14:34 07/06/2024

Olympic Paris 2024 và mục tiêu tham vọng hạn chế lượng khí thải

Tường Bách

Trong thời gian diễn ra Olympic Paris và Paralympic dành cho người khuyết tật từ ngày 26/7 đến ngày 26/11, các nhà tổ chức đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là hạn chế lượng khí thải ở mức 1,58 triệu tấn CO2…

Ảnh: France24
Ảnh: France24

Mục tiêu tổ chức Thế vận hội ít lãng phí hơn và giảm phát thải là chìa khóa để mang đến sức hấp dẫn của điểm đến. Paris từng đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015 với kết quả là sự ra đời "Thỏa thuận Paris" - hiệp định khí hậu quốc tế quan trọng nhất cho đến nay.

Giữ đúng lời hứa với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Ban tổ chức Olympic Paris 2024 tận dụng tối đa những công trình sẵn có phục vụ việc tranh tài tại Olympic hè này. Một trung tâm thể thao dưới nước ở rìa đường cao tốc thuộc ngoại ô phía Bắc Saint-Denis đã được cải tạo. Mái nhà rộng 5.000m2 của nó cong như một làn sóng. Các kiến trúc sư đã thiết kế theo cách đó nhằm thu nhỏ kích thước của tòa nhà, giảm năng lượng cần thiết để sưởi ấm không gian.

Theo Bloomberg, tại Olympic Paris 2024, sân khúc côn cầu cải tiến Poligras Paris GT zero sẽ trở thành sân thi đấu không carbon đầu tiên trên thế giới. Sân thi đấu cải tiến này được làm từ 80% mía và được sản xuất bằng điện xanh. Quá trình sản xuất tập trung vào lượng khí thải thấp và hiệu quả sử dụng năng lượng, đảm bảo vòng đời của cỏ - từ sản xuất đến thải bỏ - đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cao nhất. Sân cũng được thiết kế để tiết kiệm nước, đặc biệt phù hợp khi thế giới đang vật lộn với vấn đề khan hiếm nước.

Olympic Paris 2024 sử dụng sân khúc côn cầu trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới.
Olympic Paris 2024 sử dụng sân khúc côn cầu trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới.

Tương tự, bể bơi chỉ sâu 5m ở những nơi cần thiết để có độ sâu lớn hơn cho việc lặn và nông hơn ở những nơi không cần thiết. Điều đó cũng giúp tiết kiệm nước và năng lượng cần thiết để làm ấm nước. Một phần nhiệt lượng đó sẽ đến từ trung tâm dữ liệu gần đó. 5.000 chỗ ngồi của địa điểm thi đấu được làm từ nhựa tái chế.

Các chuyên gia cũng cho biết thủ đô Paris đang nỗ lực giảm thiểu khí thải carbon hiệu quả nhất có thể trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Mục tiêu cắt giảm khí thải CO2 phát triển theo 3 hạng mục: xây dựng, vận tải và vận hành. Bước đột phá lớn nhất trong việc cắt giảm CO2 so với Thế vận hội trước là ở lĩnh vực xây dựng. Trong số 95% cơ sở vật chất có sẵn, chỉ có 2 công trình buộc phải xây mới là trung tâm thể thao dưới nước ở ngoại ô Paris và làng Olympic

Một nỗ lực giảm khí thải đáng chú ý là quyết định từ bỏ điều hòa không khí thông thường tại Làng vận động viên, đã làm dấy lên lo ngại. Thay vào đó, các tòa nhà sẽ dựa vào hệ thống làm mát sử dụng nước lấy từ lòng đất. Các tòa nhà được xây mới phục vụ Olympic Paris 2024 sẽ được thiết kế để người dân địa phương sử dụng trong nhiều thập niên tới và theo Ban tổ chức Thế vận hội Paris 2024, chúng sẽ mang lại sức sống mới cho các vùng ngoại ô của thành phố. Để làm mát khuôn viên Làng vận động viên, 9.000 cây xanh đã được trồng, bao gồm các giống cây địa phương, chủ yếu là sồi để có thể tồn tại lâu dài trong tương lai.

Theo France24, việc sử dụng gỗ, xi măng ít carbon và vật liệu tận dụng đã giúp giảm 30% lượng khí thải so với các phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Olympic Paris 2024 dự định sử dụng 100% năng lượng tái tạo từ các trang trại gió và mặt trời, cùng với các tấm pin mặt trời ở một số địa điểm. Các sân vận động và địa điểm tạm thời sẽ lấy điện từ lưới điện thay vì máy phát điện diesel, vốn thải ra nhiều CO2.

Để làm mát khuôn viên Làng vận động viên, 9.000 cây xanh đã được trồng.
Để làm mát khuôn viên Làng vận động viên, 9.000 cây xanh đã được trồng.

Bên cạnh đó, ông Philipp Würz, người phụ trách về dịch vụ ăn uống của Thế vận hội Paris 2024 cũng khẳng định họ đã tìm nguồn cung ứng thực phẩm với 80% nguyên liệu tại địa phương, cắt giảm khí thải giao thông và cung cấp 60% thực phẩm có nguồn gốc thực vật. "Thực phẩm được sản xuất tại địa phương và hỗ trợ nông dân là những điều tuyệt vời nhất được làm ở Thế vận hội Paris 2024", vận động viên quần vợt Victoria Azarenka nói.

Trước đó, một nhà máy điện đã được chuyển đổi thành phòng ăn dài 213 mét tại trung tâm Làng Olympic. Đây sẽ là nơi phục vụ khoảng 45.000 bữa ăn cho các vận động viên mỗi ngày. Charles Guilloy, một trong những đầu bếp phụ trách bữa ăn cho VĐV Olympics 2024, và Stéphane Chicheri - một đầu bếp khác đang lên kế hoạch cho một thực đơn tốt cho sức khoẻ, an toàn và bền vững hơn đối với môi trường. Có khoảng 500 món ăn khác nhau sẽ được phục vụ, bao gồm cà tím nướng, bánh kẹp Shawarma chay, xúc xích chay, Falafel củ cải đường, ngũ cốc diêm mạch...

"Món gan ngỗng không được phục vụ vì sức khoẻ động vật là mối quan tâm hàng đầu của con người. Chúng tôi cũng sẽ không có bơ vì chúng được nhập khẩu từ một nơi rất xa, tiêu thụ nhiều nước", bếp trưởng Guilloy chia sẻ. Uỷ ban Olympic Pháp cũng đã ra lệnh cấm các đồ dùng và bát đũa sử dụng một lần nhằm nỗ lực tạo ra một môi trường không rác thải.

Giảm lượng khí thải liên quan đến giao thông được cho là thách thức lớn nhất của chính quyền thủ đô Paris. Các quan chức du lịch dự kiến sẽ đón 15,3 triệu du khách đến tham dự Olympic và Paralympic, trong đó có 1,9 triệu du khách đến từ các nước khác với khoảng 850.000 người tham gia các chuyến bay đường dài.

Trong thành phố, Paris đã hạn chế không gian cho ô tô và dành thêm không gian cho xe đạp.
Trong thành phố, Paris đã hạn chế không gian cho ô tô và dành thêm không gian cho xe đạp.

Các nhà tài trợ cho Thế vận hội Paris 2024 như hãng hàng không Air France, hãng tàu CMA CGM Group và gã khổng lồ kim loại ArcelorMittal là những công ty dẫn đầu trong các ngành sử dụng nhiều carbon. Trong thành phố, Paris đã hạn chế không gian cho ô tô và dành thêm không gian cho xe đạp. Lãnh đạo Paris khuyến khích người dân nghỉ hè dài ngày, thậm chí đang kêu gọi người dân không đi tàu điện ngầm hoặc làm việc tại nhà khi Olympic Paris 2024 diễn ra.

Riêng đối với lượng khí thải không thể cắt giảm, chính quyền thủ đô Paris cũng có kế hoạch đền bù bằng cách trồng cây hoặc mua “tín chỉ carbon” để giúp tài trợ cho các dự án giảm khí thải trên toàn thế giới. "Chúng tôi muốn nói rằng tính bền vững luôn là mục tiêu đầu tiên tại Olympic Paris 2024. Chúng tôi vẫn đang làm việc rất chăm chỉ để tiến xa nhất có thể", Giám đốc môi trường tại Thế vận hội Paris Grenon nhấn mạnh.