Ông Trump: “Vụ Cohen có thể đã phá hỏng thượng đỉnh Mỹ-Triều”
“Đó là một việc chưa từng có khi một vị Tổng thống đang công du. Đáng xấu hổ!” ông Trump nói về phiên điều trần của ông Cohen
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/3 nói rằng quyết định của Đảng Dân chủ tiến hành phiên điều trần đối với ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, vào đúng ngày người đứng đầu Nhà Trắng có cuộc gặp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có thể là một phần nguyên nhân khiến hội nghị thượng đỉnh kết thúc mà không có thỏa thuận nào.
Tuần trước, ông Trump và ông Kim đã gặp nhau lần thứ hai, tại Hà Nội, để bàn về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đúng lúc cuộc gặp diễn ra thì ông Cohen ra điều trần trước Ủy ban Giám sát thuộc Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát. Trong phiên điều trần này, ông Cohen nói rằng trong thời gian ông làm luật sư cho ông Trump, ông Trump đã yêu cầu ông đưa ra những lời đe dọa khoảng 500 lần trong vòng 10 năm.
"Có lẽ, việc những người Dân chủ mở một phiên điều trần công khai đối với một kẻ dối trá và lừa gạt đã bị kết án đúng vào lúc diễn ra hội nghị thượng đỉnh hạt nhân quan trọng với Triều Tiên chính là một mức đáy mới trong nền chính trị Mỹ và có thể đã góp phần vào sự ‘rời đi’", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter - ám chỉ việc ông "rời đi" khỏi hội nghị mà không đạt bất kỳ thỏa thuận nào với ông Kim Jong Un.
"Đó là một việc chưa từng có khi một vị Tổng thống đang công du. Đáng xấu hổ!"
Trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm thứ Năm, khi được hỏi về phiên điều trần của ông Cohen, ông Trump nói rằng những cáo buộc mà vị luật sư đưa ra là "không chính xác" và chỉ trích quyết định của Đảng Dân chủ tổ chức phiên điều trần trong lúc ông đi vắng.
"Tôi đã cố gắng theo dõi nhiều nhất có thể", ông Trump nói. "Tôi không thể theo dõi hết vì chúng tôi hơi bận, nhưng tôi cho rằng việc tổ chức một phiên điều trần giả mạo như vậy, lại vào đúng lúc diễn ra hội nghị thượng đỉnh quan trọng là một điều thực sự tồi tệ".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 4/3 đã kêu gọi các quan chức nước này tìm cách nối lại cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ. "Tôi tin rằng đối thoại Triều-Mỹ cuối cùng sẽ đạt một thỏa thuận, nhưng không thể để sự bế tắc kéo dài lâu", ông Moon phát biểu tại một cuộc gặp với các quan chức ngoại giao cấp cao và trợ lý an ninh ở Seoul.
Việc thượng đỉnh Hà Nội không đạt thỏa thuận được xem là một điều đáng tiếc đối với ông Moon, người trước đó hy vọng Mỹ sẽ nới trừng phạt cho Triều Tiên, theo đó giúp tái khởi động các dự án liên Triều bao gồm khu công nghiệp chung Kaesong - phần chủ chốt trong tầm nhìn của ông về một cộng đồng kinh tế cho bán đảo Triều Tiên.
Ông Moon cũng yêu cầu các quan chức tìm biện pháp đẩy mạnh các sáng kiến liên Triều "trong khuôn khổ của các biện pháp trừng phạt". Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thống nhất thuộc Chính phủ Hàn Quốc Cho Myoung-gyon nói sẽ tham vấn ý kiến của Mỹ.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói sẽ nỗ lực để mở một vòng đàm phán ba bên mới với các quan chức Triều Tiên và Mỹ, dựa trên một cuộc gặp hồi tháng 1 ở Stockholm, Thụy Điển.
Sau khi rời Hà Nội, ông Trump đã có cuộc điện đàm với ông Moon, đề nghị nhà lãnh đạo Hàn Quốc giữ một "vai trò người hòa giải tích cực" - theo một phát ngôn viên của ông Moon. Vị phát ngôn viên nói rằng Hàn Quốc sẽ theo đuổi các cuộc gặp "hậu trường" với Triều Tiên, trong đó có thể bao gồm việc cử một đặc phái viên tới Bình Nhưỡng.