08:00 06/05/2023

Ô tô dưới 9 chỗ sắp được tự động giãn chu kỳ kiểm định, xử lý ùn tắc đăng kiểm trong 1 tháng

Anh Tú

Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiên cứu cơ chế cho phép xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi được tự động giãn chu kỳ kiểm định, thay vì phải đợi đến chu kỳ tiếp theo và không cần đưa xe đến đơn vị đăng kiểm. Nhờ đó, ùn tắc đăng kiểm được xử lý nhanh gọn khoảng 1 tháng thay vì 6 tháng theo tính toán...

Cục Đăng kiểm Việt Nam kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải đăng kiểm trong vòng 1 tháng thay vì 6 tháng như tình hình hiện nay.
Cục Đăng kiểm Việt Nam kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng quá tải đăng kiểm trong vòng 1 tháng thay vì 6 tháng như tình hình hiện nay.

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về đề xuất áp dụng ngay việc giãn chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT ngày 21/3/2023 đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định mà không phải đưa xe đến kiểm định lại.

XÁC NHẬN GIÃN THỜI HẠN KIỂM ĐỊNH TỰ ĐỘNG BẰNG VĂN BẢN ĐIỆN TỬ

Theo Cục Đăng kiểm, Luật Giao thông đường bộ quy định người lái xe tham gia giao thông phải mang theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.

Việc không có văn bản xác nhận về thời hạn kiểm định lần tới sẽ gây khó khăn cho người lái xe và lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông.

Bên cạnh đó, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới quy định đơn vị đăng kiểm phải thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới theo đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định.

Trong trường hợp này, "các đơn vị đăng kiểm đã thực hiện việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định nhưng theo chu kỳ cũ nên khi áp dụng chu kỳ kiểm định mới vẫn cần có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về đăng kiểm để xác thực hiệu lực của giấy chứng nhận và tem kiểm định", Cục Đăng kiểm cho biết.

Cùng với đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cũng quy định xử phạt người lái xe có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng.

"Việc không có quy định cho phép cơ quan quản lý về đăng kiểm có văn bản xác nhận thời hạn kiểm định lần tới sẽ dẫn đến khó khăn vướng mắc khi thực hiện các quy tắc về xử phạt hành chính", Cục Đăng kiểm đánh giá.

Khi xảy ra sự cố phương tiện nếu không có văn bản xác nhận thời hạn kiểm định lần tới sẽ dẫn đến không xác định được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan theo Bộ luật Hình sự và trách nhiệm bồi thường dân sự, trách nhiệm bồi thường của cơ quan bảo hiểm.

Do đó, Cục Đăng kiểm đề nghị căn cứ thời hạn trên giấy chứng nhận và tem kiểm định đã được cấp, cơ quan quản lý nhà nước về đăng kiểm sẽ có văn bản điện tử xác nhận thời hạn kiểm định lần tới cho xe mà không phải cấp lại tem, giấy chứng nhận kiểm định.

Đồng thời, chủ xe không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại. Việc phải cấp văn bản điện tử đáp ứng đúng theo các quy định hiện hành.

KHÔNG CẦN TỚI 6 THÁNG ĐỂ GIẢM ÙN TẮC

Cũng theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng phương tiện hiện tại đến kỳ kiểm định nhưng chưa được kiểm định khoảng 800.000 xe; số lượng phương tiện phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu xe.

Như vậy, "tổng số lượng phương tiện cần được kiểm định trong 6 tháng khoảng 2,5 triệu xe", Cục Đăng kiểm tính toán.

Trong khi đó, năng lực kiểm định của 241 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền đang hoạt động khoảng 550.000 xe mỗi tháng.

Do đó, để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng, ùn tắc thì theo tính toán phải cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng phương tiện nêu trên,  chưa kể trường hợp phương tiện phải kiểm định lại. Đặc biệt là khu vực Hà Nội và TP.HCM có mật độ phương tiện cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn.

Thực tế cho thấy tình trạng ùn tắc đã và đang diễn ra tại 184 trung tâm đăng kiểm ở 43 tỉnh, thành phố. Nhiều trung tâm đăng kiểm phải đặt lịch hẹn kiểm định cho người dân kéo dài đến hàng tháng, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Việc giãn chu kỳ kiểm định chỉ được thực hiện từ chu kỳ tiếp theo nên hiện nay nhu cầu đăng kiểm vẫn rất lớn, tình trạng ùn tắc ở các trạm đăng kiểm ngày càng trầm trọng.

 

Số lượng ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hằng tháng chiếm khoảng 33-43% tổng số xe đến hạn kiểm định. Đây là nhóm xe cá nhân, về cơ bản cường độ sử dụng không nhiều, được chủ xe luôn quan tâm chăm sóc, bảo dưỡng... Tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất là rất cao, lên tới khoảng 95%.

Do đó, nếu giải pháp cho phép áp dụng ngay việc giãn chu kỳ kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT đối với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải mà không phải đưa xe đến kiểm định lại được thực hiện.

Nhờ đó, thời gian giải quyết được tình trạng ùn tắc có thể giảm xuống còn khoảng hơn 1 tháng tính từ thời điểm áp dụng, thay vì 6 tháng như tình hình hiện nay.

Từ đó, Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản đề xuất Thủ tướng cho phép ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT theo trình tự, thủ tục rút gọn để thực hiện việc giãn chu kỳ kiểm định cho nhóm xe thuộc diện được giãn chu kỳ kiểm định theo Thông tư 02/2023/TT-BGTVT.

 

Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT quy định kéo dài chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới. Cụ thể, đối với ôtô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng. Thời gian sản xuất đến 7 năm có chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng.