11:53 06/08/2024

Nông sản của Lào Cai xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn còn nhiều gian nan

Chu Khôi

Sau hơn 2 năm thực hiện việc đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốcthực vật sang Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249 của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, các doanh nghiệp tại Lào Cai đã xuất khẩu được một số mặt hàng nông sản như chuối, sắn, thảo quả… Tuy nhiên vẫn còn nhiều nông sản tiềm năng khác của tỉnh chưa tiếp cận được với thị trường Trung Quốc…

Lào Cai ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2024 có nhiều khởi sắc với giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD USD.
Lào Cai ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2024 có nhiều khởi sắc với giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD USD.

Nhằm giúp các doanh nghiệp, Hợp tác xã của Lào Cai xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và thị trường các nước được thuận lợi, ngày 6/8/2024, tại tỉnh Lào Cai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai phối hợp với Công Ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH tổ chức hội thảo hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc. 

XUẤT NHẬP KHẨU VỚI TRUNG QUỐC NHIỀU THAY ĐỔI 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, cho biết tỉnh Lào Cai có gần 200km biên giới, có 3 cặp cửa khẩu với Trung Quốc: Lào Cai, Mường Khương, Bát Sát.

Lào Cai ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2024 có nhiều khởi sắc với giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 1,6 tỷ USD USD, tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 950 triệu USD, tăng trưởng 104,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Chu Khôi.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Chu Khôi.

Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt giá trị cao, như: sầu riêng xuất khẩu qua Lào Cai tăng trưởng mạnh đạt trên 520 triệu USD, trung bình xuất khẩu với số lượng khoảng 70 – 100 xe hàng/ngày; thanh long đạt trên 60 triệu USD; chuối, mít, xoài, vải, dưa hấu và các loại trái cây khác cũng được xuất khẩu với số lượng đáng kể góp phần đa dạng hóa mặt hàng và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản.

Riêng đối với hàng hoá do Lào Cai sản xuất, sản phẩm xuất khẩu chính là phân bón, hóa chất gắn liền với khu chế biến khoáng sản. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh có nhiều vùng khí hậu khác nhau, tạo cho Lảo Cai nhiều loại cây trồng có lợi thế cạnh tranh, trong đó tỉnh lựa chọn phát triển “5 cây, 1 con”, chủ lực: quế, chè, chuối, dứa, dược liệu, lợn. Trong đó, quế có trên 60 nghìn ha, cơ bản để xuất khẩu. Gần như 100% tinh dầu quế của Lào Cai xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Hàng hoá có nguồn gốc thực vật muốn xuất khẩu sang Trung Quốc yêu cầu phải có mã số vùng trồng. Đặc biệt, nước bạn còn yêu cầu nâng cao chất lượng, môi trường vệ sinh, quy trình chăm sóc thu hoạch phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là điểm khó đối với các hợp tác xã, hộ nông dân tại tỉnh Lào Cai", ông Vinh nêu thực tế.

 

“Trước đây Trung Quốc chưa rào hàng rào biên giới, yêu cầu về hàng hoá nhập khẩu chưa cao, xuất khẩu chủ yếu qua hàng rào lối mở. Từ năm 2021 đến nay, nước bạn đã hoàn thành rào hàng rào biên giới, nên không thể xuất khẩu tiểu ngạch được nữa”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản theo yêu cầu của các nước, tỉnh Lào Cai đã thường xuyên rà soát kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp. Đồng thời các hợp tác xã hoàn thiện các điều kiện tiêu chuẩn và gửi văn bản đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói nông sản.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai. Ảnh: Chu Khôi.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai. Ảnh: Chu Khôi.

Bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho hay năm 2023, Lào Cai có 16 vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, trong đó có 15 vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một vùng trồng chè xuất khẩu sang châu Âu, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản.

Qua theo dõi, kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị thu hồi mã số của 3 vùng trồng do không đáp ứng được tiêu chuẩn quy định vùng trồng xuất khẩu. Hiện nay tỉnh Lào Cai đang duy trì 13 vùng trồng xuất khẩu.

Về cơ sở đóng gói, năm 2023, Lào Cai có 11 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu Trung Quốc, trong đó cố 8 cơ ở đóng gói chuối, 2  cơ sở đóng gói thạch đen và 1 cơ sở đóng gói chanh leo. Qua theo dõi, kiểm tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị thu hồi mã cơ sở đóng gói của 4 cơ sở không đạt yêu cầu xuất khẩu (3 cơ sở đóng gói chuối và 1 cơ sở đóng gói thạch đen). Hiện nay đang duy trì 7 cơ sở đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số.

NHIỀU KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH 248 CỦA TRUNG QUỐC

Nêu một số khó khăn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, bà Bình cho biết yêu cầu về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu (Trung Quốc) đối với các mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe, thường xuyên thay đổi gây khó khăn nhất định cho địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình cập nhật thông tin cũng như việc áp dụng thực hiện.

Việc cấp mã số vùng trồng mới đi vào hoạt động, nên nhận thức của một số chủ thể còn hạn chế; công tác quản lý mã số vùng trồng còn khó khăn do chưa bố trí được kinh phí trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên, áp dụng công nghệ số đối với các vùng nguyên liệu. Lào Cai có địa hình đồi núi phức tạp, đi lại khó khăn đặc biệt vùng sâu nên việc tuyên truyền, kiểm tra gặp khó khăn.

 

"Trong hệ thống của Hải quan Trung Quốc, không có khái niệm “hữu cơ”, không có tiêu chuẩn cho sản phẩm hữu cơ. Có những nông sản của Việt Nam có chứng nhận hữu cơ do cơ quan chức năng cấp, thậm chí được Tổ chức uy tín của châu Âu cấp chứng nhận, nhưng chưa có mã số vùng trồng được Trung Quốc cấp thì cũng không được xuất khẩu vào Trung Quốc”.

Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH.

Đáng lưu ý, một số ngành hàng chủ lực của tỉnh Lào Cai hiện nay có ưu thế xuất khẩu lớn nhưng chưa có tên trong các nghị định thư và lệnh 248, 249 (như: dứa, dược liệu... ). Riêng ngành hàng quế có diện tích sản xuất lớn, song vẫn chưa kiểm soát chặt chẽ về vùng trồng (chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp mã số vùng trồng cho cây quế) vì vậy, mặc dù một số địa phương có đề nghị cấp mã số vùng trồng cho cây quế,  song chưa thể thực hiện được do chưa có hướng dẫn.

Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH, cho biết Pháp lệnh 248 của Trung Quốc có hiệu lực từ 1/1/2022, quy định toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu đi Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan của quốc gia này. Từ khi Pháp lệnh 248 có hiệu lực, một loạt nông sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ký kết thành những nghị định riêng.

Tuy nhiên, theo bà Mến, sau 2 năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, nhiều đơn vị vẫn còn đang loay hoay trong việc đáp ứng các yêu cầu và đăng ký mã số xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo quy định tại Pháp lệnh này.

Thống kê của cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy đến nay, Việt Nam đã đăng ký được hơn 3.000 mã số xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Trong đó, ngành hàng có nguồn gốc từ thực vật sẽ chịu trách nhiệm của Cục Bảo vệ thực vật, những ngành hàng có nguồn gốc từ động vật sẽ là cục Thú y, những ngành hàng nguồn gốc về thủy sản sẽ là Cục Quản lý chất lượng thị trường nông sản, những ngành hàng có nguồn gốc thực phẩm chức năng là Bộ Y tế, những ngành sản xuất chế biến sâu sẽ là Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ Công Thương.

Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH. Ảnh: Chu Khôi.
Bà Phan Thị Mến, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH. Ảnh: Chu Khôi.

Bà Mến cho biết là đơn vị chuyên tư vấn xuất khẩu nông sản sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ấn Độ, Công Ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH đã hoàn thành được nhiều hướng dẫn cho các đơn vị trong ngành hàng để có thể xuất khẩu thành công sang thị trường Trung Quốc.

Tại hội thảo, bà Mến cũng đã giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp và hợp tác xã đến từ các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ về những vướng mắt trong việc đăng ký xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.