09:24 28/09/2018

Những lưu ý để bảo vệ và cải thiện thính giác

An Nhiên

Nhìn chung, thính giác của mỗi người sẽ dần trở nên kém đi cùng với tuổi tác. Nhất là trong môi trường đô thị hóa như hiện nay, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng gia tăng khiến đôi tai – bộ phận vô cùng nhạy cảm của cơ thể rất dễ bị tổn thương, dẫn đến gia tăng tình trạng suy giảm thính giác.


Tại Hội nghị Thính học quốc tế lần thứ 19 được tổ chức tại TP.HCM mới đây, con số được đưa ra là cứ 6 người trên thế giới sẽ có một người có vấn đề về thính giác và con số này ngày càng gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, năm 2010, thế giới có khoảng 250 triệu người bị điếc, giảm thính lực và con số này tăng lên khoảng 360 triệu người vào năm 2015. Có bốn nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề về thính giác là điếc bẩm sinh, điếc do thuốc, điếc do bệnh viêm tai giữa và điếc do tiếng ồn.
Những lưu ý để bảo vệ và cải thiện thính giác - Ảnh 1.

Tình trạng suy giảm thính giác có xu hướng gia tăng

Để bảo vệ đôi tai Để bảo vệ tốt cho đôi tai, tránh suy giảm thính lực, chuyên gia khuyên bạn cần thực hiện ngay những điều này: + Hạn chế sử dụng tai nghe: Đeo tai nghe liên tục trong nhiều giờ sẽ dẫn đến việc các bộ phận trong tai phải chịu áp lực lớn, thính lực suy giảm và thậm chí bị điếc. Để ngăn chặn nguy cơ này, bạn nên lựa chọn loại tai nghe có khả năng giảm tiếng ồn tốt hoặc sử dụng tai nghe dạng chụp tai thay vì dạng nhét tai. Âm lượng và thời lượng của âm thanh có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tai, các nhà khoa học đã khuyến cáo người nghe nên áp dụng quy tắc 60/60 - chỉ nên nghe nhạc với mức âm lượng không vượt quá 60%, mỗi lần nghe không quá 60 phút để bảo vệ đôi tai của bạn. + Tránh xa tiếng ồn lớn: Tiếng nhạc tại các buổi party, tiếng ồn lớn từ các nhà máy, công trường hoặc tiếng còi tàu xe… đều có thể khiến đôi tai của bạn bị tổn thương. Bất kỳ âm thanh nào trên 85dB có thể gây hại tới thính giác, đặc biệt nếu bạn tiếp xúc với chúng trong một thời gian dài. Lời khuyên cho bạn là nên chuẩn bị một số loại phụ kiện giúp tai hạn chế tiếp xúc với tiếng ồn như nút tai hay chụp tai.
Những lưu ý để bảo vệ và cải thiện thính giác - Ảnh 2.
+ Cẩn thận khi bơi: Bạn cần lưu ý không nên đi bơi khi gặp các tình trạng như viêm tai ngoài, viêm tai giữa. Ngoài ra bạn cũng không nên đi bơi ở những hồ bơi ô nhiễm, kém vệ sinh, việc nước bẩn tràn vào tai có thể gây viêm tai, sưng tấy bên trong tai và ù tai. Tốt nhất khi đi bơi, bạn cần bảo vệ đôi tai của mình bằng cách sử dụng nút bịt tai, dùng mũ chống thấm nước trùm đầu… Những biện pháp đơn giản Theo các bác sĩ chuyên khoa, ngoài những can thiệp của y học hiện đại trong phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm các trường hợp suy giảm thính giác, thì để cải thiện khả năng thính giác, mỗi người cần chú ý thực hiện tốt những cách đơn giản mà hiệu quả này: + Đảm bảo giấc ngủ: Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ hay ngưng thở khi ngủ có liên kết trực tiếp với suy giảm thính giác. Các nhà khoa học đã đưa giả thuyết rằng ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân gây ra giảm lưu lượng máu đến vùng tai trong và dẫn đến khả năng nghe kém đi. Nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ, bạn nên trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt vì vấn đề suy giảm thính giác của bạn vẫn có thể đang ở giai đoạn có thể hồi phục tốt. Tốt nhất, bạn nên ngủ đủ 6-8 tiếng cho mỗi đêm.
Những lưu ý để bảo vệ và cải thiện thính giác - Ảnh 3.

Ngủ đu giấc giúp cải thiện thính lực của bạn

+ Tập thể dục: Ngoài việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần thì tập thể dục cũng là cách để cải thiện thính giác một cách tự nhiên. Hệ thống thính giác của bạn không bao giờ ngừng hoạt động, vì vậy, cần phải được cung cấp thường xuyên bởi các chất dinh dưỡng và oxy. Tập thể dục là cách để cung cấp dinh dưỡng và oxy giúp cải thiện và máu bơm tốt hơn cho hệ thống thính giác. Tập thể dục aerobic hay luyện tập yoga là một trong những cách rất tốt. Các bài tập như tư thế tam giác, tư thế hoa sen, hình dáng rắn hổ mang và hình dạng cây là tuyệt vời để giúp tăng tuần hoàn máu và chất dinh dưỡng cho tai trong cũng như não.
Những lưu ý để bảo vệ và cải thiện thính giác - Ảnh 4.
+ Bỏ thuốc lá: Càng hút thuốc nhiều, bạn càng bị suy giảm về tuần hoàn mạch máu và gây ra nguy cơ tăng huyết áp, cả hai đều trực tiếp liên quan đến suy giảm thính giác. Cần bỏ thuốc lá ngay và tránh môi trường có khói thuốc.
+ Lấy ráy tai: Đôi khi ráy tai làm bạn khó nghe, do đó cần loại bỏ chúng ngay. Bạn có thể đổ một vài giọt nước muối sinh lý vào trong tai và để qua đêm. Sáng hôm sau, bạn sẽ thấy rằng ráy tai mềm hẳn đi, bạn sẽ dễ dàng lấy và loại bỏ ráy tai hoàn toàn. + Đi khám: Có thể bạn đang bị giảm chất lượng thính giác vì bị nhiễm khuẩn tai, đặc biệt nếu bạn cảm thấy đau ở tai kèm sốt hoặc chảy mủ tai kéo dài. Bác sĩ sẽ chẩn đoán và xử trí sớm để tránh biến chứng. Chế độ ăn tốt cho thính lực + Chất béo omega-3 và vitamin D thường có trong cá như cá hồi, cá ngừ, cá mòi có thể có những tác động rất tích cực đến thính lực. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lớn ăn cá 2 lần/tuần có một cơ hội thấp hơn 42% phải đối mặt với mất thính lực liên quan đến tuổi tác so với những người không ăn cá. Nghiên cứu đã kết luận chất béo omega-3 tăng cường các mạch máu trong hệ thống cảm nhận âm thanh của tai.
Những lưu ý để bảo vệ và cải thiện thính giác - Ảnh 5.

Lựa chọn thực phẩm có thể cải thiện và bảo vệ thính lực

+ Các chất chống oxy hóa, acid folic thường được tìm thấy trong rau cải bó xôi, măng tây, đậu, bông cải xanh, trứng, gan, các loại hạt có thể làm giảm nguy cơ mất thính lực lên đến 20%. Chất chống oxy hóa hoạt động như chất bổ sung mất thính lực bằng cách giảm số lượng các gốc tự do tràn ngập trong cơ thể, các gốc tự do có thể gây tổn hại các mô thần kinh ở tai trong của bạn.
Những lưu ý để bảo vệ và cải thiện thính giác - Ảnh 6.
+ Magiê thường được tìm thấy trong chuối, khoai tây, atisô hoặc bông cải xanh, đã được chứng minh là  có khả chống lại tiếng ồn gây ra mất thính lực. Ăn 3-5 trái chuối/ngày giúp bảo vệ thính lực. Kẽm cũng được xem như một vitamin cho thính lực. Bạn có thể tăng sức đề kháng tai trong đối với mất thính lực liên quan đến tuổi tác bằng cách sử dụng đủ liều lượng kẽm. Kẽm có thể được tìm thấy trong chocolate đen hoặc hàu. + Tương tự như các chất chống oxy hóa, vitamin C/E hoạt động như chất bổ sung thính lực bằng cách kiểm soát các gốc tự do và tăng cường hệ thống miễn dịch toàn thân của bạn, do đó làm giảm nguy cơ nhiễm trùng tai. Các nguồn vitamin C/E dễ dàng tìm thấy trong rau quả, cam, ớt…