07:00 01/05/2022

Nông nghiệp xanh giúp xã nghèo Sơn La: Thoát đói nghèo, làm giàu

Chu Khôi

Muốn xóa đói giảm nghèo bền vững ở các vùng miền núi, dân tộc thiểu số, thực tiễn cho thấy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ tăng trưởng về năng suất, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, cho chất lượng nông sản cao để đạt được giá bán cao, thu lợi nhuận cao là hướng đi đúng đắn nhất...

Chị Nguyễn Thị Thu - CEO của MEVI trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả với nông dân Sơn La.
Chị Nguyễn Thị Thu - CEO của MEVI trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả với nông dân Sơn La.

Giữa tháng 4/2022, đoàn công tác báo chí có dịp đi điền dã các mô hình trồng cây ăn quả hữu cơ, xanh sạch và bền vững ở tỉnh Sơn La. Điểm đầu tiên được chọn trong chuyến công tác này là Chiềng Khừa, nơi không chỉ là một xã biên giới, vùng sâu vùng xa, mà còn là xã khó khăn nhất của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Từ trung tâm huyện đến xã khoảng 30km nhưng chúng tôi phải đi mất gần 1,5 giờ vượt đường đèo dốc.

GIAN NAN CHUYỆN XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO

Ông Lò Văn Hương, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Chiềng Khừa, cho biết Chiềng Khừa là xã biên giới giáp Lào, gồm 9 bản, có 782 hộ dân với hơn 3.400 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh, Sinh Mun cùng sinh sống.

 

"Do địa hình đồi núi, giao thông khó khăn, nên đến thời điểm này, xã Chiềng Khừa vẫn còn tới 324 hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới. Vì thế, công tác xóa đói giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm".

Ông Lò Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khừa

Chiềng Khừa cũng là xã được nhận nhiều dự án và tài chính, vật lực, nhân lực cho xóa đói giảm nghèo nhiều nhất ở huyện Mộc Châu. Tuy nhiên, trong khi nhiều bản làng ở Mộc Châu đã đạt được thành tựu lớn về thoát nghèo, thì tỷ lệ hộ nghèo ở Chiềng Khừa hiện cao nhất ở huyện Mộc Châu.

Dẫn chúng tôi đến một nhà ở bản Cang, anh Nguyễn Thành Trung lôi từ gầm nhà sàn lên một tấm biển nằm lăn lóc, trên đó có những dòng chữ: Dự án xã Chiềng Khừa – Tiểu dư án nuôi lợn sinh sản giống địa phương. “Đây là tiểu dự án có thể nói là thất bại nhất mà tôi từng tham gia, để lại nhiều bài học”, anh Trung chia sẻ.

Nguyễn Thành Trung là người từng công tác ở Ban quản lý Dự án giảm nghèo huyện Mộc Châu từ năm 2010 đến tháng 6/2018. Năm 2013 khi huyện Vân Hồ được tách ra khỏi Mộc Châu, thì anh cũng kiêm nhiệm làm ở Ban quản lý các dự án giảm nghèo huyện Vân Hồ.

Theo anh Trung, dự án giảm nghèo do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ thực hiện từ năm 2010 đến năm 2018 tại 6 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Anh Trung là cán bộ được phân công thực hiện dự án tại Chiềng Khừa. Dự án cấp cây, con giống cho bà con nông dân, không thu tiền. Tiểu dự án họp với bà con ở Chiềng Khừa, nói ai muốn nuôi con gì, muốn trồng cây gì thì sẽ được cho những con giống, cây giống đó.

Tại các bản Cang, bản Trọng và bản Tòng, nông dân và cán bộ dự án quyết định hỗ trợ chăn nuôi lợn bản địa. Ban đầu tại mỗi bản có 8 con lợn được dự án mua và chia cho 8 hội viên phụ nữ.

Mặc dù mỗi tiểu dự án ban đầu thiết kế chỉ hỗ trợ mỗi bản 16 hội viên, nhưng do người dân luôn có ý thức chia sẻ cộng đồng, khi lợn sinh sản ra lợn con, thì họ tự giác đem cho những nhà khác để lan tỏa sự hỗ trợ. Vì thế, sau đó gần như 100% số hộ ở các bản đều được cấp lợn giống và cùng được tham gia hưởng lợi từ dự án giảm nghèo của WB, tức là vượt xa mục tiêu hỗ trợ của dự án thiết kế.

“Thế nhưng, chỉ sau 2 năm triển khai, người dân tới tấp gọi điện hỏi tôi rằng: Có chỗ nào để bán lợn? Bởi vì Chiềng Khừa ở xa, đường xá đi vào các bản rất xấu, không có thương lái nào vào thu mua lợn thịt. Hồi đó, tôi cũng chưa quen các mối tiêu thụ sản phẩm như bây giờ, nên không giúp gì được cho bà con.

Trong khi lợn của bà con nuôi thả rông trên vườn đồi, chỉ tự ăn cỏ, ăn củ trong vườn, không cho ăn thức ăn công nghiệp, nên nuôi 2 năm mới đạt trọng lượng 15-20 kg, chất lượng thịt rất thơm ngon. Dự án liên lạc với huyện, tỉnh và cả trung ương nhờ hỗ trợ kết nối tìm người mua, nhưng đều không nhận được hồi âm.

Rốt cuộc mọi người đưa ra ý kiến: không có ai tiêu thụ thì bà con thịt con lợn mà ăn, coi như đỡ phải bỏ tiền túi ra để mua thực phẩm. Dự án thất bại từ đó”, anh Trung bày tỏ.

Anh Trung nhặt tấm biển của Tiểu dự án nuôi lợn nằm lăn lóc dưới nền đất.
Anh Trung nhặt tấm biển của Tiểu dự án nuôi lợn nằm lăn lóc dưới nền đất.

Theo anh Trung, cùng với hỗ trợ chăn nuôi lợn, tiểu dự án ở Chiềng Khừa cũng hỗ trợ chăn nuôi bò. Lúc đầu cấp bò cái giống cho một số hộ. Họ nuôi bò, khi đẻ ra bê thì gia đình đó nuôi cho đến sắp sinh sản và đem cho hộ khác.

Nhà nào đẻ ra bò đực, thì đem bán để mua hoán đổi ra bò cái để đem cho những gia đình tiếp theo. Cho đến nay, dự án giảm nghèo của WB đã ngừng hoạt động tại Chiềng Khừa đã vài năm, nhưng bò vẫn đang tiếp tục được luân chuyển trong các hộ dân ở đây. “Sở dĩ hoạt động hỗ trợ bò không bị thất bại, là do bò còn được sử dụng để cày kéo, làm đất canh tác nông nghiệp, nên nông dân không bán, không quan tâm về đầu ra”, anh Trung cho biết.

VƯƠN LÊN TỪ RỪNG MƠ ĐÁ CỔ

Với hơn 8,5 năm làm cán bộ dự án xóa đói giảm nghèo, dư âm để lại cho anh Trung là biết bao niềm vui nỗi buồn, biết bao trăn trở. Nhiều dự án triển khai không đạt hiệu quả đem lại sinh kế cho nông dân như mong muốn, khiến người dân hồ nghi. Cán bộ khuyến nông, chính quyền đến vận động chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, nhưng phần lớn người dân đều chần chừ không muốn thay đổi.

“Gặp tôi, họ bảo: các ông là cán bộ nhà nước, làm được hay không thì vẫn được nhận lương, còn dân chúng tôi nếu thất bại thì mất công sức mà không được gì, nghèo vẫn hoàn nghèo. Cán bộ chỉ ngồi bàn giấy nên nghĩ là làm nghề nông dễ. Nếu giỏi thì tự chăn nuôi trồng trọt như nông dân chúng tôi xem, có thoát nghèo được không?”, Nguyễn Thành Trung nhớ lại.

Với mong muốn tự chứng minh cho nông dân thấy để họ làm theo, vào tháng 6/2018, Nguyễn Thành Trung xin nghỉ làm cán bộ ở dự án giảm nghèo huyện, thôi công chức để trở thành nông dân thực sự. Anh mua mảnh đất đồi 3ha ở xã Chiềng Khừa, trồng 300 cây mận và 480 cây lê Đài Loan, chăn nuôi gà lợn trong vườn cây.

Với những kinh nghiệm đã tích lũy, mô hình của anh đem lại lợi nhuận kinh tế tốt. Từ đó, nông dân ở Chiềng Khừa đã tin tưởng, họ không cần phải trông chờ vào sự hỗ trợ của các dự án giảm nghèo, mà tự bỏ tiền vốn ra. Nhà nào không có tiền thì đi vay, để đầu tư vào thay đổi canh tác, phát triển sản xuất trên đất đồi núi.

Anh Trung mở dịch vụ bán phân bón, vật tư nông nghiệp cho nông dân, được rất nhiều người tin tưởng mời đến xin tư vấn nên trồng cây gì, bán ở đâu, anh tư vấn miễn phí cho dân về kỹ thuật canh tác. Anh cũng kết nối đầu ra tiêu thụ nông sản cho bà con.

Chúng tôi đến thăm đồi vườn của bà Hà Thị Lương, người dân tộc Thái ở bản Tòng, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu. Tại đồi vườn của bà Lương hiện có 130 cây mơ đá đang cho thu hoạch. Bà Lương cho biết, từ năm 2020, anh Trung đến vận động bà Lương chuyển hướng sang canh tác mơ theo quy trình hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính.

Từ đây, bà Lương ngừng sử dụng phân bón vô cơ, chuyển sang mua phân chuồng về ủ cùng với men vi sinh để bón cho cây. Các kỹ thuật canh tác phải đảm bảo tuân thủ không gây hại cho môi trường, để cây mơ phát triển tự nhiên thuận thiên.

Vườn mơ đá của bà Hà Thị Lương đã được chăm sóc theo quy trình canh tác hữu cơ.
Vườn mơ đá của bà Hà Thị Lương đã được chăm sóc
theo quy trình canh tác hữu cơ.

Ở đây đường xá đi lại rất khó khăn, nên thường bị ép giá. Năm ngoái, thương lái mua mơ hàng xô giá là 6.000 đồng/kg. Vườn mơ thu được khoảng 20 tấn quả/năm, sau khi trừ chi phí còn lại chưa tới 50 triệu đồng.

"Tuy nhiên, kể từ khi chuyển sang mô hình nông nghiệp xanh, nhờ canh tác hữu cơ, chi phí phân bón giảm xuống một nửa, sản lượng mơ năm nay đạt 22 tấn. Trong đó, 5 tấn mơ đạt yêu cầu được MEVI thu mua với giá giá 20.000 đồng/kg để chế biến mơ muối, đem về 100 triệu đồng, còn lại 17 tấn sẽ bán cho thương lái với giá 3.000 đồng/kg, ước tính được khoảng 50 triệu đồng nữa. Như vậy, sau khi trừ chi phí, dự tính lợi nhuận sẽ được gần 100 triệu đồng”, bà Hà Thị Lương chia sẻ.

Hiện tại, cùng với bà Lương, hàng chục hộ dân khác ở Chiềng Khừa đã được anh Nguyễn Thành Trung kết nối với MEVI để bao tiêu thu mua trái cây, nông sản.

Anh Trung kể, rời bỏ Nhà nước, trở thành nông dân tự đầu tư sản xuất nông nghiệp, năm 2018, anh vẫn được dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại hai tỉnh Lào Cai và Sơn La” (GREAT) mời hợp tác hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân.

GREAT là một dự án được tài trợ bởi Chính phủ Australia với tổng kinh phí 33,7 triệu đô la Úc (tương đương 600 tỷ đồng Việt Nam). Dự án được thực hiện trong 4 năm (2017-2021), hợp tác với doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ để tạo cơ hội cho phụ nữ trong ngành nông nghiệp và du lịch.

Tại hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ, dự án GREAT đã triển khai các tiểu dự án: Chè Chiềng Đi, rau Greenfarm, rau giống - Fresh Studio, gạo tẻ dâu - ADC, du lịch cộng đồng - AOP, rau Vân Hồ… Các đơn vị đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất và kinh doanh cho hơn 3.500 phụ nữ để phát triển sản xuất chè, rau, gạo theo hướng hữu cơ.

Cũng nhờ dự án GREAT, Nguyễn Thành Trung được gặp Nguyễn Thị Thu vào năm 2019 khi đó đang làm tư vấn cho WISE là một đối tác cùng tham gia trong Dự án GREAT.

“Qua trao đổi với Thu, tôi mới vỡ ra, nông nghiệp sạch, nông nghiệp không hóa chất mới là hướng đi bền vững cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Vì vậy, khi Thu thành lập hệ sinh thái MEVI, thì tôi tham gia làm cầu nối liên kết giữa MEVI và nông dân ở Mộc Châu để vận động nông dân chuyển hướng sang canh tác hữu cơ”, anh Trung nhớ lại.

THIẾT LẬP HỆ SINH THÁI NÔNG NGHIỆP XANH

Đến nay, Nguyễn Thành Trung đã vận động và tổ chức cho 86 hộ nông dân tham gia các khóa tập huấn quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ do MEVI tổ chức. Trung cũng hướng dẫn cho người dân cách tự ủ phân vi sinh và làm đầu mối cho MEVI để thu mua mơ, mận, lê, mắc cọp và nhiều nông sản với giá cao gấp 2-5 lần so với giá thương lái thu mua từ nông dân.

“Để được MEVI thu mua sản phẩm, nông dân phải canh tác sạch, không được sử dụng phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất để trừ sâu bệnh. Trong khi, tôi cũng đang là đại lý kinh doanh bán phân bón hóa học cho nông dân, việc vận động nông dân sản xuất hữu cơ cũng đồng nghĩa với việc tôi không thể bán phân bón cho nông dân được nữa. Nhưng vì biết sản xuất xanh là hướng đi tất yếu, nên tôi sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ban đầu để hướng tới sự bền vững lâu dài”, Nguyễn Thành Trung tâm sự.

Cũng trong chuyến điền dã vừa qua, tôi được gặp và trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thu, Giám đốc, Sáng lập MEVI. Chị Thu cho biết, được thành lập vào đầu năm 2020, MEVI đã chọn hướng đi tập trung vào việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh gắn với chế biến. Hiện tại, MEVI đang xây dựng 3 hệ sinh thái.

Một là, hệ sinh thái MEVI farm, với mục tiêu hỗ trợ các hộ nông dân, các trang trại xây dựng mô hình canh tác sinh thái hữu cơ, bền vững với môi trường và an toàn với sức khỏe của con người. Tiêu chí mỗi một MEVI farm phải cam kết canh tác xanh theo hướng bèn vững, có tác động tích cực giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường.

Đến nay, đã có hơn 10.000 nông dân tham gia MEVI farm, tổng diện tích canh tác hơn 250 ha, tập trung vào: xoài ở Yên Châu (Sơn La), cam và mận ở Vân Hồ và Mộc Châu, mô hình trồng rau ở Đồng Nai, trồng cà phê ở Tây Nguyên…

Hai là, hệ sinh thái MEVI factory, tập hợp các doanh nghiệp nhỏ có xưởng chế biến nông sản, nhằm tạo ra nông sản chế biến theo tiêu chí MEVI đặt ra, để thu mua nông sản từ các MEVI farm.

“Giải pháp hữu ích được MEVI đưa ra là hỗ trợ hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cùng tìm ý tưởng sản phẩm chế biến có yếu tố sáng tạo, và hỗ trợ kết nối hợp tác với doanh nghiệp có nhà xưởng, máy móc trang thiết bị để có thể gia công chế biến sản phẩm nông sản sáng tạo”, Nguyễn Thị Thu chia sẻ.

Đến nay đã có 80 cơ sở chế biến quy mô nhỏ và 40 hợp tác xã được hỗ trợ từ MEVI để tham gia vào hệ sinh thái MEVI farm. Trong đó hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc ở Điện Biên có nhiều sản phẩm chế biến từ táo mèo, như táo mèo sấy lạnh, giấm táo mèo, rượu táo mèo. Hay như, hợp tác xã chế biến nấm Phúc An ở Nam Định đã có 2 sản phẩm là bột nấm sấy lạnh và mì nấm.

Một số tổ hợp tác, hợp tác xã do nữ làm chủ ở miền núi, người đồng bào dân tộc thiểu số đã có được những sản phẩm nông sản chế biến có yếu tố sáng tạo và bước đầu xây dựng thị trường phân phối tốt như: bánh xoài Yên Châu, bún dâu tây Bản Áng, nấm linh chi ATC, bột rau muống sấy lạnh đường phèn Bắc Ninh, viên gừng Yên Châu, tinh chất cần tây Vietherbes… là những minh chứng cho việc đã đến lúc các doanh nghiệp nhỏ và vừa hỗ trợ cho nhau và bắt tay nhau để tạo thành một hệ sinh thái.

Ba là, hệ sinh thái MEVI shop. Đến nay, đã có 250 đại lý tham gia MEVI shop, phần lớn họ là các cá nhân, trong đó có nhiều giáo viên thích kinh doanh, được MEVI đào tạo, trang bị những kiến thức về kinh doanh và tiêu dùng.

“Qua thực tế, các mô hình đã giúp các doanh nghiệp sản xuất tối ưu được chi phí bán hàng, giảm chi phí logistics, vận hành do hàng đi cùng nhau. Các nhà phân phối thì tối ưu được nguồn hàng, giảm chi phí vận chuyển, điều phối để tối ưu bán hàng”, chị Nguyễn Thị Thu khẳng định.