09:19 03/04/2007

Niêm yết tại Singapore: “Khoảng 6-7 doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thực sự...”

Hoàng Xuân

Trao đổi với ông Lawrence Wong, Phó chủ tịch điều hành Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore

Giao dịch tại SGX.
Giao dịch tại SGX.
Sau lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác (MOU) giữa Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) tại Hà Nội vào sáng ngày 2/4/2007, ông Lawrence Wong - Phó chủ tịch điều hành, Trưởng phòng Niêm yết của SGX - đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Ông đánh giá thế nào về sự hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và SGX, nhất là biên bản ghi nhớ vừa được ký kết giữa HASTC và SGX?

Sự hợp tác này sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về bức tranh tài chính và môi trường kinh doanh ở Hà Nội. Chúng tôi mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với HASTC để đáp ứng được các nhu cầu tăng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Sự khởi đầu này nằm trong định hướng phát triển SGX là một kênh châu Á đối với các công ty muốn huy động vốn quốc tế. Sự hợp tác này là kịp thời và giúp cho các doanh nghiệp niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài.

Lợi ích của việc niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài?

Hiện nay, 1/3 trong số doanh nghiệp niêm yết tại SGX là doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có nhiều tập đoàn và công ty lớn và nổi tiếng.

Việc niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài nói chung và tại SGX nói riêng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam như: có cơ hội quảng bá với quốc tế, đáp ứng được các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty và tính minh bạch, tiếp cận với vốn quốc tế, mở rộng cơ sở cổ đông, tăng tính thanh khoản của giao dịch và sự khan hiếm có thể tác động đến việc định giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích đó, các doanh nghiệp cũng cần phải cân nhắc đến những vấn đề như: chi phí và nguồn lực trong việc duy trì cùng lúc niêm yết tại hai thị trường.

Riêng với SGX, có những lợi thế riêng như: là trung tâm quản lý các quỹ lớn, là sở giao dịch quen thuộc của các công ty nước ngoài, có quan hệ kinh doanh và quan hệ chính trị mật thiết với Việt Nam, các chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty và công bố thông tin, ổn định về chính trị và trung tâm tài chính khu vực, cơ chế quản lý hướng tới thị trường.

Ngòai ra, SGX cũng có chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong giai đọan đầu niêm yết...

Theo ông đánh giá sẽ có khoảng bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện niêm yết tại SGX?

Theo khảo sát của chúng tôi thì có khoảng 6-7 doanh nghiệp Việt Nam là quan tâm thực sự đến việc niêm yết tại SGX.

Tuy nhiên, không thể kể tên chính xác được.

Vậy một doanh nghiệp Việt Nam muốn niêm yết tại SGX sẽ mất bao nhiêu lâu? Và phải đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?

Một doanh nghiệp nước ngoài muốn niêm yết tại SGX sẽ mất thời gian từ 12 đến 18 tuần, tính từ lúc nộp đơn xin niêm yết đến khi cổ phiếu được chính thức đưa vào giao dịch.

Theo hy vọng của tôi thì cuối năm 2007 và đầu năm 2008, Việt Nam sẽ có các doanh nghiệp đầu tiên niêm yết tại SGX.

Các điều kiện niêm yết tại SGX bao gồm: lợi nhuận trước thuế, vốn hóa thị trường, cơ cấu cổ đông và các điều kiện khác như chuẩn mực kế toán, chọn đồng tiền báo cáo và đồng tiền giao dịch, phải có 2 thành viên hội đồng quản trị là người cư trú tại Singapore.

Chẳng hạn như điều kiện về cơ cấu cổ đông, công ty có tổng giá trị dưới 300 triệu đôla Singapore thì phải có 25% bán ra công chúng, công ty có tổng giá trị trên 300 triệu đôla Singapore thì phải có từ 12 -25% bán ra công chúng. Ngoài ra còn phải có ít nhất 1.000 cổ đông...

Riêng về phí niêm yết, tôi nghĩ các doanh nghiệp không phải cân nhắc nhiều. Sẽ có hai loại phí: phí ban đầu và phí hàng năm. Đối với các công ty có giá trị thị trường ít hơn 500 triệu đôla Singapore và hơn 2 tỷ đôla Singapore thì sẽ phải trả một khoản phí tối thiểu (50 nghìn đôla Singapore) và tối đa (200 nghìn đôla Singapore) cố định tương ứng. Phí hàng năm từ 25 nghìn đôla Singapore đến 100 nghìn đôla Singapore.