11:28 02/02/2023

Những lưu ý về các kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023

Đỗ Như

Nằm trong xu thế chung, nhiều trường đại học đã dành chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Thí sinh cần nắm bắt thông tin về thời gian, cách thức tổ chức đề thi, lệ phí thi… để tránh rơi vào tình thế bị động.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 ở Đại học Quốc gia TP.HCM, thí sinh có thể đăng ký dự thi trực tuyến. Nhà trường tổ chức thành 2 đợt vào cuối tháng 3 và cuối tháng 5. Ở đợt 1, thí sinh sẽ có 1 tháng tham gia đăng ký dự thi, bắt đầu từ ngày 1-28/2.

Đợt 1 được tổ chức vào ngày 26/3 tại 21 tỉnh/thành phố, gồm 17 địa phương như cùng kỳ năm ngoái: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và mở rộng thêm 4 địa phương: Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố vào đúng 1 tuần sau khi thi, tức ngày 4/4.

Đặc biệt, năm nay, nhà trường đã cải tiến về phương thức thanh toán cho thí sinh khi tập trung sử dụng thanh toán lệ phí thi thông qua các ví điện tử. Theo đó, thí sinh sẽ lựa chọn 1 trong 4 phương thức thanh toán qua Viettel Money, Foxpay, Momo và Payoo để hoàn thành thủ tục đăng ký.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút.

Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: Sử dụng ngôn ngữ; Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh. Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút, chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh. Việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực sẽ giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.

Vào năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực của trường đã có 122.696 lượt đăng ký dự thi, gấp 20 lần so với năm 2018.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tuyển sinh theo 3 phương thức, trong đó có xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức. Thí sinh nộp hồ sơ trực tuyến để thi kiểm tra kiến thức(1) hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT (đối với đợt 3) và tham dự phỏng vấn(2) với hội đồng phỏng vấn tuyển sinh của Trường.

Bài kiểm tra tập trung vào kiến thức nền tảng, nội dung cốt lõi liên quan đến ngành ứng tuyển. Sau khi có điểm bài kiểm tra kiến thức đạt yêu cầu, thí sinh sẽ được mời tham dự phỏng vấn bằng hình thức trực tuyến.

Lệ phí tuyển sinh được nhà trường thông báo là 500.000 đồng/thí sinh. Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết phí dịch vụ tuyển sinh là khoản phí bắt buộc khi thí sinh đăng ký tuyển sinh và không hoàn trả trong mọi trường hợp.

Đối với Trường đại học Việt Đức, nhà trường tổ chức cuộc thi TestAS, thí sinh làm bài thi gồm một bài thi cơ bản là Core Test và một bài thi chuyên ngành – Subject Specific Test.

Bài thi kiến thức khối chuyên ngành được quy định như sau:

Đối với ngành CSE: Bài thi về Toán học, Khoa học máy tính và Khoa học tự nhiên;

Đối với các ngành ECE, MEN, BCE và ARC: Bài thi về Kỹ thuật

Đối với các ngành BFA, BBA: Bài thi về Kinh tế.

Kết quả tổng hợp của bài thi đầu vào hoặc của chứng chỉ TestAS hợp lệ được xác định từ kết quả của hai bài thi thành phần theo tỉ lệ: Bài thi kiến thức cơ bản: 40% và bài thi kiến thức khối chuyên ngành: 60%.

Bài thi kiểm tra trình độ tiếng Anh onSET là bài thi làm trên máy tính và không có phần thi vấn đáp.

Nhà trường cho biết thí sinh sẽ được miễn bài thi tiếng Anh onSET nếu đến từ các quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức theo danh sách do nhà trường quy định; hoặc thí sinh tốt nghiệp các chương trình THPT quốc tế có ngôn ngữ giảng dạy và kiểm tra là tiếng Anh.

Lệ phí dự thi bài thi TestAS là 1,5 triệu đồng/thí sinh. Nhà trường không thu lệ phí xét tuyển hồ sơ (nộp trực tuyến) đối với các phương thức xét tuyển khác. Thí sinh dự thi tiếng Anh onSet tại trường sẽ đóng lệ phí thi là 250.000 đồng. Để đăng ký dự thi, thí sinh phải nộp hồ sơ đầy đủ trên hệ thống đăng ký trực tuyến và hoàn tất lệ phí thi đầu vào.

Còn với kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội, thí sinh sẽ lựa chọn đăng kí một số bài thi trong các môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học.

Lệ phí dự thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội là 160.000 đồng/môn thi. Thí sinh sẽ đăng ký dự thi trực tuyến trên hệ thống đăng ký thi đánh giá năng lực của nhà trường từ ngày 20/2 đến 9/4.

Đại học Sư phạm Hà Nội lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ phương thức, điều kiện tuyển sinh năm 2023 của trường đại học mà bản thân có nguyện vọng dự tuyển và quyết định lựa chọn 2, 3 hoặc 4 bài thi sẽ đăng ký dự thi.

Kết quả bài thi đánh giá năng lực thường có độ tin cậy cao, được nhiều cơ sở giáo dục đại học trong nước tin tưởng, khai thác sử dụng để phục vụ tuyển sinh đại học. Số lượng các đơn vị sử dụng kết quả xét tuyển và dành chỉ tiêu cho kỳ thi đánh giá năng lực cũng tăng dần qua từng năm.