19:26 17/11/2022

Gần 40 nghìn tỷ đồng cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Chu Khôi

Tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt là 39.632 tỷ đồng. Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung thêm 88,6 triệu USD vốn vay ADB thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 17/11/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị Quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Có 6 Chương trình chuyên đề được triển khai, gồm: Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng Nông thôn mới, hướng tới Nông thôn mới thông minh;  Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Chương trình phát triển du lịch nông thôn; Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng Nông thôn mới.

VỐN GIAO NĂM 2023 TRÊN 10.000 TỶ ĐỒNG

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2022 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và nhiệm vụ được giao, đến tháng 11/2022, các bộ ngành trung ương và các địa phương đã cơ bản hoàn thành trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định, văn bản hướng dẫn và cụ thể hóa công tác phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, tổng vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt là 39.632 tỷ đồng, gồm 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 9.632 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp. Trong đó, đến thời điểm này đã phân bổ 30.000 tỷ đồng, bao gồm 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 3.000 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đã có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV xem xét quyết định về phương án phân bổ nốt 9.632 tỷ đồng (3.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 6.632 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) còn lại của Chương trình.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam
chủ trì hội nghị.

Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung thêm 88,6 triệu USD (tương đương khoảng 2.050 tỷ đồng) vốn vay ADB để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Đề cập về Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình năm 2023, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết tổng vốn ngân sách trung ương giao thực hiện Chương trình năm 2023 dự kiến là 10.235 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư phát triển là 8.025 tỷ đồng (trong đó có 7.000 tỷ đồng vốn trong nước, 1.025 tỷ đồng vốn nước ngoài của Chương trình vốn vay ADB); kinh phí sự nghiệp là 2.210 tỷ đồng.

 

"Phân bổ 1.328,46 tỷ đồng (gồm 120,08 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 1.208,336 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) cho các bộ, ngành trung ương và địa phương để triển khai 6 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt".

Báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương.

Trong đó, đối với nguồn vốn trong nước, phân bổ 7.424,05 tỷ đồng cho 45 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi theo các tiêu chí, hệ số phân bổ tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Phân bổ 144,3 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện công tác quản lý chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nội dung thành phần của Chương trình. 

Ngoài ra, hỗ trợ bổ sung 313,2 tỷ đồng (gồm 290 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 23,2 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) cho một số địa phương để thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về cơ chế phân bổ vốn ngân sách trung ương cho cấp xã thực hiện Nông thôn mới, các xã không thuộc đối tượng ưu tiên (bao gồm cả các xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới) được tính theo hệ số 1,0. Với những xã đặc biệt khó khăn được phân bổ vốn theo hệ số 4,0; các xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên được hưởng hệ số 1,3.

HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN Ở CÁC VÙNG ĐẶC THÙ, KHÓ KHĂN

Ngoài phân bổ vốn cho các tỉnh, huyện, xã, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình người dân ở các vùng đặc thù, khó khăn.

Mô hình cấp nước hộ gia đình cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước: Kinh phí thực hiện trung bình ước tính khoảng 5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.500 triệu đồng/mô hình.

Mô hình về liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải: Kinh phí thực hiện trung bình ước tính khoảng 6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 3 tỷ đồng/mô hình.

Mô hình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn áp dụng công nghệ sinh thái: Kinh phí thực hiện trung bình ước tính khoảng 4 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 2 tỷ đồng/mô hình.

Mô hình xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng thành chất thải thông thường: Kinh phí thực hiện trung bình ước tính khoảng 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 1 tỷ đồng/mô hình.

Mô hình chợ an toàn thực phẩm: Kinh phí thực hiện trung bình ước tính khoảng 4 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 2 tỷ đồng/mô hình.

Mô hình cải tạo cảnh quan theo hướng đa chức năng, gắn với phát triển du lịch nông thôn: Kinh phí thực hiện trung bình ước tính khoảng 4 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 2 tỷ đồng/mô hình.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết phạm vi của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn nông thôn của cả nước bao gồm 644 đơn vị cấp huyện có xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó có 74 huyện nghèo thuộc phạm vi thực hiện của Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững,

Về cấp xã, Chương trình “phủ sóng” đến 8.227 xã, trong đó có 1.458 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi và 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương khi sử dụng vốn Nông thôn mới phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật.

"Cần ưu tiên hỗ trợ cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí. Các tỉnh cần chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và Nông thôn mới kiểu mẫu", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.