10:02 09/02/2018

Nối gót chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á “đỏ lửa”

Bình Minh

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Á đồng loạt ngập trong sắc đỏ ngay khi vừa mở cửa sáng nay

Một người đàn ông theo dõi một bảng giá chứng khoán trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản hôm 6/2 - Ảnh: Reuters.
Một người đàn ông theo dõi một bảng giá chứng khoán trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản hôm 6/2 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh ngay khi vừa mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu do ảnh hưởng từ phiên lao dốc trước đó trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trái lại, những tài sản được cho là an toàn như Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ được giới đầu tư gom mua.

Hãng tin Reuters cho biết, chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật có lúc giảm 3% trong phiên sáng, nâng tổng mức giảm từ đầu tuần đến nay lên 8,6%. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 0,8%.

Sau khi đạt mức kỷ lục vào hôm 29/1, MSCI châu Á-Thái Bình Dương đến nay đã có 6 ngày giảm liên tiếp. Tính từ đầu tuần, chỉ số này đã sụt khoảng 6%.

Trên thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1,7%, trong khi chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc sụt 2,3%.

"Giai đoạn điều chỉnh của thị trường chứng khoán có thể kéo dài đến hết tháng 2, thậm chí là sang cả tháng 3", chiến lược gia cao cấp Masahiro Ichikawa thuộc công ty Sumitomo Mitsui Asset Management dự báo. "Để sự điều chỉnh này kết thúc, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dài hạn cần phải chấm dứt xu hướng tăng. Mức độ biến động gia tăng của thị trường sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư bán ra các tài sản rủi ro. Điều này khiến thị trường sẽ càng biến động mạnh hơn".

Chứng khoán Mỹ hiện đang là tâm điểm của sự bán tháo cổ phiếu toàn cầu. Phiên đêm qua, Dow Jones sụt 4,1% còn S&P 500 mất 3,7% điểm số.

Với phiên giảm này, cả Dow Jones và S&P 500 đều rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction) - giảm hơn 10% kể từ mức kỷ lục thiết lập hôm 26/1. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy đợt giảm giá cổ phiếu mạnh mẽ bắt đầu từ cách đây 1 tuần có thể sẽ chưa sớm kết thúc.

Chứng khoán Mỹ bắt đầu đợt sụt giảm vào hôm thứ Sáu tuần trước, sau khi một báo cáo việc làm khả quan hơn dự kiến đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh và thổi bùng những lo ngại về lạm phát gia tăng - yếu tố có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tiến độ tăng lãi suất.

Lợi suất trái phiếu tăng gây ảnh hưởng bất lợi đến thị trường chứng khoán bởi kéo lãi suất vay vốn của các doanh nghiệp tăng và làm giảm tâm lý ham thích rủi ro. Ngoài ra, khi lợi suất trái phiếu tăng, các nhà đầu tư cũng có thể bán bớt cổ phiếu để mua trái phiếu.

Hôm thứ Năm, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng tới mức 2,884%, xấp xỉ mức đỉnh 4 năm là 2,885% thiết lập vào hôm thứ Hai.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 8/2 giữ nguyên lãi suất đồng Bảng nhưng tuyên bố lãi suất có thể sớm được nâng trong năm nay. Tuyên bố này làm gia tăng kỳ vọng của giới đầu tư về việc các biện pháp kích cầu kinh tế sẽ được cắt giảm trên phạm vi toàn cầu trong năm 2018.

Tại thị trường Hồng Kông sáng thứ Sáu, chỉ số Hang Seng mất luôn hơn 3% sau khi thị trường mở cửa chưa đầy 1 tiếng, nâng tổng mức giảm từ đầu tuần lên 9,5%, mức giảm mạnh nhất trong 1 tuần kể từ năm 2008.

Gần như tất cả các cổ phiếu trong Hang Seng đều giảm giá, dẫn đầu là cổ phiếu tập đoàn bất động sản Country Garden Holdings. Tuần này, cổ phiếu Country Garden đã mất 22% giá trị.

Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu blue-chip mất 3,3% vào đầu phiên sáng, tiến tới phiên giảm thứ tư liên tục với tổng mức giảm 9,2%.

Đồng USD giảm giá 0,15% so với đồng Yên trong sáng nay, còn 108,590 Yên/USD, sau khi giảm 0,5% vào đêm qua. Tuần này, đồng bạc xanh đã giảm giá 1,5% so với Yên.

Đồng Franc Thụy Sỹ, Euro và Bảng Anh cùng tăng giá nhẹ so với USD trong sáng nay. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chững ở mức 90,193 điểm, sau khi đạt mức cao nhất 2 tuần 90,567 vào đêm qua.