Ninh Bình: Kịp thời chi trả trợ cấp cho người lao động thất nghiệp
Nhằm hỗ trợ người lao động thất nghiệp được thụ hưởng đúng quyền lợi, sớm quay trở lại thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết nhanh chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động…
Như tại một số địa phương khác, tỉnh Ninh Bình cũng xảy ra tình trạng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp vì thế luôn được Ninh Bình đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG TIẾP CẬN QUYỀN LỢI BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Theo số liệu thống kê từ Ban Quản lí Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, hiện toàn tỉnh có trên 42.000 nghìn lao động đang làm việc tại hơn 70 doanh nghiệp ở các khu công nghiệp. Toàn tỉnh có 21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động (tăng 5 doanh nghiệp so với quý 1/2023) với hơn 20.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng, trong đó, hơn 19.700 lao động bị giảm giờ làm, gần 670 lao động bị chấm đứt hợp đồng.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình Lã Thanh Tùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã tiếp nhận trên 3.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, có 2.894 trường hợp đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp là hơn 40,5 tỉ đồng. Trung bình mỗi ngày đơn vị này tiếp khoảng gần 200 lượt người tới làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nhằm hỗ trợ giúp người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình luôn đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp.
Nhiều hình thức tư vấn, hướng đến chuyển đổi số phù hợp với người lao động như: Tư vấn trực tiếp; tư vấn trực tuyến qua mạng internet, thư điện tử, thông qua hội thảo, hội nghị… và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh…
Cùng với đó, công tác thu thập thông tin về thị trường lao động cũng được chú trọng, qua đó để nắm bắt, cập nhật tình hình biến động thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để tư vấn, giới thiệu cho người lao động và cung cấp thông tin về thị trường lao động cho người sử dụng lao động, góp phần điều hòa thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Năm 2022, tổng số lao động bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn học nghề đạt 100%. Các ngành nghề mà người lao động thất nghiệp đã tham gia học chủ yếu là: Lái xe ô tô hạng B2, C; May dân dụng và công nghiệp; Sửa chữa xe máy, sửa chữa ô tô, sửa chữa điện lạnh, sửa chữa điện dân dụng và công nghiệp, Vận hành máy công trình…
PHỐI HỢP ĐỂ THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM
Để tăng hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến được nhiều người lao động hơn nữa, trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức hoạt động thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia bảo hiểm thất nghiệp…
Bên cạnh giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, công tác tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cũng luôn được đẩy mạnh song song. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, tư vấn cho lao động thất nghiệp biết và tham gia ứng tuyển.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đã chủ động, linh hoạt triển khai nhiều biện pháp nhằm kết nối cung - cầu lao động. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tiếp nhận hàng chục nghìn chỉ tiêu việc làm do các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng.
Ngoài tổ chức tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn giao dịch, Trung tâm cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm dưới hình thức trực tuyến; đăng thông tin tuyển dụng lên các website để người lao động trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng…
Với nhiều giải pháp thực hiện, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động (đạt 51% kế hoạch năm). Nửa cuối năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm thất nghiệp; rà soát, tổng hợp nhu cầu việc làm của người lao động để tư vấn, định hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động…