06:00 14/04/2022

Doanh nghiệp tư nhân là động lực chính cho nông nghiệp xanh, phát thải thấp

Chu Khôi

Muốn chuyển đổi được mô hình sản xuất nông nghiệp từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”, cần khơi thông nguồn lực từ khối tư nhân, doanh nghiệp và nông dân…

Việt Nam cần ưu tiên tăng cường sự tham gia của tư nhân vào phát triển nông nghiệp xanh, phát thải carbon thấp.
Việt Nam cần ưu tiên tăng cường sự tham gia của tư nhân vào phát triển nông nghiệp xanh, phát thải carbon thấp.

Phát biểu tại hội thảo ngày 13/4 với chủ đề "Thúc đẩy năng lực của khu vực tư nhân để giảm phát thải các bon trong Hệ thống nông nghiệp và thực phẩm”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan. Đó là: nguồn tài nguyên cạn kiệt, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới.

GIẢM PHÁT THẢI ĐÒI HỎI CHI PHÍ LỚN

Để chứng minh điều này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải khí nhà kính rất lớn, chiếm 13,9% tổng lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia.

Doanh nghiệp tư nhân là động lực chính cho nông nghiệp xanh, phát thải thấp - Ảnh 1

Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, đáp ứng yêu cầu an ninh lương thực và dinh dưỡng của khoảng 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu.

Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 và 2 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu”; cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Tháng 1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, và các cam kết quốc tế nói trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.

"Các nguồn lực này tập trung vào chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên”  sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

 

Chi phí giảm phát thải carbon theo tính toán của Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) vào năm  2021 ước khoảng 1000 USD/tấn CH4 giảm phát thải (35,7 USD/tấn C02 tương đương). Trong quản lý chất thải chăn nuôi, cần khoảng 1700 USD/tấn CH4 giảm phát thải (60,7USD/tấn  CO2 tương đương).

Bà Lê Hoàng Anh, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhấn mạnh, nhu cầu tài chính cho ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển lớn hơn gấp 5-10 lần các dòng tiền mà các quỹ tài chính công quốc tế hiện tại huy động được cho ứng phó biến đổi khí hậu.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nêu con số, ở Nam Á và Đông Nam Á, tỷ lệ tổn thất trong sản xuất nông nghiệp lên đến 87% trước khi sản phẩm đến tay “người tiêu dùng”. Trong đó, khâu nông trại tổn thất 31%, khâu xử lý và bảo quản gây tổn thất 37%, phân phối và bán lẻ tổn thất 15%.

Tính toán chi phí giảm phát thải trong chăn nuôi và trồng trọt
Tính toán chi phí giảm phát thải trong chăn nuôi và trồng trọt

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia sản xuất hàng hóa nông sản xanh, các-bon thấp. Điển hình như, IDH đã xây dựng cảnh quan bền vững cho sản xuất cà phê các tỉnh Tây Nguyên; Tập đoàn Lộc trời sản xuất lúa SRP; các HTX thanh long Global GAP Bình Thuận; HTX tôm lúa Bạc Liêu; Hệ thống theo dõi dấu chân các bon trong sản xuất lúa do TE, Oxfam, IRRI; Hệ thống Biofloc trong nuôi tôm siêu thâm canh; Hệ thống sử dụng đèn LED cho đánh bắt xa bờ...

Tính toán nhu cầu tài chính giảm phát thải trong lĩnh vực lâm nghiệp
Tính toán nhu cầu tài chính giảm phát thải trong lĩnh vực lâm nghiệp

CẦN ĐO LƯỜNG, ĐỊNH GIÁ CARBON

Theo ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, việc xây dựng nền nông nghiệp giảm phát thải các bon đòi hỏi chi phí không hề nhỏ và Việt Nam cần kết hợp các chính sách chuyển đổi tham vọng với chiến lược định giá carbon.

"Mức thuế carbon thấp như hiện nay - còn được gọi là Thuế Bảo vệ Môi trường (EPT) - cần được tăng dần trong thời gian sắp tới. Việc kết hợp các chính sách ngành và chiến lược định giá carbon là điều kiện cần thiết để đưa nền kinh tế đi vào quỹ đạo tiến tới mức phát thải ròng bằng 0", ông Alfonso Garcia Mora nêu quan điểm.

Để đạt được mục tiêu này, ông Alfonso Garcia Mora khuyến cáo, cần thực hiện những cải cách và đầu tư đáng kể để khắc phục tình trạng sản xuất lúa gạo và chăn nuôi phát thải nhiều carbon. Công cuộc chuyển đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp nông nghiệp phải cắt giảm đáng kể dấu chân sinh thái trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời ứng dụng phương thức kinh doanh xanh hơn, sạch hơn.

Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất lương thực tại Việt Nam, cần có hướng dẫn rõ ràng về mục tiêu đề ra cũng như có các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp để áp dụng các thực hành mới theo hướng khử carbon.

"Đối với nền nông nghiệp Việt Nam nơi các nông trại quy mô nhỏ chiếm ưu thế, việc hợp tác giữa các hợp tác xã, các công ty đầu ngành và các nông trại quy mô nhỏ để gia tăng quy mô nền sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ bền vững và chuẩn mực quốc tế sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi”, ông Alfonso Garcia Mora  nói.

Ông Alfonso Garcia Mora và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại hội thảo
Ông Alfonso Garcia Mora và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại hội thảo

Nêu lên cơ hội của Nền tảng lúa gạo bền vững (SRP), bà Dina Umali-Deininger, Giám đốc Ban Nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới cho hay, tiêu chuẩn bền vững tự nguyện đầu tiên trên thế giới về ngành lúa gạo đang được xây dựng, với mục tiêu giảm thiểu tác động của quá trình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đến môi trường, đồng thời nâng cao thu nhập của hộ sản xuất nhỏ.

 

"Tác động ước tính từ khoảng 21 quốc gia đang hợp tác cùng triển khai  SRP trong sản xuất lúa gạo: sẽ tiết kiệm 20% lượng nước tiêu thụ; giảm 10% tiêu thụ hóa chất; thu nhập của nông dân tăng 10-30%; giảm 50% lượng phát thải khí nhà kính. Tại Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 8% nông dân trồng lúa tham gia SRP, nên tiềm năng để mở rộng quy mô ở Việt Nam còn rất lớn".

Bà Dina Umali-Deininger, Giám đốc Ban Nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới

Bà Dina Umali-Deininger khuyến cáo, Việt Nam cần ưu tiên tăng cường sự tham gia của tư nhân vào phát triển nông nghiệp xanh, phát thải carbon thấp. Muốn vậy, cần rà soát các chính sách hiện có về hỗ trợ thâm canh nông nghiệp không bền vững, tăng cường khung pháp lý và các thể chế hỗ trợ nông hộ nhỏ.

Cần xem xét lại vai trò tương đối của khu vực công và tư nhân. Ví dụ, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp lớn của khu vực tư nhân để đưa ra những giải pháp dựa trên thị trường nhằm khuyến khích sản xuất lúa phát thải các-bon thấp và chuyển đổi nông nghiệp trên phạm vi rộng hơn.

Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các cụm trang trại và tích hợp “theo chiều ngang”. Giải pháp này có thể tăng cường sự phối hợp, hành động tập thể, giảm chi phí giao dịch và cho phép chia sẻ nguồn lực/rủi ro giữa các nông dân.

Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế tài chính carbon để khuyến khích chuyển đổi sang các phương thức canh tác nông nghiệp phát thải carbon thấp. Cần phát triển hệ thống Đo lường, Báo cáo và Xác minh (MRV) đối với tín chỉ carbon trong nông nghiệp.