10:00 20/02/2023

Huy động được gần 22 nghìn tỷ đồng từ trong dân để xây dựng nông thôn mới

Chu Khôi

Năm 2022, cả nước huy động được khoảng 621.324 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình Nông thôn mới, tăng 1,3 lần so với năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước trên 127 nghìn tỷ đồng; vốn từ doanh nghiệp trên 35,5 nghìn tỷ đồng; người dân tự nguyện đóng góp gần 22 nghìn tỷ đồng…

Năm 2023, cả nước phấn đấu có khoảng 78% xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Năm 2023, cả nước phấn đấu có khoảng 78% xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Báo cáo kết quả tại hội nghị toàn quốc "Hệ thống văn phòng điều phối Nông thôn mới các cấp năm 2023" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối tuần qua, tại Hải Phòng, ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương cho biết tính đến tháng 2/2023, cả nước có 6.001/8.211 xã (73,08%) đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 958 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 113 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

HUY ĐỘNG HƠN 621 NGHÌN TỶ ĐỒNG TỪ MỌI NGUỒN LỰC

Đề cập kết quả huy động nguồn lực thực hiện Chương trình nông thôn mới năm 2022, ông Ngô Trường Sơn cho hay trong năm vừa qua, cả nước đã huy động được khoảng 621.324 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình Nông thôn mới, tăng 1,3 lần so với năm 2021.

Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho Chương trình khoảng 77.397,8 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ là 11.000 tỷ đồng, vốn đầu tư  9.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 2.000 tỷ đồng); vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện Chương trình khoảng 66.397,8 tỷ đồng (chiếm 10,7%); Lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác 49.967 tỷ đồng (chiếm 8%).

 

"Đối với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2022, cả nước có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,2% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Trong tổng số 4.586 chủ thể OCOP, có 38,1% là hợp tác xã, 25,6% là doanh nghiệp, 33,5% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác".

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương.

Cùng với đó, huy động từ tín dụng 436.738 tỷ đồng (chiếm 70,3%); doanh nghiệp đóng góp và đầu tư 35.503 tỷ đồng (chiếm 5,7%); Cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp 21.848 tỷ đồng (chiếm 3,5%).

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra nhiều hạn chế, vướng mắc trong Chương trình Nông thôn mới. Đó là, hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành so với kế hoạch, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Một số văn bản hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới của các bộ, ngành còn chưa cụ thể hoặc một số chỉ tiêu khó thực hiện ở một số địa bàn nên gây khó khăn, vướng mắc cho một số địa phương trong thực hiện.

Một số địa phương còn chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp. Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.

PHẤN ĐẤU 25% SỐ XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀ KIỂU MẪU

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, kết quả đạt chuẩn xã Nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như Đồng bằng sông Hồng: 100%, Đông Nam Bộ: 92,6% trong khi đó Miền núi phía Bắc mới đạt 47,5%, Tây Nguyên 57,8%.

Hiện vẫn còn 4 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên) thuộc khu vực Miền núi phía Bắc có tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới dưới 30%.

"Mặt khác, chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội... Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

 

"Đến nay vẫn còn 16 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh còn “trắng xã nông thôn mới”, tức là chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, kém nhất là huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) và huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) bình quân mới đạt 6,9 tiêu chí/xã)".

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Năm 2023, cả nước phấn đấu có khoảng 78% xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó, có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng ít nhất 15 đơn vị cấp huyện so với năm 2022); khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP (tăng khoảng 1.000 sản phẩm so với năm 2022).

Để hoàn thành mục tiêu năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần kiện toàn hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp thống nhất, đồng bộ theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022.

Bộ trưởng yêu đề nghị các Văn phòng Điều phối Nông thôn mới cấp tỉnh tập trung tham mưu Ban Chỉ đạo, UBND cấp tỉnh hoàn thành việc ban hành Kế hoạch triển khai 6 chương trình chuyên đề.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung thành phần, nhất là các chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng Nông thôn mới ở cơ sở.

Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, các Tổ chức phi chính phủ (NGOs), các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung của Chương trình.

 
 
Huy động được gần 22 nghìn tỷ đồng từ trong dân để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1
Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng.

Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn từ tình hình quốc tế và trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Thành phố đạt 12,32%; tổng thu ngân sách đạt trên 109 ngàn tỷ đồng, trong đó: thu nội địa đạt trên 38.000 tỷ đồng. Văn hóa, xã hội có nhiều điểm sáng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới. An sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được quan tâm và ngày càng nâng cao. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm toàn diện trên các mặt.

Trong định hướng phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng nông thông mới được Đảng bộ Thành phố xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực; mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tính đến nay, Thành phố đã có 05/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; còn 02 huyện đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ; 137/137 xã đạt chuẩn nông thông mới, trong đó, 42 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 22 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thực sự làm thay da, đổi thịt cho khu vực nông thôn của Thành phố; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân của nâng cao rõ rệt. Từ đó, khẳng định chủ trương xây dựng nông thôn mới là chủ trương của ý đảng và lòng dân.

 
 
Huy động được gần 22 nghìn tỷ đồng từ trong dân để xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới trung ương tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình.

Đề nghị Văn phòng Điều phối Nông thôn mới cấp tỉnh tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2023. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương được giao; chủ động tham mưu cân đối, bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã); lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án khác để ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các địa bàn khó khăn.

Cần thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ địa phương (huyện, xã) thực hiện xây dựng Nông thôn mới.