16:30 05/06/2008

Obama và McCain: Những khác biệt trong chính sách kinh tế

Kiều Oanh

Có rất nhiều điểm khác biệt trong chính sách kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ McCain và Obama

Ông John McCain (trái) và ông Obama.
Ông John McCain (trái) và ông Obama.
Với việc đối thủ Hillary Clinton tuyên bố từ bỏ cuộc đua giành vị trí ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, ông Barack Obama đã chính thức trở thành đại diện của đảng này trong cuộc bầu cử cho chiếc ghế ông chủ thứ 43 của Nhà Trắng.

Điều mà nhiều cử tri Mỹ băn khoăn lúc này là chính sách kinh tế của ông Obama, và đối thủ của ông bên phía đảng Cộng hòa - ông John McCain - sẽ có những điểm giống và khác nhau như thế nào.

Trong nhiều tháng qua, giữa bối cảnh kinh tế Mỹ ngấp nghé bờ vực suy thoái, trong chiến dịch tranh cử giành vị trí đề cử của đảng Dân chủ, bà Clinton và ông Obama không có nhiều khác biệt trong chính sách kinh tế. Tuy nhiên, đây không phải là điều đúng đối với hai đối thủ Obama và John McCain.

Giữa hai ứng cử viên này có quá nhiều điểm khác biệt trong chính sách thuế, y tế, phúc lợi xã hội và những vấn đề kinh tế chủ chốt khác mà vị tổng thống Mỹ tiếp theo phải giải quyết. Khác biệt căn bản giữa họ bao gồm quan điểm về chính sách thuế cũng như vai trò của Chính phủ và thị trường trong việc đạt được những mục tiêu kinh tế và xã hội của nước Mỹ.

Vấn đề thuế

Ông McCain chủ trương sẽ duy trì các chương trình cắt giảm thuế của năm 2001 và 2003, đồng thời giảm thuế doanh nghiệp. Ngoài ra, ông sẽ loại bỏ thuế lựa chọn tối thiểu (Alternative Minimum Tax) và đưa ra một bộ điều lệ thuế thu nhập tùy chọn với hai thuế suất, đơn giản hơn luật hiện hành. Theo đó, người nộp thuế có thể lựa chọn giữa hai bộ điều lệ thuế này để áp dụng.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, chính sách này sẽ tạo điều kiện dễ dàng gấp đôi cho các đối tượng nộp thuế trong việc xác định nghĩa vụ thuế của họ. Tuy nhiên, một khi điều lệ thuế mới đã hấp dẫn hơn so với bộ điều lệ cũ, có thể hủy bỏ điều lệ cũ.

Về phần mình, ông Obama hứa sẽ duy trì việc cắt giảm thuế cho mọi đối tượng, trừ những ai có thu nhập từ 250.000 USD trở lên. Ông cũng hứa sẽ cắt giảm thuế thêm cho tầng lớp trung lưu. Giới quan sát cho rằng, ông sẽ tập trung hơn vào việc phân bổ lại gánh nặng thuế.

Vấn đề an sinh xã hội

Để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách an sinh xã hội dài hạn, ứng cử viên McCain cho biết, ông thiên về chủ trương cắt giảm phúc lợi thay vì tăng thuế.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, điều này cần được sự đồng thuận giữa hai đảng. Ông cũng ủng hộ việc sử dụng tài khoản đầu tư cá nhân như một cách để gia tăng các lợi ích an sinh xã hội. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông cho thấy, ông không còn ủng hộ việc chuyển thuế lương từ quỹ an sinh xã hội sang cho những tài khoản này.

Về phần mình, ông Obama cho biết, ông phản đối việc sử dụng các tài khoản đầu tư cá nhân và cũng không ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu hay cắt giảm phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, ông kêu gọi việc gia tăng thuế lương mà đối tượng hưởng lương cao phải trả. Vấn đề mà ông chưa làm rõ là liệu lợi ích an sinh xã hội của những người này có tăng lên hay không khi mà họ phải trả thuế nhiều hơn.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe

Đối với vấn đề cải thiện lĩnh vực y tế, ông McCain chủ trương dựa vào các nỗ lực cá nhân và các lực lượng thị trường để cắt giảm chi phí trong ngành này. Còn ông Obama lại muốn dựa vào hành động của Chính phủ và đề xuất việc thiết lập hệ thống bảo hiểm sức khỏe bắt buộc dành cho các công ty và cá nhân. Kế hoạch của ông McCain là không bắt buộc ai cũng phải có bảo hiểm, nhưng ông sẽ điều chỉnh các ưu đãi thuế cho những ai thực hiện bảo hiểm.

Hiện tại, phần lớn người Mỹ được nhận bảo hiểm thông qua chủ sử dụng lao động. Công ty trả 70% - 85% phí bảo hiểm và người lao động không phải trả thuế thu nhập cho khoản này. Tuy nhiên, theo kế hoạch của ông Obama, người lao động sẽ phải trả thuế cho khoản này, nhưng đồng thời, họ cũng sẽ nhận được mức tín dụng thuế trị giá 5.000 USD cho cả gia đình và 2.500 USD cho cá nhân. Ông cũng đề xuất kế hoạch một cơ quan sử dụng quỹ liên bang để trợ cấp bảo hiểm cho những người Mỹ có thu nhập thấp.

Chính sách của ông Obama là sẽ quy định bảo hiểm bắt buộc cho trẻ em và thành lập một sàn giao dịch bảo hiểm dành cho các kế hoạch bảo hiểm của lĩnh vực công và tư dành cho các đối tượng không được bảo hiểm, những người không đủ tiêu chuẩn cho các chương trình bảo hiểm công cộng và các doanh nghiệp nhỏ.

Ông dự kiến sẽ duy trì chính sách không đánh thuế vào tiền bảo hiểm sức khỏe mà người lao động được hưởng. Nhưng ông sẽ thiết lập một chương trình trợ cấp liên bang dành cho những người không đủ tiêu chuẩn cho các kế hoạch bảo hiểm của chính phủ.

Trợ giúp người sở hữu nhà

Làn sóng tịch biên nhà đang tiếp tục dâng cao tại Mỹ do nhiều người vay tiền mua nhà mà không trả được nợ. Về vấn đề này, ông Obama và McCain đều ủng hộ ý tưởng trong đó Cơ quan Nhà đất Liên bang (FHA) hỗ trợ các khoản vay mà các tổ chức cho vay đã giảm xuống mức hợp lý hơn cho người vay.

Tuy nhiên, ông Obama ủng hộ việc yêu cầu người vay tiền phải chia sẻ số tiền bán nhà với FHA nếu họ bán được nhà hoặc có đủ tiền để giữ lại nhà. Còn theo kế hoạch của ông McCain, nếu người vay tiền bán được nhà với mức giá có lãi, tổ chức cho vay và Chính phủ Liên bang sẽ nhận được một phần trong số tiền đó.

Ngoài sự trợ giúp của FHA, ông Obama kêu gọi thành lập một quỹ chống tịch biên để giúp người vay tiền mua nhà điều chỉnh khoản nợ nhằm tránh tịch biên hoặc phá sản. Ông McCain thì đề xuất thành lập một cơ quan thuộc Bộ Tư pháp nhằm điều tra các loại tội phạm có liên quan đến vay tín chấp.

Vấn đề giá nhiên liệu

Trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ liên tiếp lập kỷ lục, ông McCain ủng hộ việc có một thời kỳ tránh đánh thuế xăng trong mùa hè. Số tiền để bù đắp cho chương trình này sẽ lấy từ Quỹ Ủy thác xa lộ.

Ông Obama phản đối kế hoạch này vì cho rằng một kế hoạch như vậy không đủ để giúp người tiêu thụ xăng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, mà cũng không thể giúp hạ giá xăng xuống. Để hạn chế đà leo thang của giá dầu, ông McCain kêu gọi Chính phủ ngừng mua dầu vào cho dự trữ xăng dầu chiến lược của nước này.

Cả hai ứng cử viên cùng kêu gọi việc giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu và giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do các phương tiện sử dụng xăng dầu thải ra. Ông Obama đề xuất đầu tư 150 tỷ USD cho thời gian 10 năm tới để thúc đẩy chương trình năng lượng thay thế và bảo vệ môi trường.

Vấn đề ngân sách chính phủ

Ông McCain chủ trương cắt giảm chi tiêu của Chính phủ. Ông kêu gọi dừng các khoản chi tiêu tùy ý trong vòng một năm để đánh giá xem chương trình nào nên được giữ lại, chương trình nào nên bị cắt giảm. Ông cũng sẽ đề nghị Quốc hội cắt giảm các khoản phân bổ ngân sách.

Ông Obama cũng muốn khôi phục lại kỷ luật trong chi tiêu ngân sách bằng cách cắt giảm phân bổ ngân sách tới mức thấp hơn năm 2001 và tái áp dụng quy định cân bằng ngân sách. Theo đó, các nhà làm luật Mỹ có thể sẽ không thông qua bất kỳ việc cắt giảm thuế hoặc tăng chi tiêu nào nếu các khoản này không được bù đắp bằng việc cắt giảm các chương trình khác hoặc huy động được một số tiền tương tự.

(Theo CNN)