21:07 05/02/2025

Ông Trump tuyên bố không vội điện đàm với ông Tập

Bình Minh

“Tốt thôi”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng khi được hỏi về sự đáp trả của Trung Quốc...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/2 tuyên bố ông không vội có một cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để hạ nhiệt cuộc chiến tranh thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được châm ngòi bởi việc ông Trump áp thuế quan 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước đó cùng ngày, Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ và đưa một số công ty Mỹ - gồm công cụ tìm kiếm Google - vào danh sách có thể bị trừng phạt.

“Tốt thôi”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng khi được hỏi về sự đáp trả của Trung Quốc.

Một cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Tập được xem là chìa khóa quan trọng cho việc giảm căng thẳng hoặc hoãn áp thuế quan giữa hai nước, tương tự như các cuộc trò chuyện giữa ông chủ Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo Mexico và Canada vào hôm 3/2.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với báo giớ rằng một cuộc điện đàm giữa ông Trump với ông Tập vẫn cần phải được lên lịch. “Chủ tịch Tập đã tỏ ý muốn trao đổi với Tổng thống Trump về vấn đề này, có thể để khởi động một cuộc đàm phán. Bởi vậy, chúng sẽ xem tổ chức cuộc gọi đó như thế nào”, bà Leavitt nói ngày 4/2.

Việc Bắc Kinh trả đũa một cách kiềm chế đối với việc ông Trump áp thuế quan lên toàn bộ hàng hóa nước này đã cho thấy nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong việc thuyết phục ông Trump ngồi vào bàn đàm phán. Rõ ràng, Trung Quốc muốn ngăn chặn một cuộc chiến thương mại tổng lực giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Người phát ngôn Liu Pengyu của đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói Trung Quốc hy vọng Washington sẽ cùng làm việc với Bắc Kinh để đảm bảo mối quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững giữa hai nước.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo sự gia tăng mạnh mẽ của chủ nghĩa bảo hộ có thể tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong một tuyên bố mới, định chế này kêu gọi tất cả các bên “tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để giải quyết các bất đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại”.

Công ty nghiên cứu Capital Economics ước tính thuế quan trả đũa của Trung Quốc sẽ áp lên lượng hàng hóa trị giá khoảng 20 tỷ USD từ Mỹ nhập khẩu vào nước này mỗi năm, rất ít so với 450 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc là đối tượng bị Mỹ đánh thuế quan từ thời điểm 0h01 ngày 4/2.

“Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc khá khiêm tốn, ít nhất là trong tương quan so sánh với thuế quan mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc. Sự trả đũa đó đã được cân nhắc để gửi một thông điệp tới Mỹ”, nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nhận định.

Thuế quan “ăn miếng trả miếng” của Trung Quốc gồm mức thuế 15% áp lên than và khí đốt hóa lỏng (LNG) và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô từ Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ là một nguồn nhập khẩu dầu thô tương đối nhỏ của Trung Quốc, chỉ chiếm 1,7% tổng lượng nhập khẩu dầu thô của nước này trong năm ngoái, với trị giá khoảng 6 tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 5% nhập khẩu LNG của Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump phát động cuộc chiến thương mại kéo dài 2 năm với Trung Quốc để xử lý vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Thuế quan qua lại giữa hai bên đã đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới.

“Chiến tranh thương mại lần này mới ở giai đoạn đầu, nên khả năng có thêm thuế quan mới là rất cao”, Oxford Economics nhận định trong một báo cáo hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.

Ông Trump đã nói ông có thể tăng thêm thuế quan đối với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không chạn được dòng chất cấm fentanyl xâm nhập vào Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc nói fentanyl là vấn đề của Mỹ và tuyên bố sẽ kiện việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và có các biện pháp đáp trả khác, nhưng đồng thời cũng để ngỏ cánh cửa đàm phán.

“Cho dù hai nước có thể đạt thỏa thuận về một số vấn đề, có khả năng thuế quan sẽ là một công cụ được sử dụng nhiều lần, trở thành một nguồn cơn gây biến động thị trường tài chính trong năm nay”, nhà kinh tế cấp cao Gary Ng của ngân hàng đầu tư Natixis ở Hồng Kông phát biểu.