Ồ ạt nhảy vào chứng khoán Việt Nam nhưng hiệu suất các ETF ngoại thua xa ETF nội
Hiện có 9 chứng chỉ quỹ ETF đang được giao dịch trên HoSE. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ước đạt 30.228 tỷ đồng tương đương 1,314.27 triệu USD. Các ETF ngoại gồm ETF VNM, FTSE Vietnam có hiệu suất kém hơn so với VN-Index cũng như các ETF nội...
Ngày 4/7/2014 đánh dấu bước khởi đầu cho hoạt động sôi nổi của các Quỹ ETF tại thị trường Việt Nam khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chính thức cấp giấp chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam (VFMVN30) – hiện nay là ETF E1VFVN30 tham chiếu theo chỉ số VN30 Index.
Kể từ thời điểm đó đến nay hoạt động của các Quỹ ETF trong nước nói riêng và thế giới nói chung có xu hướng phát triển và ngày càng thu hút được dòng vốn trong nước cũng như nước ngoài.
Thống kê từ BSC cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay có 9 chứng chỉ quỹ ETF đang được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM với quy mô tăng dần theo thời gian, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ước ghi nhận 30.228 tỷ đồng tương đương 1,314.27 triệu USD trong đó CCQ ETF Diamond có quy mô lớn nhất với quy mô 17.487 tỷ đồng.
Số lượng Quỹ ETF nước ngoài đầu tư vào Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam tuy nhiên đang có xu hướng cải thiện.
Trong năm 2021 chứng kiến sự gia nhập của Quỹ Fubon FTSE đến từ Đài Loan với đánh giá lạc quan về tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam – hơn 1 năm kể từ khi thành lập tổng tài sản Quỹ đã đạt 603.83 triệu USD – quy mô lớn nhất trong 07 quỹ nước ngoài và xếp thứ 2 trong 16 Quỹ ETF đang đầu tư vào thị trường (sau quỹ ETF Diamond).
Trong năm 2022, thị trường Việt Nam đón nhận thêm thông tin về việc niêm yết 2 quỹ mới là ETF Midcap và ETF FinSelect – điều này tiếp tục cho thấy xu hướng tích cực, đa dạng các sản phẩm trên thị trường.
Đánh giá về dòng vốn và hiệu quả các quỹ ETF tại Việt Nam, theo BSC, đối với các ETF trong nước gồm 3 ETF (E1, Diamond, Finlead) với tổng tài sản 28.621 tỷ đồng tương đương 1,244 triệu USD - chiếm 94,7% tổng tài sản của 9 Quỹ ETF nội, có xu hướng rút ròng trong tháng 1, 2, 7, 8 và tăng ròng trong các tháng còn lại.
Kể từ 2020 đến nay, ETF E1 có xu hướng chủ đạo rút ròng trong khi đó Diamond và Finlead liên tục gia tăng quy mô, đặc biệt ETF Diamond luôn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nước ngoài như Thái Lan, Đài Loan…
Đối với các ETF nước ngoài, 3 Quỹ ETF (Fubon, VNM, FTSE Vietnam) với tổng tài sản 1,304 triệu USD chiếm 71,2% tổng tài sản của 7 Quỹ ETF ngoại có xu hướng rút ròng vào cuối năm (từ T08- T11) và tháng 3. Trong đó Fubon FTSE là quỹ hoạt động tích cực nhất khi liên tục gia tăng quy mô kể từ khi hoạt động, ở chiều ngược lại 2 Quỹ có lịch sự hoạt động lâu đời (VNM, FTSE Vietnam) đang có xu hướng giảm ròng trong thời gian gần đây.
Tổng hợp dòng tiền các ETF, 6 Quỹ với tổng tài sản 2,548 triệu USD (chiếm 81,1% tổng tài sản 16 Quỹ ETF đang hoạt động) có xu hướng rút ròng trong 05/12 tháng, xu hướng rút ròng tập trung ở các giai đoạn cuối Quý 1 (từ T02-T03) và cuối Quý 3 (từ T08-T10).
Về hiệu suất, ETF Diamond có hiệu suất tốt nhất trong các ETF còn lại và vượt chỉ số VN-Index trong năm 2021 và năm 2022 đến thời điểm hiện tại, cụ thể Diamond có hiệu suất tốt nhất trong 06 tháng liên tục kể từ T11/2021 đến T04/2022.
ETF Finlead giữ được hiệu suất tốt so với thị trường kể từ T05/2020 đến T05/2021 – thời điểm thị trường tăng điểm tốt và dòng tiền hướng đến các nhóm cổ phiếu lĩnh vực tài chính. Trong khi đó, ETF E1 có hiệu suất giảm dần kể từ năm 2020 đến nay.
ETF ngoại gồm ETF VNM, FTSE Vietnam có hiệu suất kém hơn so với VN-Index cũng như các ETF nội. ETF Fubon FTSE mặc dù mới thành lập tuy nhiên cũng giữ được hiệu suất trung bình so với nhóm đồng thời liên tục gia tăng quy mô – điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn vào sự tăng trưởng của Việt Nam đến từ các nhà đầu tư Đài Loan.