Ô tô, điện thoại Trung Quốc ngập tràn thị trường Nga
Sau khi các nhà sản xuất ô tô toàn cầu rút khỏi thị trường Nga, 3 thương hiệu ô tô Trung Quốc nắm giữ hơn 16% thị phần trong năm 2022, tăng gần ba lần so với năm trước…
Theo Nikkei Asia, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga để phản ứng với cuộc chiến tranh ở Ukraine đã mở ra cơ hội cho các thương hiệu ô tô và đồ điện tử Trung Quốc tăng thị phần tại thị trường Nga.
Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc gồm Chery Automobile, Great Wall Motor và Geely Automobile chiếm tổng cộng 16,5% doanh số xe chở khách và xe thương mại cỡ nhỏ mới tại Nga năm 2022, tăng từ mức 6,3% một năm trước đó.
Trong đó, doanh số tại Nga của Chery tăng 31% lên 53.000 chiếc, còn doanh số của Geely giảm nhẹ 0,7% xuống còn 24.000 chiếc.
Theo truyền thông Nga, thị phần của các thương hiệu ô tô Trung Quốc có thể vượt 25% trong năm nay khi các hãng này được hưởng lợi nhờ việc vẫn duy trì được nguồn cung phụ tùng thuận lợi từ Trung Quốc.
Cũng giống Ấn Độ và nhiều quốc gia khác, Trung Quốc không tham gia áp đặt trừng phạt với Nga cùng với các nước phương Tây. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Moscow tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng quan hệ Nga-Trung "đang phát triển đều đặn và đang đạt được những cột mốc mới".
Theo Tổng Cục Hải quan Trung Quốc, năm 2022, thương mại giữa hai quốc gia tăng 30%, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp đạt mức kỷ lục.
Kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine một năm trước, hầu hết các hãng ô tô nước ngoài đã ngừng sản xuất tại Nga. Nhiều hãng xe lớn như Mercedes-Benz Group và Toyota Motor cho biết sẽ rút khỏi thị trường này. Năm ngoái, doanh số ô tô mới của nước này giảm 59% xuống còn gần 690.000 chiếc. Trong đó, doanh số ô tô của các nhà sản xuất nước ngoài giảm khoảng 80%, mở ra cơ hội cho các hãng xe Trung Quốc và Nga.
Thị phần của nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga, Avtovaz, đã tăng 6 điểm phần trăm lên 27,4%. Tuy nhiên, doanh số của hãng xe Nga LADA giảm 46% do thiếu phụ tùng và nhà máy phải ngừng hoạt động.
Bên cạnh doanh số, sự hiện diện tại Nga của thương hiệu ô tô Trung Quốc ngày càng sâu rộng hơn. Khi hãng xe Renault của Pháp rời khỏi nhà máy tại Moscow năm ngoái, thương hiệu Moskvich - được hồi sinh từ thời Liên Xô - đã tiếp quản nhà máy này và bắt đầu sản xuất từ tháng 11 năm ngoái. Thiết kế các mẫu xe của Moskvich dựa trên thiết kế ô tô của công ty quốc doanh Trung Quốc Anhui Jianghuai Automobile Group. Ngoài ra, nhiều phụ tùng của xe được sản xuất tại Trung Quốc.
Trong khi đó, AvtoVAZ được cho là đang cân nhắc hợp tác với một hãng ô tô Trung Quốc để sản xuất tại nhà máy lắp ráp từng thuộc sở hữu của Nissan Motor tại St. Petersburg. Liên doanh này có thể xuất xưởng khoảng 10.000 ô tô hạng sang mỗi năm.
Xu hướng chiếm lĩnh thị phần của các thương hiệu Trung Quốc cũng diễn ra trong lĩnh vực hàng điện tử tiêu dùng. Theo ước tính của một công ty tư nhân Nga, các thương hiệu điện thoại thông minh Trung Quốc, dẫn đầu là Xiaomi, nắm giữ khoảng 80% thị phần tại Nga trong năm ngoái, tăng từ 45% của năm 2021.
Trước khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra, iPhone là lựa chọn điện thoại thông minh ưa thích của người Nga. Dù Apple đã chính thức rời khỏi Nga để phản ứng với cuộc chiến tranh, người Nga hiện vẫn có thể mua iPhone theo đường xách tay. Tuy nhiên, mức giá cao hơn hẳn so với các thương hiệu khác đã làm xói món thị phần của Apple tại Nga.
Năm 2022, Huawei trở thành thương hiệu máy tính bảng bán chạy thứ hai tại Nga tính theo thị phần, tăng từ vị trí thứ 8 của năm 2021. Trong khi đó, thương hiệu HP của Mỹ rơi từ vị trí số 1 xuống thứ 4.