19:28 15/09/2010

Nợ công: Ngưỡng và “ngầm”

Nguyên Hà

Những cảnh báo đáng chú ý tại hội thảo “Nợ công - kinh nghiệm quốc tế và những bài học cho Việt Nam”

Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, tính đến 31/12/2009, nợ công so với GDP chiếm 52,6%.
Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, tính đến 31/12/2009, nợ công so với GDP chiếm 52,6%.
Đừng dựa quá nhiều vào ngưỡng nợ và đặc biệt lưu ý những khoản nợ “ngầm”, các chuyên gia của UNDP, IMF và WB chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo “Nợ công - kinh nghiệm quốc tế và những bài học cho Việt Nam” do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, sáng 15/9.

Trong lời khai mạc hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, TS. Trịnh Huy Quách khẳng định, nợ công của Việt Nam hiện vẫn đang trong giới hạn an toàn. Vốn vay Chính phủ chiếm khoảng 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, số nợ phải trả hàng năm chiếm 15,8% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Ngưỡng chưa phải là nhất

Đến từ Bộ Tài chính, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Hoàng Hải nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên vấn đề nợ công được trình bày đầy đủ, còn các hội thảo trước chủ yếu nói về nợ Chính phủ.

Đánh giá về tổng quan nợ công của Việt Nam, ông Hải cũng đưa ra những con số khá “đẹp”. Tính đến 31/12/2009, nợ công so với GDP chiếm 52,6%, trong đó nợ Chính phủ chiếm 41,9%, trong khi, quy định của Thủ tướng về chỉ tiêu này là 50%.

Ông Hải cũng nhấn mạnh nghĩa vụ trả nợ Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước đang ở mức 15,8% so với quy định 30% của Thủ tướng. "Nợ công của Việt Nam vẫn đang trong ngưỡng an toàn", ông nói.

Tuy nhiên, ở cả phần trình bày và thảo luận trực tiếp, các chuyên gia đến từ Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều nhấn mạnh không nên dựa quá nhiều vào ngưỡng nợ.

Ngưỡng nợ công là thông số hữu ích nhưng chỉ nhìn vào cái ngưỡng đó là chưa đủ, TS. Benedict Bingham, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam nêu quan điểm.

Theo chuyên gia này, thì cần phải xem các nước có nền kinh tế tương tự có ngưỡng nợ thế nào, và phải tính đến cả rủi ro về lòng tin. Và bởi không thể dự báo rủi ro trên toàn thế giới, nên phải có biên độ về ngưỡng để "cảm thấy thoải mái". Quan trọng hơn là phải hiểu được phạm vi, quy mô và chất lượng nợ thực chất như thế nào, bao nhiêu phần trăm để thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn, dài hạn… Điều đó đòi hỏi thông tin phải phong phú và chi tiết hơn nữa.

TS. Alex Warren-Rodríguez, Kinh tế trưởng của UNDP lưu ý khi xây dựng luật, quản lý chiến lược tài khóa không nên dựa quá nhiều vào ngưỡng nợ. Bởi rất nhiều nước khó khăn về tài khóa khi nợ ở mức độ thấp, vì thế ngưỡng nợ thấp cũng không đảm bảo là sẽ tránh được khủng hoảng về tài khóa.

Theo ông, cơ cấu nợ mới là yếu tố quan trọng. Nếu nợ nước ngoài cao và nợ ngắn hạn cao thì rủi ro về mặt cơ cấu nợ càng cao. “Khi giám sát thì thông tin mà Quốc hội cần tìm kiếm không chỉ là quy mô mà cơ cấu nợ mới quan trọng để xem bức tranh nợ thực chất là thế nào”.

Cũng liên quan đến vai trò giám sát của Quốc hội trong việc đảm bảo tính bền vững của nợ công, bà Keiko Kubota, Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, việc giám sát trước của Quốc hội chính là cung cấp khuôn khổ pháp lý, xác định rõ các mục tiêu quản lý nợ, đặt ra ngưỡng cho các khoản nợ và thâm hụt. Giám sát sau là đánh giá kết quả và kiểm tra các báo cáo kiểm toán.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cũng cần phải tính đến độ nhạy với các cú sốc. Bởi mức nợ cho dù có nhỏ hơn ngưỡng, nhưng vẫn có những cú sốc không dự báo được. Ví dụ lạm phát có thể cao hay tỷ giá có thay đổi thì có thể làm thay đổi hoàn toàn dự báo.

Một điều rất then chốt được các diễn giả nhấn mạnh nhiều lần là cần phải có thông tin chính xác để đưa ra quyết định đúng và tạo niềm tin cho thị trường.

Coi chừng nợ ngầm

Mở đầu chuyên đề về chiến lược ngân sách và nợ công, TS. Benedict Bingham, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam lưu ý, tính toán nợ công khó hơn so với mọi người từng nghĩ. Ông dẫn chứng ngay sự khác nhau giữa hai con số về tỷ lệ nợ công so với GDP được nêu tại hội thảo, “của chúng tôi là 49% GDP, còn con số của Bộ Tài chính Việt Nam đã quá 50% GDP”.

Theo ông, nợ công do IMF định nghĩa phù hợp với thông lệ quốc tế, bao gồm tất cả các khoản nợ của Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh, kể cả tạm ứng của các hệ thống ngân hàng.

Phạm vi quản lý nợ công của Việt Nam, theo vị quan chức Bộ Tài chính trình bày là nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương và nợ Chính phủ bảo lãnh. Nhưng theo chuyên gia của IMF thì khi giám sát về nợ công, Quốc hội còn phải tính tới những khoản Chính phủ không công khai bảo lãnh.

Chỉ lấy một ví dụ, vừa qua, có rất nhiều khoản nợ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) không được Chính phủ công khai bảo lãnh, và như thế có nghĩa nhiều khoản vay không được phản ánh trong định nghĩa của nợ công. Rất khó để cân đong, đo đếm các khoản vay này, nhưng cuối cùng, Chính phủ vẫn phải chịu hậu quả về những khoản vay “ngầm” đó, TS. Benedict Bingham cảnh báo.

Cũng liên quan đến các khoản nợ của Vinashin, TS. Alex Warren-Rodríguez cho rằng vấn đề lòng tin của thị trường rất quan trọng. Ông dẫn chứng bằng câu chuyện về lượng trái phiếu ngoại tệ mà Việt Nam phát hành năm 2007, chủ yếu dành cho Vinashin, nhưng hai, ba năm sau đã “gặp vấn đề” lớn và lên nhiều mặt báo toàn cầu. Điều này đã làm suy giảm khả năng huy động vốn quốc tế, cũng như giảm lòng tin của thị trường với Việt Nam.

Về vấn đề xử lý nợ của doanh nghiệp nhà nước, đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng có thể xây dựng ngưỡng riêng, hoặc giải quyết vấn đề từ gốc rễ là tính minh bạch. Theo vị này, Bộ Tài chính cần đưa ra báo cáo về nợ công chung để có bức tranh toàn cảnh, không nên đưa hết vào một chỉ số, dẫn đến khó phân tích tình hình. Con đường tốt nhất là xây dựng và duy trì bản tin về nợ công để có thể nhìn thấy rõ ràng tất cả các khoản nợ. Bên cạnh đó, cần có những báo cáo kiểm toán minh bạch hơn về doanh nghiệp Nhà nước để xem “sức khỏe” cụ thể như thế nào, đặc biệt là với những tập đoàn lớn.