10:08 13/07/2011

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư

Diệp Anh

Đồng nội tệ tăng giá, lạm phát leo thang đã khiến chi phí sinh hoạt của nhiều nơi trở thành cực hình với lao động nhập cư

Lạm phát đã khiến đời sống tại nhiều thành phố trở nên quá giới hạn cho phép - Ảnh: CNBC.
Lạm phát đã khiến đời sống tại nhiều thành phố trở nên quá giới hạn cho phép - Ảnh: CNBC.
Hàng năm, hãng tư vấn Mercer đều đưa ra một danh sách các thành phố đắt đỏ nhất thế giới nhằm giúp các công ty đa quốc gia xác định chi phí hỗ trợ cho nhân viên nhập cư.

Để có được các danh sách như vậy, Mercer đã thu thập số liệu từ 214 thành phố trên khắp thế giới, so sánh chi phí hơn 200 hạng mục ở mỗi khu vực, bao gồm giá thuê nhà, chi phí giao thông, thức ăn, giải trí...

Bảng xếp hạng năm nay vừa được Mercer công bố ngoài những thông tin như mọi năm, còn cho thấy sự tăng giá của các đồng tiền, yếu tố lạm phát, chi phí năng lượng đã ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống thế giới.

Dưới đây là top 10 thành phố đắt đỏ nhất hành tinh theo xếp hạng của Mercer (thứ tự từ dưới lên):

10. Sao Paulo, Brazil

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 1

Thành phố nằm ở miền đông nam của Brazil này từng đứng ở vị trí thứ 11 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên, Sao Paulo lọt vào top 10 các địa điểm đắt đỏ nhất hành tinh. Rio de Janeiro là một thành phố khác của Brazil cũng vọt tăng thứ hạng năm nay, từ vị trí thứ 17 năm ngoái leo lên ngôi số 12.

"Nhìn chung, tỷ giá hối đoái ở khu vực Nam Mỹ vẫn ổn định, ngoại trừ một số đồng tiền của các nước Brazil, Chile và Costa Rica. Đồng nội tệ của ba quốc gia này đã tăng mạnh so với USD, khiến các thành phố của họ trở nên đắt đỏ và nâng hạng", theo Ed Hannibal, quan chức thuộc Mercer.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 2.397 USD/tháng
Giá một cốc cà phê: 1,92 USD
Giá nhiên liệu: 6,32 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 9,59 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 8,99 USD

9. Hồng Kông

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 2

Là một trong những vùng lãnh thổ đông dân số hàng đầu trên thế giới, Hồng Kông cũng là một trong những nơi đắt đỏ nhất. Bởi lẽ "rất nhiều người nước ngoài đã tới đây làm việc", Ed Hannibal cho biết. Theo ông, nhu cầu nhà ở tăng mạnh ở các thành phố châu Á, trong đó có Hồng Kông, là yếu tố chính khiến chi phí sinh hoạt tại đây leo thang.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 5.776 USD/tháng
Giá một cốc cà phê: 6,8 USD
Giá nhiên liệu: 7,57 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 3,59 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 3,52 USD

8. Singapore

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 3

Singapore nổi tiếng thế giới là một trung tâm tài chính quan trọng đồng thời cũng là một nơi rất đắt đỏ. Năm ngoái, đảo quốc sư tử đứng ở vị trí thứ 11. Cũng như hầu hết các trung tâm tài chính ở châu Á, Singapore có nhu cầu lao động nhập cư lớn, do đó đã đẩy chi phí thuê nhà cũng như phí sinh hoạt lên cao.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 3.289 USD/tháng
Giá một cốc cà phê: 5,37 USD
Giá nhiên liệu: 5,94 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 3,13 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 5,37 USD

7. Zurich, Thụy Sỹ

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 4

Theo các tiêu chuẩn quốc tế, Zurich đủ tư cách là một trong nhưng thành phố đắt nhất thế giới. Năm ngoái, đồng franc Thụy Sỹ đã tăng mạnh so với USD, từ mức 94 xu trong năm 2010 lên gần 1,2 USD hiện nay, khiến chi phí sinh hoạt trở thành gánh nặng lớn hơn đối với những người nhập cư.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 3.471 USD/tháng
Giá một cốc cà phê: 5,79 USD
Giá nhiên liệu: 6,85 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 4,21 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 11,89 USD

6. Osaka, Nhật Bản

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 5

Osaka là một trung tâm thương mại quan trọng của Nhật Bản. Với tư cách là trung tâm kinh tế đông đúc ở một quốc gia có dân số khá lớn như Nhật Bản, Osaka cũng xảy ra tình trạng tương tự nhiều thành phố khác ở châu Á, đó là nhu cầu nhà ở thì cao nhưng lượng cung có giới hạn.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 2.905 USD/tháng
Giá một cốc cà phê: 6,66 USD
Giá nhiên liệu: 6,4 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 6,05 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 7,87 USD

5. Geneva, Thụy Sỹ

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 6

Mặc dù là thành phố đông dân thứ hai ở Thụy Sỹ, nhưng Geneva lại là thành phố đắt đỏ nhất ở Thụy Sỹ và thành phố đắt đỏ thứ hai ở châu Âu. Tương tự như Zurich, Geneva cũng có chi phí sinh hoạt cao là bởi đồng france Thụy Sỹ tăng giá so với USD.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 4.523 USD/tháng
Giá một cốc cà phê: 6,31 USD
Giá nhiên liệu: 6,96 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 4,21 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 11,89 USD

4. Moscow, Nga

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 7

Moscow vẫn duy trì vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng năm nay. Ed Hannibal chỉ ra rằng, Moscow vẫn là một điểm đến quan trọng của các doanh nghiệp quốc tế, yếu tố chính góp phần làm tăng nhu cầu nhà ở sang trọng.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 4.000 USD/tháng
Giá một cốc cà phê: 8,54 USD
Giá nhiên liệu: 3,56 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 9,97 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 5,94 USD

3. N’Djamena, Chad

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 8

Đứng ở vị trí thứ ba năm nay là thủ đô, đồng thời là thành phố lớn nhất của Chad. Thành phố này hiện là vũng lầy của các cuộc xung đột, nhưng vẫn là trung tâm kinh tế của Chad.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: Không rõ
Giá một cốc cà phê: 3,12 USD
Giá nhiên liệu: 5,6 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 7,07 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 26 USD

2. Tokyo, Nhật Bản

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 9

Thành phố đắt đỏ nhất ở châu Á là Tokyo. Năm ngoái, thành phố này cũng đứng ở vị trí số 2. Là thủ đô đồng thời là trung tâm kinh tế quan trọng nhất của xứ sở hoa anh đào, Tokyo là nơi người nhập cư đổ xô tới bất kể giá cả cao ngất.

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 4.842 USD
Giá một cốc cà phê: 7,63 USD
Giá nhiên liệu: 6,39 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 6,05 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 7,87 USD

1. Luanda, Angola

Những nơi “đốt tiền” của lao động nhập cư - Ảnh 10

Thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm nay thuộc về Luanda, thủ đô của Angola. Theo đánh giá của Mercer, "việc tìm kiếm một nơi ở tốt và đảm bảo đối với lao động nhập cư là một thách thức thật sự ở hầu hết các thành phố thuộc Phi châu, và chi phí quan trọng hơn hẳn so với các khu vực khác. Giá thuê nhà hiện đã leo lên mức cao kỷ lục ở các thành phố như Luanda, và đó cũng là lý do chính khiến nhiều thành phố châu Phi thăng hạng mạnh mẽ trong danh sách năm nay".

Phí thuê một căn hộ hai phòng ngủ hạng sang: 7.000 USD
Giá một cốc cà phê: 3,99 USD
Giá nhiên liệu: 2,23 USD/ga-lông (3,78 lít)
Giá một tờ báo quốc tế hàng ngày: 4,78 USD
Giá một bữa ăn nhanh: 20,38 USD