14:33 03/09/2008

Obama và McCain: Ai có lợi hơn cho kinh tế Mỹ?

Kiều Oanh

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Barack Obama và John McCain có nhiều điểm khác biệt lớn trong chính sách kinh tế

Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ luôn có chính sách kinh tế khác biệt.
Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ luôn có chính sách kinh tế khác biệt.
Trong cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng, giữa hai ứng cử viên Barack Obama của đảng Dân chủ và John McCain của đảng Cộng hòa có nhiều điểm khác biệt lớn trong chính sách kinh tế.

Ông McCain muốn cắt giảm thuế thêm cho người giàu, trong khi ông Obama muốn cắt giảm thuế cho tầng lớp nghèo và trung lưu. Hai ông còn bất đồng trong các vấn đề chăm sóc sức khỏe, năng lượng…

Tuy nhiên, với người Mỹ, những khác biệt này không hề làm họ ngạc nhiên. Đảng Dân chủ và Cộng hòa từ trước tới nay luôn có những chính sách kinh tế khác nhau.

Sự thật thứ nhất...

Nhiều người Mỹ biết rằng, có những khác biệt chính sách dường như đã trở thành “tính cách” của hai đảng này. Tuy nhiên, không mấy ai có thể nhận ra được hai sự thật quan trọng về thời kỳ sau Thế chiến 2. Trong cuốn sách “Unequal Democracy” (tạm dịch “Dân chủ bất bình đẳng”) của GS. Khoa học chính trị Larry M. Bartels thuộc Đại học Princeton (Mỹ), hai vấn đề này đã được phản ánh khá rõ.

Hiểu được những vấn đề này sẽ giúp các cử tri Mỹ biết nên bỏ phiếu cho ai để được lợi cho họ về mặt kinh tế trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Sự thật thứ nhất là, bình quân, kinh tế Mỹ dưới sự lãnh đạo của các tổng thống đảng Dân chủ tăng trưởng nhanh hơn dưới sự lãnh đạo của các tổng thống dưới thời đảng Cộng hòa.

Điều này được phản ánh rõ nét nhất qua sự so sánh giữa nhiệm kỳ của ông Clinton cách đây chưa lâu và nhiệm kỳ của ông Bush hiện nay. Những gì diễn ra trong khoảng thời dài hơn càng minh chứng nhận định này thêm rõ nét.

Trong thời kỳ từ năm 1948 tới năm 2007, trong đó đảng Cộng hòa cầm quyền 34 năm và đảng Dân chủ cầm quyền 26 năm, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc gia (GNP) thực tế đầu người hàng năm bình quân dưới thời các tổng thống của đảng Cộng hòa là 1,64%, so với mức 2,78% dưới thời các tổng thống của đảng Dân chủ.

Khoảng cách 1,14% này, nếu được duy trì trong vòng 8 năm, sẽ tạo ra mức tăng 9,33% trong thu nhập cá nhân, nhiều hơn bất kỳ một đợt cắt giảm thuế nào mà một tổng thống Mỹ có thể đem lại.

Sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế nói trên dưới sự lãnh đạo của hai đảng khiến không ít người phải ngạc nhiên, vì thường thì các tổng thống Mỹ có ít công cụ để tác động trực tiếp tới nền kinh tế. Giới quan sát vẫn thường bàn tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và vấn đề giá dầu thô, coi đây là hai nguồn ảnh hưởng chính tới nền kinh tế lớn nhất thế giới, có tác động mạnh hơn nhiều so với chính sách tài khóa của tổng thống.

...và sự thật thứ hai

Sự thật thứ hai là vấn đề bất bình đẳng thu nhập của người Mỹ dưới sự lãnh đạo của hai đảng.

Trong 30 năm trở lại đây, khoảng cách thu nhập ở Mỹ liên tục tăng, tác động xấu tới tâm lý của người dân nước này. Tuy nhiên, qua phân tích số liệu, GS. Bartels cho thấy, trong 60 năm qua, bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ có xu hướng tăng mạnh dưới thời các tổng thống đảng Cộng hòa và giảm nhẹ dưới thời các tổng thống đảng Dân chủ.

Do đó, việc đảng Cộng hòa thắng cử 5 lần trong số 7 cuộc bầu cử từ năm 1980 trở lại đây đúng là một tin xấu đối với người nghèo ở Mỹ!

Để có một cái nhìn toàn cảnh hơn về tăng trưởng thu nhập của người Mỹ từ sau Thế chiến 2 tới nay, GS. Bartels đã đưa ra 5 mức thang thu nhập. Mức thang 20 là mức thang ở đó mà 20% số hộ gia đình có thu nhập ít hơn mức này và 80% số hộ gia đình có thu nhập cao hơn. Đây là mức thang chia giữa người nghèo và người không nghèo.

Tương tự, mức thang 40 là mức thu nhập mà ở dó 40% số hộ gia đình có thu nhập nhiều hơn và 60% số hộ gia đình có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó là các mức thang 60, 80 và 95. Mức thang 95 là mức thang chia giữa người không giàu và người giàu.

Ông McCain vẫn cho rằng, một hộ gia đình được coi là giàu ở Mỹ có thu nhập ít nhất 5 triệu USD/năm, nhưng theo tính toán của GS. Bartels, con số này chỉ là 180.000 USD/năm!

Dưới thời đảng Dân chủ cầm quyền, các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn đạt tốc độ tăng trưởng thu nhập cao hơn đôi chút so với các hộ gia đình có thu nhập cao hơn, khiến khoảng cách thu nhập co lại. Trong khi đó, dưới thời đảng Cộng hòa, các hộ gia đình có thu nhập cao hơn lại có tốc độ tăng trưởng thu nhập cao hơn, khiến khoảng cách thu nhập rộng ra.

Theo tính toán của GS. Bartels, những hộ gia đình trên mức thang thu nhập cao nhất (95) được lợi ít hơn từ kết quả bầu cử tổng thống, vì họ đạt mức tăng trưởng thu nhập tương tự dưới thời của đảng Cộng hòa (1,9%) tương tự dưới thời đảng Dân chủ (2,12%). Tuy nhiên, những hộ gia đình ở mức thang thu nhập thấp nhất (20) lại chịu tác động nhiều từ kết quả bầu cử.

Dưới thời các vị tổng thống của đảng Cộng hòa, nhóm này chỉ đạt tăng trưởng thu nhập 0,43%, so với mức 2,64% dưới thời các tổng thống đảng Dân chủ. Trong 8 năm, mức tăng trưởng thu nhập hàng năm 0,43% sẽ giúp thu nhập của một hộ gia đình tăng thêm 3,5%, nhưng với mức tăng trưởng 2,64%, thu nhập của một hộ gia đình tăng 23,2%.

Nguồn gốc của những khác biệt trên là một câu chuyện khá phức tạp. Chẳng hạn, ở đầu giai đoạn được nghiên cứu, trước nhiệm kỳ Tổng thống Reagan của đảng Cộng hòa, tăng trưởng kinh tế là lý do chính dẫn tới tăng khoảng cách thu nhập. Đó là vì, người nghèo thường có mức tăng trưởng thu nhập cao hơn trong một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, bắt đầu nhiệm kỳ của Reagan, sự khác biệt tăng trưởng đóng vai trò ít đi, trong khi chính sách thuế chiếm một vai trò lớn hơn. Như mọi người vẫn biết, đảng Cộng hòa thường ưu tiên cắt giảm thuế mạnh tay cho tầng lớp thu nhập cao, trong khi đảng Dân chủ phản đối chính sách này. Ngoài ra, đảng Dân chủ có xu hướng tăng lương tối thiểu, trong khi đảng Cộng hòa luôn giữ thái độ thận trọng với các tổ chức công đoàn.

Thực tế nói trên cho thấy, nếu những gì sắp tới diễn ra sẽ giống như lịch sử, chiến thắng của ông Obama vào tháng 11 này có thể sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn, và bất bình đẳng thu nhập giảm xuống, còn chiến thắng của ông McCain sẽ đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế chậm hơn và bất bình đẳng gia tăng.

(Theo New York Times)