Ông Putin cảnh báo về “sự hỗn loạn” toàn cầu nếu Syria lại bị tấn công
Trong khi đó, Mỹ chuẩn bị gia tăng sức ép với Nga bằng cách tung thêm lệnh trừng phạt mới
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/4 cảnh báo một đợt tấn công nữa của phương Tây vào Syria sẽ dẫn tới "sự hỗn loạn" trong quan hệ quốc tế. Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh Washington chuẩn bị gia tăng sức ép với Moscow bằng cách tung thêm lệnh trừng phạt mới.
Hãng tin Reuters dẫn một tuyên bố của điện Kremlin cho biết, trong một cuộc điện đàm giữa nhà lãnh đạo Nga với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, hai bên nhất trí rằng cuộc tấn công của phương Tây vào hôm thứ Bảy nhằm vào Syria đã phá hỏng cơ hội đến một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm ở Syria.
Lệnh trừng phạt mới của Mỹ
"Đặc biệt, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng nếu những hành động vi phạm hiến chương của Liên hiệp quốc còn tiếp diễn, thì điều đó chắc chắn sẽ dẫn tới sự hỗn loạn trong quan hệ quốc tế", tuyên bố có đoạn viết.
Trong khi đó, đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nói với đài CBS rằng Washington sẽ công bố lệnh trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga vào ngày thứ Hai. Theo bà Haley, đợt trừng phạt này sẽ nhằm vào các công ty "có giao dịch các trang thiết bị" liên quan đến vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học mà phương Tây cho là quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad gây ra.
Hôm thứ Bảy, lực lượng Mỹ, Anh và Pháp đã phối hợp tấn công, phóng 105 quả tên lửa nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Lầu Năm Góc nói mục tiêu của cuộc tấn công là 3 cơ sở vũ khí hóa học ở Syria nhằm trả đũa vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Douma, Syria hôm 7/4.
Phương Tây cho rằng lực lượng của ông Assad đã gây ra vụ tấn công nhằm vào thị trấn do lực lượng nổi dậy kiểm soát này, khiến hàng chục người thiệt mạng. Chính phủ Syria và đồng minh thân cận là Nga phủ nhận có sự dính líu đến bất kỳ vụ tấn công nào như vậy.
Cuộc tấn công vào ngày thứ Bảy nhằm vào Syria đánh dấu sự can thiệp mạnh tay nhất từ trước đến nay của phương Tây chống lại Tổng thống Assad tại Syria.
Ngày Chủ nhật, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông đã thuyết phục ông Trump duy trì lực lượng của Mỹ ở Syria "trong dài hạn". Trước đây ông Trump từng tuyên bố muốn rút quân Mỹ khỏi Syria.
Mỹ, Pháp và Anh đều nói cuộc không kích hôm thứ Bảy chỉ giới hạn mục tiêu là các cơ sở vũ khí hóa học của Syria và không nhằm lật đổ ông Assad hay can thiệp vào cuộc nội chiến ở nước này. Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Macron nói ông đã thuyết phục ông Trump chỉ tập trung nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học của Syria.
Đáp trả tuyên bố của đại sứ Haley về kế hoạch trừng phạt mới nhằm vào Nga, ông Evgeny Serebrennikov, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng thuộc Thượng viện Nga, nói rằng Moscow đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trả đũa.
"Việc này thật khó khăn đối với chúng tôi, nhưng sẽ gây thêm thiệt hại cho Mỹ và châu Âu", hãng thông tấn Nga Ria Novosti dẫn lời ông Serebrennikov.
"Nhiệm vụ đã hoàn thành"
Tại Damascus, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Syria, ông Faisal Mekdad, đã có cuộc gặp kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ với cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu OPCW. Cuộc gặp có sự hiện diện của các sỹ quan Nga và một quan chức an ninh cấp cao của Syria.
Các thanh tra của OPCW đang tìm cách tiếp cận hiện trường vụ tấn công nghi dùng vũ khí hóa học ở Douma. Moscow đã chỉ trích phương Tây không chờ cho tới khi OPCW đưa ra kết luận đã vội tấn công Syria.
Theo các hãng thông tấn Nga, phát biểu trước một nhóm nghị sỹ Nga đang thăm Syria, Tổng thống Assad nói cuộc không kích của phương Tây là một hành động gây hấn. Truyền thông Nga dẫn lời các nghị sỹ cho biết ông Assad đang ở trong một "tâm trạng tốt", đánh giá cao hệ thống phòng không thời Liên Xô mà Syria sử dụng để chặn tên lửa của phương Tây trong cuộc tấn công, và đã nhận lời thăm Nga vào một thời điểm chưa được công bố cụ thể.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter sau khi diễn ra cuộc tấn công Syria, ông Trump tuyên bố "nhiệm vụ đã hoàn thành". Tuy nhiên, trung tướng Kenneth McKenzie của Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận kế hoạch tấn công mà Mỹ vạch ra trước đó vẫn còn một số yếu tố chưa được thực hiện. Ông McKenzie cũng không thể đảm bảo được rằng Syria đã mất khả năng thực hiện một vụ tấn công hóa học trong tương lai.
Mỹ, Pháp và Anh hiện đang có một dự thảo nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhằm mở một cuộc điều tra độc lập để xác định xem ai là người chịu trách nhiệm cho các cuộc tấn công hóa học ở Syria. Một cuộc điều tra như vậy sẽ xem xét các vụ tấn công mà OPCW kết luận là vũ khí hóa học đã được sử dụng hoặc có thể đã được sử dụng.
Các nhà ngoại giao cho biết các cuộc thảo luận về dự thảo nghị quyết này sẽ bắt đầu vào ngày thứ Hai, nhưng hiện chưa rõ liệu Mỹ, Anh và Pháp có muốn đưa dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu hay không.