10:27 21/10/2010

Nợ công ở mức 60% sẽ là “giới hạn an toàn”?

Nguyên Hà

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ phân tích sâu sắc hơn về bội chi, nợ công, nhập siêu, tỷ giá và lãi suất

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội các chỉ tiêu quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội các chỉ tiêu quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Bội chi ngân sách, dư nợ công còn cao, nhập siêu lớn; lãi suất, tỷ giá, giá vàng, Đô la Mỹ diễn biến phức tạp… là những vấn đề Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ phân tích sâu sắc hơn tại báo cáo thẩm tra được trình bày trước Quốc hội trong ngày làm việc đầu tiên.

Mặc dù, báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng thu ngân sách Nhà nước ước cả năm đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% (58.600 tỷ đồng) so với dự toán, hầu hết các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán, kể cả thu phí xăng dầu nhiều năm không đạt.

Nên khống chế nợ công ở mức 60% GDP

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng báo cáo Quốc hội, đến hết năm 2010, dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công bằng 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.

Ngay sau đó, tại báo cáo thẩm tra, nhắc lại con số nói trên, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đưa ra nhận xét nợ công đang “tiến dần đến ngưỡng an toàn cho phép”.

Cũng tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề cập, Chính phủ dự kiến đến cuối năm 2011, mức dư nợ Chính phủ bằng 45,3% GDP, dư nợ quốc gia bằng 42,8% GDP; dư nợ công bằng 57,1% GDP.

“Mặc dù nợ công đang ở mức an toàn cho phép, song là khá cao”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra.

Theo quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển đều vay nợ. Giới hạn nợ được cho là an toàn ở mỗi nước cũng khác nhau, không có công thức hay tỷ lệ chung cho nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, cũng như nợ công của mọi nền kinh tế mà tùy thuộc vào khả năng kinh tế, tài chính của từng nền kinh tế, đặc biệt là tùy thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ khi đến hạn.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của một số nhà kinh tế và kinh nghiệm một số nước, thì nợ công ở mức 60% GDP là giới hạn an toàn, ông Hiển nói.

Với dự báo khả quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách Nhà nước năm 2011, cùng với cơ cấu nợ công chủ yếu là nợ dài hạn và hiện nay vẫn đủ khả năng trả nợ nên nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Nhưng do dư nợ hiện nay đã ở mức cao, xu thế được vay nợ trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi sẽ giảm dần, cùng với hiệu quả đầu tư hiện nay chưa cao, nên cần thay đổi cơ cấu nguồn vốn, bảo đảm trả nợ đến hạn, giảm dần vay nợ và điều mấu chốt nhất là phải tăng cường hiệu quả đầu tư, đảm bảo duy trì các chỉ số nợ ở trong giới hạn an toàn, phù hợp với tiềm lực của đất nước.

Từ phân tích này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội các chỉ tiêu quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Đồng thời cơ cấu lại các khoản nợ, tính tới yếu tố trượt giá đồng tiền vay, kiểm soát chặt chẽ nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và cả khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước đi vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ, nên khống chế mức nợ công không quá 60% GDP.

Bội chi ngân sách: 5,95% hay 5,5% GDP?

Với bội chi ngân sách, vấn đề được xem là khá “căng” tại nhiều kỳ họp Quốc hội, cơ quan thẩm tra về ngân sách đã đưa ra con số so sánh. Đó là, giai đoạn 2001-2005 bình quân 4,85% GDP. Đến năm 2006 là 4,89 % GDP; 2007 là: 4,94% GDP; năm 2008 là: 4,48% GDP;  2009 là 6,9% GDP và dự kiến 2010 là 5,95% GDP.

Riêng với 2010, mức bội chi theo dự kiến của Chính phủ là 5,95% GDP, song Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cân nhắc giảm xuống mức 5,5% GDP để làm cơ sở vững chắc giảm dần bội chi ngân sách Nhà nước trong những năm tiếp theo.

Còn với 2011, mức bội chi Chính phủ đề nghị dự kiến sẽ là 125.100 tỷ đồng, bằng 5,5% GDP. Quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là nền kinh tế  năm 2011 đã trở lại quỹ đạo phát triển ổn định, cho nên không cần thiết phải tiếp tục thực hiện các biện pháp đặc biệt đã áp dụng trong thời kỳ chống suy giảm kinh tế trong hơn 2 năm vừa qua.

Đồng thời, với các biện pháp tích cực để cơ cấu lại chi đầu tư phát triển, tiết kiệm chi ngân sách và khả năng tăng thu trong quá trình điều hành ngân sách Nhà nước của năm 2011, đề nghị Chính phủ nên cân nhắc bội chi ở mức hợp lý, hướng tới giảm dần bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 5% GDP.

Trên cơ sở lấy ổn định vĩ mô là mục tiêu ưu tiên, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng năm 2011 cần phấn đấu kiểm soát bội chi ngân sách ở mức không quá 5% GDP.