Ông Trump trấn an Triều Tiên về phi hạt nhân hóa
Tổng thống Donald Trump ra sức trấn an nhà lãnh đạo Kim Jong Un sau khi Bình Nhưỡng dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/5 ra sức trấn an nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sau khi Bình Nhưỡng dọa hủy cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ Mỹ-Triều. Ông Trump nói sự an toàn của ông Kim Jong Un sẽ được đảm bảo trong bất kỳ thỏa thuận nào và Triều Tiên sẽ không chung số phận với Libya, trừ phi hai bên không đạt thỏa thuận.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump nói theo như ông được biết thì cuộc gặp giữa ông với ông Kim Jong Un sẽ diễn ra như kế hoạch. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng ông Kim Jong Un có thể đã bị ảnh hưởng bởi Bắc Kinh sau hai chuyến thăm Trung Quốc gần đây.
Ông Trump thể hiện quan điểm không đồng tình với những phát biểu trước đó của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton - người đã khiến Triều Tiên nổi giận và hủy cuộc gặp thượng đỉnh khi nói rằng "mô hình Libya" có thể được áp dụng đối với việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông tuyên bố sẽ không theo đuổi "mô hình Libya" trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Ông Bolton đã liên tục nói về áp dụng "mô hình Libya" đối với Triều Tiên, mà gần đây nhất là trong một phát biểu hôm Chủ nhật - một vấn đề khiến Triều Tiên không hài lòng xét đến số phận của bộ máy cầm quyền Libya.
Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã bị hạ bệ và bị giết chết trong phong trào nổi dậy Mùa xuân Arab hồi năm 2011 bởi lực lượng nổi dậy có sự hậu thuẫn của phương Tây. Trước đó, phương Tây đã khuyến khích ông Gaddafi từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng hoạt theo một thỏa thuận vào năm 2003.
Ông Trump cho biết thỏa thuận mà ông muốn có được với Triều Tiên sẽ mang lại cho ông Kim Jong Un "sự bảo vệ rất mạnh mẽ". "Ông ấy sẽ vẫn ở đó, điều hành đất nước của mình. Đất nước của ông ấy sẽ rất giàu mạnh", ông Trump nói.
"Mô hình Libya là một mô hình rất khác", ông Trump nói và cho biết thêm là mô hình này có thể chỉ được áp dụng với Triều Tiên nếu hai bên không thể đạt được thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẽ phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. "Chúng tôi sẽ không để cho quốc gia đó có vũ khí hạt nhân. Chúng tôi không thể làm vậy", ông Trump nói về Triều Tiên - quốc gia tuyên bố đã sở hữu tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tấn công vào đại lục Mỹ.
Đến nay, Triều Tiên vẫn khước từ việc giải trừ quân bị đơn phương và chưa đưa ra tín hiệu nào cho thấy sẽ hành động xa hơn những tuyên bố về ủng hộ phi hạt nhân hóa toàn cầu. Trong những cuộc đàm phán thất bại trước đây, Triều Tiên từng nói sẽ từ bỏ kho vũ khí của mình nếu Mỹ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, rút binh sỹ khỏi Hàn Quốc, và chấm dứt bảo trợ an ninh cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều bị hủy, thì đó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nỗ lực của ông Trump nhằm đạt thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Điều này diễn ra đúng lúc việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, và việc ông dời đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem đã thổi bùng bạo lực trên dải Gaza.
Việc Triều Tiên hôm thứ Tư dọa hủy cuộc gặp đánh dấu một sự thay đổi thái độ bất ngờ sau quãng thời gian giảm căng thẳng mấy tháng qua. Không chỉ dọa hủy gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Bình Nhưỡng còn hủy một cuộc đàm phán cấp cao với Triều Tiên với lý do cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đang diễn ra là hành động gây hấn.
Theo dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có cuộc gặp với ông Trump tại Washington vào thứ Ba tuần tới. Đây là cuộc gặp đã được lên lịch từ trước và nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim Jong Un dự kiến diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6.
Hôm thứ Năm, vị quan chức Triều Tiên cấp cao nhất phụ trách đàm phán liên Triều gọi Chính phủ Hàn Quốc là "xuẩn ngốc và bất lực", đồng thời dọa sẽ dừng toàn bộ đàm phán với Seoul trừ phi các yêu cầu của Bình Nhưỡng được đáp ứng.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích và quan chức Mỹ, Triều Tiên có thể đang thử mức độ sẵn sàng của ông Trump trong việc giảm bớt yêu cầu đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt là yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tại cuộc gặp thượng đỉnh.