08:51 09/01/2025

Những thị trường gửi khách tiềm năng của du lịch Việt Nam

Tường Bách

Năm 2025, mục tiêu đón từ 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế là một thách thức với Việt Nam. Ngành du lịch phải đồng thời mở rộng các nguồn khách và đào sâu các thị trường quen thuộc, song song với việc việc hoàn thiện dịch vụ, quản lý điểm đến...

Các thị trường nói tiếng Anh sẽ là nguồn khách quan trọng của Việt Nam trong năm 2025.
Các thị trường nói tiếng Anh sẽ là nguồn khách quan trọng của Việt Nam trong năm 2025.

Ngày 6/1, Cục Du lịch Quốc gia chính thức công bố dữ liệu đón khách quốc tế năm 2024 cũng như mục tiêu cho năm 2025. Theo đó, nước ta vẫn ghi nhận động lực tăng trưởng tốt từ khu vực Đông Bắc Á. Ghi dấu ấn là thị trường Trung Quốc với số liệu tăng 214,4% so với năm 2023. Các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore đều ghi nhận số phần trăm động lực phát triển tăng. Duy chỉ thị trường Thái Lan là giảm 14,5%.

Không bất ngờ khi Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất Việt Nam trong năm 2024. Tính tổng cả năm, nước ta ghi nhận 4,5 triệu lượt khách từ xứ sở kim chi, chiếm 25,98%. Ông Lee Jae Hoon, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) tại Việt Nam, cho biết các chương trình truyền hình thực tế được ghi hình tại Việt Nam những năm gần đây đã thúc đẩy người trẻ Hàn Quốc đổ xô du lịch Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... Ngoài ra, không ít YouTuber xứ Hàn cũng tìm đến nước ta làm nội dung, góp phần đẩy du lịch Việt Nam thành trào lưu đối với người Hàn.

Với Ấn Độ, giai đoạn từ năm 2022 - 2024, thị trường quốc gia đông dân nhất thế giới đã tăng từ 138.000 lượt lên 501.000 lượt, tăng 2,6 lần và hiện giữ vị trí thứ 6 trong nhóm quốc gia gửi khách đến Việt Nam nhiều nhất. Con số này dẫn dắt mức phục hồi của Ấn Độ vượt 297% so với trước dịch. Cục Du lịch Quốc gia đánh giá đây là thị trường tiềm năng dựa trên sự tăng trưởng vượt trội, và góp phần đa dạng hóa thị trường nguồn của du lịch Việt Nam.

Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất Việt Nam trong năm 2024.
Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất Việt Nam trong năm 2024.

Ngày 7/1, tại Hội thảo “Thúc đẩy du lịch Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới”, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya đã nêu rõ tầm quan trọng và tiềm năng của lĩnh vực du lịch giữa hai quốc gia. Đại sứ khẳng định, du lịch đang nhận được nhiều mối quan tâm từ các lãnh đạo cấp cao của Ấn Độ và Việt Nam, cũng như từ cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia.

Một trong những tiềm năng để thúc đẩy hợp tác là việc tăng cường các chuyến bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam. Hiện nay, số chuyến bay thẳng giữa hai quốc gia là 56 chuyến/tuần. Gần đây, các cơ quan quản lý hàng không hai bên đã quyết định sẽ tăng số chuyến bay thẳng thêm 14 chuyến, kết nối 6 thành phố của Ấn Độ như New Delhi, Chennai, Mumbai… với các thành phố của Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ cũng nêu rõ, cơ chế thị thực điện tử giữa Ấn Độ và Việt Nam đang được triển khai hiệu quả và ghi nhận mức tăng trưởng về số thị thực điện tử được cấp cho du khách.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, CEO Visit Indochina, trong 7 ngày đầu năm 2025, lượng khách Ấn công ty ông đón tăng 50 - 70% so với cả tháng 12/2024. Khách Ấn cũng vào top 5 thị trường gửi khách đông nhất đến của công ty, sau Thái Lan, Malaysia, Philippines và Lào. Trong những ngày đầu tiên của năm 2025, khách Ấn cũng là nhóm đông nhất lưu trú tại khách sạn Flower Garden, Hà Nội, chiếm 30%, theo bà Vũ Thu Hiền, Giám đốc Kinh doanh khu vực phía Bắc của TMG.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt, tệp khách Ấn chia làm hai nhóm: khách nhà giàu và bình dân. Tệp khách đang đổ xô đến Việt Nam hiện nay phần lớn là khách bình dân, chi tiêu chưa nhiều. Nếu so sánh lợi ích kinh tế mà tệp khách này mang lại với chi phí quảng bá, xúc tiến thì hiệu quả đạt được chưa cao. Theo số liệu từ TAB, tầng lớp trung lưu Ấn Độ sẽ tăng 33% năm 2022 lên 46% trong năm 2030. Do đó, Việt Nam cần đưa ra các chiến lược cụ thể, "đánh trúng" vào nhu cầu của tệp khách cao cấp để đem lại lợi ích kinh tế cao nhất.

Ấn Độ là thị trường tiềm năng dựa trên sự tăng trưởng vượt trội.
Ấn Độ là thị trường tiềm năng dựa trên sự tăng trưởng vượt trội.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch dự kiến năm 2025, ngành du lịch Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, kết nối doanh nghiệp tại các thị trường nói tiếng Trung; thị trường Hàn Quốc; thị trường Nhật Bản; thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore)…

Nghiên cứu của The Outbox Company mới đây cho rằng, Malaysia là một trong những thị trường nhiều tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, đến cuối năm 2023, chi tiêu du lịch nước ngoài của khách du lịch Malaysia đạt 11,2 tỷ USD, phục hồi 90% so với năm 2019. Nhu cầu du lịch rất lớn, với 84% người Malaysia có kế hoạch thực hiện các chuyến đi nước ngoài, trung bình 1,9 chuyến trong 6 tháng tới (kể từ tháng 12/2024). Những năm qua, khách du lịch Malaysia có sự ổn định và duy trì tỷ trọng đáng kể trong tổng lượng khách đến Việt Nam.

Tương tự, các doanh nghiệp dự báo nguồn khách từ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đến Việt Nam, vốn đã tăng trưởng trên 50% trong năm nay so với năm 2023, khó tiếp tục sự bùng nổ vào năm 2025 mà dần bước vào giai đoạn ổn định. Sự mở cửa và thu hút mạnh mẽ của một số điểm đến trong khu vực được dự báo kéo đi một phần khách Đài Loan, thay vì tập trung nhiều vào các tour du lịch Việt Nam như năm 2024.

Trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn khách cho du lịch Việt Nam, châu Âu và các nước nói tiếng Anh là những thị trường quan trọng, đặc biệt là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha… và những nước có nhiều đường bay thẳng thuận tiện tới Việt Nam như Australia. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Du lịch Australia (ATIA) cho thấy nhu cầu của du khách Australia về các điểm đến như Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Malaysia là một trong những thị trường nhiều tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Malaysia là một trong những thị trường nhiều tiềm năng nhất của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hạnh, Tổng giám đốc của Intrepid Travel tại Việt Nam, cho biết các thị trường nói tiếng Anh (Australia, New Zealand, Tây Âu, Bắc Mỹ…) sẽ là nguồn khách quan trọng của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo. “Các tour du lịch Việt Nam đang đứng top đầu về lượng đặt chỗ sớm năm 2025, và Việt Nam cũng xếp thứ 8 trong danh sách tất cả điểm đến toàn cầu mà Intrepid đang khai thác tour du lịch. Trong top 20 tour du lịch mà Intrepid bán chạy nhất trên toàn cầu thì Việt Nam cũng có 3 sản phẩm. Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 15 – 20% lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2025”, ông Nguyễn Hạnh cho biết.

 

Bên cạnh Hàn Quốc và Trung Quốc, 8 quốc gia lọt top 10 thị trường gửi khách hàng đầu nước ta năm 2024 lần lượt là Đài Loan (1,29 triệu lượt), Mỹ (780 nghìn lượt), Nhật Bản (711 nghìn lượt), Ấn Độ (501 nghìn lượt), Malaysia (254 nghìn lượt), Australia (491 nghìn lượt), Campuchia (475 nghìn lượt) và Thái Lan (418 nghìn lượt).