08:00 27/02/2023

Nông thôn mới đi lên từ nông nghiệp xanh

Chương Phượng

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, kinh tế nông nghiệp xanh giữ vai trò chủ lực, môi trường sống an lành, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được quan tâm chăm lo đã làm nên bức tranh ấn tượng của xã Bạch Đằng. Từng bước đổi mới, bắt nhịp thời đại, Bạch Đằng đã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương…

Thu hoạch hành trên đồng ruộng ở xã Bạch Đằng
Thu hoạch hành trên đồng ruộng ở xã Bạch Đằng

Đến xã Bạch Đằng vào những ngày này, trên khắp các cánh đồng, nông dân đang hồ hởi thu hoạch hành, tỏi. Trên những con đường làng, giá phơi hành trải dài một màu xanh, nhiều hộ nông dân đang hối hả đưa những túm hành lên giàn phơi, chờ vài ngày héo đầu lá để giao hàng cho thương lái.

MỖI HA TRỒNG HÀNH LÃI HƠN 300 TRIỆU ĐỒNG

Ông Nguyễn Văn Giá, nông dân ở xóm 8, xã Bạch Đằng, vui mừng cho biết, năm nay hành bán được giá cao gấp đôi so với năm ngoái. Hiện củ hành tươi chỉ mới phơi héo đầu lá đã được thương lái thu mua với giá 15 triệu đồng/tấn. Nếu hành phơi khô hẳn, thương lái thu mua 30 triệu đồng/tấn.

Vụ đông này, gia đình ông Giá trồng 1,6 mẫu (16 sào) hành, dự tính thu hoạch được hơn 20 tấn củ hành tươi, bán được khoảng 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận sẽ thu về hơn 200 triệu đồng. Về chi phí trồng hành, do gia đình tự để giống cho vụ sau, nên không mất chi phí mua giống, chỉ mất tiền phân bón, làm đất vào khoảng 15 triệu đồng/mẫu. Sau khi thu hoạch hành, nông dân ngay lập tức cày bừa để cấy cho kịp vụ lúa Xuân.

Bác Tiên Quang Thành ở thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng không giấu niềm vui khi hành, tỏi là thế mạnh và thu nhập chính của bà con nông dân ở đây. Trong khoảng chục năm trở lại đây, Kinh Môn đã trở thành nơi nổi tiếng với nghề trồng hành, tỏi tại Hải Dương.

Do thổ nhưỡng phù hợp, người dân nơi đây cần cù, có kinh nghiệm canh tác nên loài cây này luôn mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Nhiều năm trước đây, giá bán hành, tỏi củ luôn ổn định ở mức cao, khoảng 25.000/kg tỏi và 12.000/kg hành thì mỗi sào thu được khoảng 12 triệu đồng.

Tuy vậy, trồng hành, tỏi không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Nhớ lại vụ năm ngoái, ông Thành kể: “Đầu năm 2022 mưa rét liên tục nhiều diện tích hành, tỏi bị dập nát, thối lá. Đã thế, thương lái đến trả giá thu mua hành rất bèo bọt, trong khi giá phân bón cứ tăng vụn vụt làm cho người dân chán nản, không muốn thu hoạch vì lỗ nhiều quá"

"Năm ngoái coi như mất trắng, không có lợi nhuận từ hành, tỏi. Nhưng năm nay được mùa được giá, chưa năm nào giá bán hành cao như hiện nay, nên chúng tôi rất phấn khởi”, ông Thành bày tỏ.

Mặc dù trồng hành, tỏi đem lại thu nhập chủ lực, giúp nông dân trong xã làm giàu, nhưng trồng hành, tỏi vẫn còn nhiều bấp bênh do dịch bệnh và biến động thị trường. Ông Thành mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ kết nối thị trường cho bà con nông dân.

Ông Tiên Quang Thành đang phơi hành.
Ông Tiên Quang Thành đang phơi hành.

“Ước mong của nông dân chúng tôi là các nhà khoa học nghiên cứu loại thuốc sinh học vừa diệt được sâu bệnh cho cây hành, vừa đảm bảo được hiệu quả năng suất, giúp bà con không phải sử dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng độc hại tới môi trường. Chúng tôi thu hoạch hành, tỏi vào mùa mưa, nếu được chính quyền địa phương các cấp hỗ trợ đầu tư lò sấy (cho ra những mẻ sấy lớn) thì người nông dân vừa nhàn, vừa đảm bảo chất lượng cho nông sản”, ông Thành nêu kiến nghị.

MÔ HÌNH KINH TẾ NÔNG NGHIỆP XANH

Bạch Đằng là xã miền núi nằm ở phía Bắc của thị xã Kinh Môn, có sông Kinh Thầy chảy quanh, phía Nam có dãy An Phụ che chắn. Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết, tổng diện tích tự nhiên của xã là 674,16 ha, trong đó đất nông nghiệp 488,35 ha; chiếm tỷ lệ 72,4%; đất lâm nghiệp 63,0 ha; còn lại là đất phi nông nghiệp.

Đất màu sản xuất nông nghiệp của xã thích hợp cho việc trồng lúa nước và các loại cây rau màu, chủ lực là cây hành, tỏi và cây ăn quả chất lượng đem lại thu nhập cao cho nông dân. Khu vực sản xuất nông nghiệp của xã có nguồn nước sông ngòi dồi dào và hệ thống công trình thủy lợi kiên cố đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu chủ động thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và kinh tế trang trại.

Nhiều năm qua, xã Bạch Đằng đề ra chủ trương thực hiện xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp xanh phát triển bền vững, dựa trên tiềm năng về đất đai, tập quán sản xuất của người dân, Đảng bộ, chính quyền xã Bạch Đằng tập trung lãnh đạo thực hiện quy hoạch, sắp xếp khoa học vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu lương thực cho người dân và phục vụ xuất khẩu.

Thu hoạch hành ở xã Bạch Đằng
Thu hoạch hành ở xã Bạch Đằng

XÃ NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU ĐẦU TIÊN Ở KINH MÔN

Đến xã Bạch Đằng, điều vô cùng ấn tượng là đường làng rộng rãi, trải nhựa thênh thang, các công trình từ trụ sở ủy ban đến nhà văn hóa xóm, trường mẫu giáo, trường tiểu học đều xây dựng bề thế. Mỗi xóm đều có vườn hoa, công viên để người dân vui chơi. Phía trước Ủy ban xã là khu thể thao với các sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, chiều chiều thu hút hàng trăm người tới chơi thể thao.

Năm 2014 xã Bạch Đằng được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới, là một trong hai xã của thị xã Kinh Môn về đích xã nông thôn mới ngay từ giai đoạn đầu. Năm 2019, xã Bạch Đằng được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong hai năm vừa qua, vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, xã Bạch Đằng đã chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và mùa vụ phù hợp, do vậy sản xuất nông nghiệp đã giành được nhiều kết quả thắng lợi.

Vừa qua, Bạch Đằng đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu, và là xã đầu tiên ở thị xã Kinh Môn đạt danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhờ phát triển nông nghiệp hàng hóa, thu nhập cao nên người dân có điều kiện đóng góp tiền, ngày công xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả xã đã vận động nhân dân hiến trên 12.000 m2 đất 03; 890 m2 đất ở, để mở rộng và làm mới 3,2 km đường giao thông liên thôn, xóm với mặt đường rộng 6,5 m đến 7,5m. Toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn đều có hệ thống thoát nước có nắp đậy đảm bảo theo tiêu chí; làm mới được 28 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài trên 7 km, chiều rộng mặt đường 5,5 đến 6,5m...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 9-2023 phát hành ngày 27-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nông thôn mới đi lên từ nông nghiệp xanh  - Ảnh 1