07:24 23/12/2022

Nỗi lo lãi suất khiến chứng khoán Mỹ và giá dầu giảm trở lại

Bình Minh

Bán tháo đã quay trở lại vào ngày thứ Năm, khi nhà đầu tư lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 14/12/2022 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 14/12/2022 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (22/12), đánh dấu sự trở lại của xu hướng bán tháo cuối năm sau hai phiên phục hồi trước đó. Giá dầu thô cũng giảm hơn 1 USD/thùng vì nỗi lo lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 348,99 điểm, tương đương giảm 1,05%, còn 33.027,49 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số giảm hơn 800 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,45%, còn 3.822,39 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 2,18%, còn 10.476,12 điểm.

Phiên giảm này diễn ra sau phiên tăng hơn 500 điểm của Dow Jones vào ngày thứ Tư nhờ kết quả kinh doanh khả quan hơn dự kiến của Nike và FedEx cùng dữ liệu tốt về niềm tin người tiêu dùng trong tháng 12. S&P 500 và Nasdaq cũng tăng tương ứng 1,49% và 1,54% trong phiên ngày thứ Tư.

Tuy nhiên, bán tháo đã quay trở lại vào ngày thứ Năm, khi nhà đầu tư lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Cổ phiếu công nghệ là một trong những nhóm dẫn đầu phiên giảm này, với cổ phiếu của hai hãng sản xuất con chip Lam Research và AMD giảm tương ứng 8,7% và 5,6%.

Cổ phiếu Tesla sụt 8,9% sau khi hãng xe điện tuyên bố giảm giá 7.500 USD cho một số mẫu xe. Động thái này của Tesla là gia tăng mối lo của nhà đầu tư về nhu cầu suy yếu của ô tô chạy điện.

Trong tháng 12 này, Dow Jones đã giảm 4,5%; trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 6,3% và 8,7%. Cả ba chỉ số đều đang tiến tới chấm dứt chuỗi 3 năm tăng liên tiếp và hoàn tất năm giảm mạnh nhất từ 2008. Mối lo suy thoái kinh tế do Fed tăng lãi suất kéo dài đã gây áp lực giảm lớn lên chứng khoán Mỹ năm nay, khiến S&P 500 giảm 19,8% từ đầu năm.

“Thị trường đang đi từ một trong những mối lo lớn nhất của năm 2022, đó là phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với áp lực lạm phát lớn, sang mối lo về năm 2023, và đó là nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ và trên toàn cầu”, nhà quản lý danh mục Matt Stucky của Northwestern Mutual Wealth Management Company nhận định với hãng tin CNBC.

“Các số liệu kinh tế công bố ngày hôm nay có vẻ đã xác nhận hướng đi này”, ông Stucky nói và cho rằng lạm phát cao, nền kinh tế suy yếu và thị trường lao động thắt chặt sẽ khiến nhà đầu tư “nhận ra thực tế rằng các kỳ vọng lợi nhuận về năm 2023 hiện nay là quá cao”.

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng lên 216.000 trong tuần trước, nhưng thấp con số dự báo 222.000 mà giới phân tích đưa ra. Một báo cáo khác từ tổ chức nghiên cứu kinh tế Conference Board cho thấy kỳ vọng về các hoạt động tương lai trong nền kinh tế Mỹ giảm tháng thứ 9 liên tiếp trong tháng 11.

“Dữ liệu kinh tế Mỹ còn tốt, nhất là thị trường lao động còn mạnh, sẽ khiến cho Fed duy trì việc tăng lãi suất”, chiến lược gia trưởng Liz Ann Sonders của Charles Schwab nhận định với hãng tin Reuters. Bà Sonders cho rằng để Fed có thể dừng tăng lãi suất, nền kinh tế cần sớm suy yếu. “Nguy cơ lãi suất tăng quá đà là có, vì nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất, tổn thất sau này sẽ lớn hơn”, vị chiến lược gia nhận định.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,22 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 80,98 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,8 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 77,49 USD/thùng.

Phiên trước, giá cả hai loại dầu tăng khoảng 2,7% nhờ số liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm. Phiên này, giá dầu lại tụt dốc vì nỗi lo xung quanh việc Fed tiếp tục tăng lãi suất và số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Trung Quốc có thể gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Theo nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group, dữ liệu tốt về thị trường lao động khiến nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. “Điều này khiến giá dầu mất đà”, ông Flynn nói với Reuters.

Tại Trung Quốc, số ca nhiễm mới đang tăng mạnh sau khi nước này gần đây nới lỏng các hạn chế chống dịch hà khắc.

Thời tiết xấu ở Mỹ giữa lúc kỳ nghỉ Giáng sinh đang đến gần cũng gây bất lợi cho giá dầu. Các hãng hàng không ở nước này đã huỷ gần 2.000 chuyến Mỹ dự kiến của ngày thứ Năm và thứ Sáu - một chỉ báo bất lợi về nhu cầu tiêu thụ năng lượng.