09:52 07/01/2025

Tăng trưởng gần 40%, du lịch Việt “vượt bão” về đích

Tường Bách

Nhờ chính sách thị thực thông thoáng và hiệu quả từ các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, cả năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 17,6 triệu lượt, tăng gần 40% so với năm trước...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 17,6 triệu lượt cả năm 2024 bằng 98% so với năm 2019 - năm hoàng kim của du lịch. Con số này đạt mục tiêu đề ra đầu năm của ngành du lịch, với khoảng 17-18 triệu lượt. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 12/2024 cao nhất trong năm với khoảng 1,75 triệu lượt, bằng 102% so với tháng 11.

Trong năm 2024, khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 14,8 triệu lượt người, chiếm 84,4%; bằng đường bộ đạt gần 2,5 triệu lượt người, chiếm 14,2%; bằng đường biển đạt gần 248,1 nghìn lượt người, chiếm 1,4%. Trong đó, khách quốc tế đến Việt Nam từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng 79,6%, châu Âu (11,3%), châu Mỹ (5,7%) và châu Phi (0,3%).

Về quy mô thị trường, Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với 4,5 triệu lượt (chiếm 25,98%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 3,7 triệu lượt (chiếm 21,26%). Các vị trí tiếp theo trong 10 thị trường hàng đầu có Đài Loan (1,29 triệu lượt), Mỹ (780 nghìn lượt), Nhật Bản (711 nghìn lượt), Ấn Độ (501 nghìn lượt), Malaysia (495 nghìn lượt), Úc (491 nghìn lượt), Campuchia (475 nghìn lượt) và Thái Lan (418 nghìn lượt).

Đáng chú ý, thị trường tiềm năng Ấn Độ trong thời gian qua có sự tăng trưởng rất đáng kể, từ 138 nghìn lượt năm 2022 lên 392 nghìn lượt năm 2023, và đạt 501 nghìn lượt năm 2024, tăng 2,6 lần chỉ sau 2 năm và hiện nay xếp ở vị trí thứ 6 các thị trường gửi khách nhiều nhất đến Việt Nam. Có thể nói Ấn Độ là một trong những thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất, góp phần đa dạng hóa thị trường nguồn của du lịch Việt Nam.

Khách quốc tế đến Việt Nam theo tháng, năm 2024 (nghìn lượt).
Khách quốc tế đến Việt Nam theo tháng, năm 2024 (nghìn lượt).

Về động lực tăng trưởng, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế năm 2024. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc tăng 214,4% so với năm 2023, Hàn Quốc (+27,1%), Nhật Bản (+20,7%), Đài Loan (+51,4%). Các thị trường gần ở khu vực Đông Nam Á tăng trưởng tốt, trong đó có Indonesia (+74,7%), Philippines (+73,6%), Lào (+23,3%), Campuchia (+18,0%), Malaysia (+5,4%) Singapore (+5,9%). Riêng thị trường Thái Lan giảm 14,5%.

Đáng chú ý, các thị trường ở châu Âu đều tăng trưởng khả quan, trong đó có các thị trường chính như Anh (+20,8%), Pháp (+29,4%), Đức (+24,5%). Bên cạnh đó là Italy (+55,8%), Tây Ban Nha (+20,1%), Nga (+84,9%), Đan Mạch (+22,1%), Na Uy (+23,0%), Thụy Điển (+33,0%). Đây đều là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023.

Về mức độ phục hồi so với năm 2019, xét theo khu vực, thị trường châu Úc cao vượt so với mức năm 2019 - đạt 125%; châu Mỹ đạt mức 103%. Châu Á gần phục hồi hoàn toàn, đạt mức 97%. Châu Âu phục hồi 92%. Sự phục hồi của các thị trường nguồn châu Á được dẫn dắt bởi thị trường lớn Hàn Quốc với mức phục hồi 106%, Đài Loan đạt mức 139%.

Bên cạnh đó, Ấn Độ tăng trưởng đột phá, đạt mức 297% so với trước dịch; tương tự là Campuchia đạt mức 208... Tuy nhiên, sự phục hồi của khu vực châu Á chậm lại do thị trường truyền thống Trung Quốc mới chỉ phục hồi ở mức 64%, Nhật Bản đạt 75%. Thái Lan và Malaysia cùng đạt mức phục hồi 82%.

Ở Châu Âu, các thị trường chính như Tây Ban Nha đạt mức 109%, Ý đạt mức 126%, Đức đạt mức 110%. Anh và Pháp gần phục hồi hoàn toàn (97%). Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng đã vượt mức năm 2019, đạt mức 105%, Úc đạt mức 128%.

10 thị trường gửi khách hàng đầu năm 2024 (nghìn lượt).
10 thị trường gửi khách hàng đầu năm 2024 (nghìn lượt).

Nhìn chung, kết quả đón khách quốc tế năm 2024 cho thấy bức tranh tươi sáng của ngành du lịch Việt Nam, hoàn thành tốt mục tiêu rất tham vọng đã đặt ra từ đầu năm, đạt tăng trưởng gần 40% so với năm 2023. Đặc biệt, trong bối cảnh một số thị trường chính phục hồi chậm, sự đa dạng hóa và phát triển của nhiều thị trường tiềm năng đã giúp ngành du lịch phục hồi ngoạn mục.

Lý giải sự hồi phục mạnh mẽ này, ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Du lịch Quốc gia cho biết, đó là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh. Cùng với đó là việc cải thiện hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp xu hướng. “Những chuyển biến này giúp Việt Nam nâng cao sức hút và khả năng cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, tạo tiền đề tăng trưởng khách quốc tế trong năm qua”, ông Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự tham gia đồng hành của các bộ, ngành liên quan, nhờ đó toàn ngành đã dần khởi sắc trở lại. Những điểm nghẽn, vướng mắc đang dần được tháo gỡ, giúp cho du lịch Việt đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển.

Hình ảnh du lịch Việt Nam tiếp tục được quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã vượt qua nhiều ứng viên nặng ký để giành 3 giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á”. Đây là lần thứ sáu Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, là ngôi sao sáng trên bản đồ du lịch khu vực châu Á và thế giới.

Mức phục hồi một số thị trường so với năm 2019.
Mức phục hồi một số thị trường so với năm 2019.

Nhất là, trong năm qua, du lịch Việt Nam đã hướng vào thực chất khi khai thác hiệu quả các lợi thế về tài nguyên văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận. Ngoài ra, định vị thương hiệu du lịch Việt gần đây cũng dần thay đổi từ du lịch giá rẻ sang điểm đến đẳng cấp, chất lượng. Năm qua, đã có hơn 10 đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ tổ chức ở hệ thống Vinpearl; sự kiện một tỷ phú ngành dược của Ấn Độ lựa chọn Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình là nơi tổ chức kỳ nghỉ cho 4.500 nhân viên hồi cuối tháng 8...

Năm 2025, Việt Nam phấn đấu đón 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế, 30 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP. Chỉ tiêu này cao gấp 1,5 lần mục tiêu năm 2024, song các chuyên gia tin rằng, Việt Nam có thể đạt được, với điều kiện phải nỗ lực gấp đôi và đòi hỏi ngành Du lịch phải tăng tốc bứt phá, đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả để phát triển bền vững.

 

Ở chiều ngược lại, số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong quý 4/2024 là 1,2 triệu lượt người, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 12 đạt hơn 363.000 lượt, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh là hơn 5,3 triệu lượt người, tăng 5,5% so với năm 2023.