Nông dân nhổ bỏ, người tiêu dùng vẫn phải mua rau củ đắt 10 lần
Đây là "điệp khúc" từ nhiều năm nay mà nguyên nhân không nằm ngoài khâu sản xuất và phân phối
Trong khi người nông dân phải nhổ bỏ hoặc bán rau củ với mức giá thấp thì người tiêu dùng tại Hà Nội vẫn phải mua nông sản với giá cao hơn gấp hàng chục lần.
Đắt hơn 10 lần giá ở ruộng
Thời gian gần đây, nông dân ở Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội), hay Nghệ An, Quảng Nam đang phải bán hàng loạt rau củ như bắp cải, khoai tây, su hào, củ cải trắng... với mức giá rẻ như cho.
Cụ thể, giá bán khoai tây tại ruộng ở những địa phương này dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg; su hào, bắp cải 1.000 đồng/kg; củ cải trắng từ 800-1.000 đồng/kg…
Mặc dù bán giá rất thấp nhưng do không tìm được thương lái thu mua nên nhiều hộ thậm chí để thối hoặc nhổ rau củ để bỏ đi. Đây là cũng là điệp khúc được mùa mất giá đã diễn ra gần chục năm nay mà chưa có hồi kết.
Tuy nhiên, điều nghịch lý là trong khi người nông dân đang phải bán tống bán tháo thì người tiêu dùng ở các đô thị lớn như Hà Nội vẫn phải chấp nhận mua rau củ với mức giá cao gấp hàng chục lần.
Theo khảo sát, giá bán khoai tây ở các chợ như Chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Mơ… dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; su hào 15.000 - 17.000 đồng/kg; củ cải trắng 10.000 đồng/kg…
Tại các siêu thị, giá bán khoai tây ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg; su hào 17.000 - 22.000 đồng/kg; củ cải trắng 12.000 - 15.000 đồng/kg…
"Tôi có 1 sào trồng su hào và 1 sào trồng củ cải trắng. Mỗi sào trồng được khoảng 2.000 cây, tổng chi phí phân, giống vào khoảng 1,2 triệu đồng/sào. Nếu thu hoạch lúc còn non thì 2-3 củ su hào mới được 1 cân, còn nếu để già hơn 1 tí mới thu hoạch thì người ta lại chê già, ép giá.
Như giá su hào thương lái đang thu mua bây giờ khoảng 1.500 đồng/kg loại non, còn loại già hơn chỉ 1.000 đồng/kg. May mắn thì hết vụ lãi được 200-300.000 đồng, còn không may, không tìm được người mua thì chỉ có lỗ", chị Nguyễn Thị Hòa (Đông Anh, Hà Nội) nói với VnEconomy.
"Mười năm nay vẫn thế…"
Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú khi trao đổi với VnEconomy về thực trạng nông dân chịu lỗ, người tiêu dùng chịu thiệt vì phải mua nông sản giá cao.
"Đây không phải câu chuyện lạ lẫm gì, mà hàng chục năm nay vẫn như vậy. Nguyên nhân không nằm ngoài khâu sản xuất và phân phối.
Quy trình sản xuất của người nông dân Việt manh mún, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Sản xuất đại trà, không có hóa đơn, không bao tiêu, không có kế hoạch, không theo quy hoạch. Và trách nhiệm ở đây thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn", ông Phú nói.
Vị chuyên gia này cũng so sánh, nếu ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… người nông dân trồng cây gì, nuôi con gì luôn có kế hoạch cụ thể, theo một quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; thì ở Việt Nam, người nông dân lại muốn gì trồng nấy, nên khi sản xuất dư thừa thì dễ bị thương lái ép giá, phải bán tháo hoặc đổ đi.
"Còn khâu phân phối của chúng ta hiện nay cũng rất tệ. Phân phối qua quá nhiều khâu trung gian, cộng với chi phí vận chuyển, chi phí bán lẻ đã đội giá thành lên rất nhiều, khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Chúng ta cũng không có một chợ đầu mối nào hoạt động theo đúng nghĩa, không có sàn giao dịch, nên nông dân cứ thế mà trồng rồi bán, chứ không được định giá, không giữ được giá cho sản phẩm của mình. Không chỉ có rau củ mà ngay cả đường, dưa hấu hay trứng gà của chúng ta cũng đang có vấn đề. Tất cả là do việc quản lý đang bị buông lỏng", chuyên gia Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Ông Phú lấy ví dụ như với mặt hàng trứng gia cầm, ở trang trại chỉ có giá 1.000 đồng/quả, nhưng ra đến chợ tăng gấp 3 lần. Hay như mặt hàng đường, nhà máy của Hoàng Anh Gia Lai ở Lào, Campuchia bán ra chỉ 5.000 đồng/kg, nhưng nhà máy đường trong nước bán ra là 12.000 đồng/kg.
Còn đến tay người tiêu dùng cũng không có giá 12.000 đồng mà lên đến 19.000 - 21.000 đồng/kg.
Dù thực trạng này năm nào cũng lặp lại, các chuyên gia đã phân tích nhiều nhưng ông Vũ Vinh Phú cho rằng, sự biến chuyển của nông nghiệp Việt Nam chỉ được 10%.
"Nói không thay đổi thì không đúng, nhưng tôi cho rằng chỉ thay đổi được 10%, còn 90% vẫn thế. Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương cần phải nỗ lực hơn nữa, phải xây dựng khâu sản xuất và phân phối một cách bàn bản hơn, có kế hoạch, lộ trình cụ thể hơn cho người nông dân thì mới giải quyết được bài toán này", ông Phú nhấn mạnh.