Ông Biden mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu, diễn ra từ ngày 22 - 23/4 theo hình thức trực tuyến.
Thượng đỉnh sẽ do Tổng thống Mỹ Biden chủ trì với sự tham dự của 40 nguyên thủ quốc gia với mục tiêu đạt được các thỏa thuận về khí thải nhà kính.
Tại sự kiện, Mỹ dự kiến công bố mục tiêu mới về giảm khí thải carbon và kêu gọi hợp tác quốc tế nhằm chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. Thời gian gần đây, ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của ông Biden, đã gặp gỡ với quan chức Trung Quốc cũng như một số nước khác để kêu gọi sự ủng hộ cho thượng đỉnh này.
Theo CNBC, Hội nghị thượng đỉnh này là cơ hội để Mỹ tái gia nhập các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sau khi chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump rút nước này khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như dỡ bỏ các quy định về môi trường. Hiện tại, Mỹ là quốc gia có khí thải carbon lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Thời gian gần đây, các tổ chức hoạt động môi trường và doanh nghiệp thúc giục chính quyền của ông Biden đặt mục tiêu giảm phát thải ít nhất 50% vào năm 2030, tăng gấp đôi so với cam kết trước đó của Mỹ và giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama trước đó đã đặt mục tiêu giảm 26-28% khí thải so với mức năm 2005 vào năm 2025. Nhưng chính quyền của ông Trump sau đó đã dừng toàn bộ nỗ lực toàn liên bang để đạt được mục tiêu này. Ông Trump đồng thời cũng rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris và thực thi hàng loạt chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Giờ đây, kế hoạch về khí hậu của chính quyền Biden sẽ gồm bao gồm một gói hạ tầng lớn đầu tư vào việc chuyển đổi năng lượng sạch. Đây là một trong những nỗ lực liên bang lớn nhất trong lịch sử Mỹ nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính với ngân sách chủ yếu đến từ việc tăng thuế doanh nghiệp.
Ông Biden cũng đã cam kết đưa ra quy định mới đối với các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch và ban hành pháp lệnh đảo ngược các chính sách khí hậu của ông Trump trong các vấn đề như nước sạch, không khí, hóa chất và bảo vệ đất đai, động vật hoang dã.
Tuy vậy, mục tiêu cắt giảm 50% khí thải của Mỹ được đánh giá là vẫn thấp hơn so với cam kết của Anh và Liên minh châu Âu với mục tiêu lần lượt là giảm 68% và 55% vào năm 2030.