Ông Tập Cận Bình: Chiến tranh thương mại “rốt cục sẽ chỉ tự hại mình”
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nói rằng những quốc gia đi theo con đường chiến tranh thương mại “rốt cục sẽ chỉ tự hại mình”
Chiến tranh thương mại nên bị bác bỏ, bởi vì "không ai được lợi" từ những cuộc chiến như vậy - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ngày 25/7.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Tập Cận Bình nói rằng những quốc gia đi theo con đường chiến tranh thương mại "rốt cục sẽ chỉ tự hại mình".
Lời kêu gọi trên được nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh nhóm 5 nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - thường gọi là nhóm BRICS - tại Johannesburg.
Ông Tập Cận Bình kêu gọi các nước BRICS cùng nhau chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch - những điều mà ông nói "đang ngày càng gia tăng và là một đòn giáng mạnh và thương mại đa phương".
Phát biểu của ông Tập Cận Bình được xem là sự ngầm chỉ trích nhằm vào chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Gần đây, chính quyền ông Trump đã áp thuế lên 34 tỷ USD hàng Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc đáp trả tương xứng. Ngoài ra, ông Trump còn dọa sẵn sàng đánh thuế tới 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.
Nhiều tổ chức, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng xung đột thương mại leo thang có thể gây trệch hướng sự tăng trưởng vốn đã có chiều hướng chững lại của nền kinh tế toàn cầu.
Đây là cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 10 của nhóm BRICS. Tên gọi của nhóm cường quốc kinh tế mới nổi này là một thuật ngữ kinh tế được đưa ra lần đầu tiên bởi ông Jim O’Neill, cựu Chủ tịch quản lý tài sản của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.
Ông O’Neill tạo ra thuật ngữ BRIC vào năm 2011 để gọi nhóm 4 nền kinh tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, dựa trên ước tính rằng đến năm 2020 tổng sản lượng kinh tế của nhóm này sẽ ngang bằng với Mỹ.
Sau đó, 4 nước đã mời thêm Nam Phi gia nhập nhóm vào tháng 12/2010. Hiện nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của 5 nước trong nhóm đã lớn hơn 90% GDP của Mỹ.
"Trật tự thế giới hiện nay không hoàn hảo, nhưng miễn là mang lại kết quả các bên cùng có lợi cho tất cả mọi quốc gia, trật tự đó sẽ không bị phá bỏ", ông Tập Cận Bình nói. "Chúng ta nên theo đuổi tăng trưởng bao trùm. Sự phát triển không đồng đều là một thách thức chung. Các nước phát triển cần tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển".