Ông Trump: “Huawei có thể là một phần thỏa thuận thương mại”
“Huawei là một thứ gì đó rất nguy hiểm”, ông Trump nói về công ty Trung Quốc đang chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ
Tổng thống Donald Trump ngày 23/5 nói rằng Huawei, công ty bị Mỹ đưa vào "danh sách đen" mới đây, có thể trở thành một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.
"Có khả năng Huawei được đưa vào một dạng thỏa thuận thương mại nào đó", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Trump tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông không cho biết cụ thể hơn.
"Huawei là một thứ gì đó rất nguy hiểm. Nếu các bạn nhìn vào những gì mà họ đã làm từ góc độ an ninh, từ góc độ quân sự, sẽ thấy họ rất nguy hiểm", ông nói về "gã khổng lồ" Trung Quốc đang chịu sự trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ.
Chính quyền ông Trump đang tìm cách ngăn sự tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ chủ chốt, bằng cách đặt ra hạn chế đối với việc bán các linh kiện quan trọng của Mỹ cho Huawei, trên cơ sở những mối lo về an ninh quốc gia.
Nguồn thạo tin tiết lộ với Bloomberg rằng Mỹ đã trì hoãn việc đưa Huawei vào "danh sách đen" vì lo ngại một động thái như vậy có thể phá hỏng cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Sau khi đàm phán thương mại rơi vào bế tắc, lệnh trừng phạt Huawei mới được Washington tung ra.
Với việc Huawei được đưa vào Entities List (Danh sách thực thể) của Bộ Thương mại Mỹ, các công ty Mỹ sẽ phải xin phép Chính phủ nước này nếu muốn hợp tác với Huawei - một giấy phép được cho là rất khó đạt được.
Lo ngại trước sự mạnh tay của Mỹ, hàng loạt nhà cung cấp, không chỉ của Mỹ mà của cả các quốc gia khác, đã cắt quan hệ với Huawei, gồm Panasonic, ARM, Intel, Broadcom, Xilinx, Qualcomm, Infineon…
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã ngưng trệ kể từ sau vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra ở Washington hôm 10/5. Sau khi Mỹ tăng thuế quan trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đáp trả bằng cách áp thuế lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Giới thạo tin nói rằng nguyên nhân chính khiến đàm phán ngưng trệ là Mỹ muốn Trung Quốc phải luật hóa các thay đổi mà Mỹ đòi hỏi về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ…, trong khi Bắc Kinh chỉ muốn điều chỉnh thông qua các văn bản dưới luật. Lúc đầu, Trung Quốc đã chấp nhận đề xuất của Mỹ, nhưng sau đó rút lại.
Theo dự kiến, ông Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở Tokyo vào cuối tháng 6. Giới phân tích cho rằng cuộc gặp này sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường.
Năm ngoái, chính quyền ông Trump cũng từng "xử" một công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc khác là ZTE, với phương thức tương tự như đối với Huawei. Lệnh cấm công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE đã khiến công ty này thiếu chút nữa thì sụp đổ.
Tuy nhiên, ông Trump cuối cùng đã xóa bỏ lệnh cấm này sau khi ZTE chấp nhận nộp phạt khoảng 1,4 tỷ USD và thay đổi ban lãnh đạo theo yêu cầu của Washington. Ông Trump nói rằng ông "nương tay" với ZTE là vì mối quan hệ thân tình của ông với ông Tập.