Ông Putin thừa nhận khó khăn mà kinh tế Nga đang phải đối mặt
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/3 tuyên bố rằng nước này đã trụ vững được trong “cuộc chiến tranh kinh tế chớp nhoáng” khi phương Tây áp một loạt biện pháp trừng phạt khắc nghiệt lên nước này vì cuộc chiến Nga-Ukraine...
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát tăng lên trong quá trình điều chỉnh để thích nghi với thực tế mới.
“Tình hình mới sẽ đòi hỏi phải có những thay đổi sâu sắc mang tính cơ cấu trong nền kinh tế của chúng ta. Và tôi cũng chẳng giấu diếm gì, những thay đổi đó sẽ không dễ dàng”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Putin phát biểu trong một cuộc họp chính phủ trực tuyến. “Tình hình hiện nay sẽ dẫn đến sự gia tăng tạm thời của lạm phát và thất nghiệp”.
Tại cuộc họp, người đứng đầu điện Kremlin yêu cầu tăng phúc lợi xã hội, bao gồm tăng lương hưu và lương công chức nhà nước, thừa nhận rằng “giá cả leo thang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người dân”. Ông nói Chính phủ có đủ ngân quỹ để trang trải những chi phí này mà không cần phải in tiền, nhưng không cho biết cụ thể hơn.
“Tôi hiểu rằng giá cả tăng lên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người dân. Do đó, trước mắt, chúng tôi quyết định tăng tất cả phúc lợi xã hội”, ông Putin phát biểu.
Ông Putin cũng yêu cầu hỗ trợ nền kinh tế Nga trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt quyết liệt của phương Tây khiến Ngân hàng Trung ương nước này (CBR) phải nâng lãi suất gấp đôi lên 20% để hãm đà lao dốc của đồng Rúp. Ngoài đồng nội tệ mất giá mạnh, Nga còn đang đối mặt với làn sóng ra đi của các công ty nước ngoài kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào hôm 24/2.
Nhà lãnh đạo Nga nói “nhiệm vụ quan trọng nhất” của Chính phủ vào lúc này làm đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hoá tiêu dùng, đặc biệt là thuốc men, để hạn chế đà tăng giá. Tiêu dùng của người Nga đã tăng thêm 1 nghìn tỷ Rúp, tương đương tăng 9,7 tỷ USD, trong thời gian kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vì người dân Nga đổ xô đi mua hàng hoá tích trữ - ông Putin cho biết.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga bác bỏ khả năng điều tiết giá cả bằng biện pháp “cơ học”, thay vào đó nói rằng các cơ quan hữu quan cần tăng ngưồn cung cho thị trường trong nước bằng cách điều chuyển hàng hoá sản xuất cho xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa.
Giới phân tích phương Tây cho rằng những biện pháp mà ông Putin công bố trong cuộc họp này là một dấu hiệu ban đầu cho thấy nền kinh tế Nga bắt đầu “ngấm đòn” trừng phạt của phương Tây.
Dù vậy, ông Putin khẳng định trong dài hạn, nền kinh tế Nga sẽ hưởng lợi vì qua giai đoạn này, Nga sẽ càng trở nên độc lập hơn với phương Tây. Ông nhấn mạnh rằng phương Tây vẫn sẽ áp trừng phạt lên Nga cho dù Nga có tấn công Ukraine hay không, cho rằng các nước phương Tây luôn có kế hoạch kìm hãm sự phát triển của Nga.
Ông cũng không quên chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vì cho rằng Nga vỡ nợ. Ông nói dự trữ ngoại hối của Nga đã “bị đánh cắp”.