xuất khẩu dầu. Giá dầu thô Nga thời gian qua luôn thấp hơn so với con số được nêu trong dự toán ngân sách của Chính phủ nước này. Theo số liệu được Bộ Tài chính Nga công bố thứ Năm tuần trước, doanh thu từ dầu khí của Nga trong tháng 6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2023.
“Giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ khiến tình hình hiện tại thêm tồi tệ. Rủi ro rất cao”, bà Alexandra Prokopenko, cựu quan chức CBR và hiện làm việc tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia Center có trụ sở tại Berlin (Đức), nhận định.