“OPEC+ có thể tuyên bố giảm sản lượng dầu trong cuộc họp ngày 5/9”
OPEC+ có thể sẽ cắt giảm sản lượng khai thác dầu trong cuộc họp diễn ra vào ngày 5/9 để chặn đà sụt giảm gần đây của giá “vàng đen” trong bối cảnh nỗi lo suy thoái kinh tế - theo tiết lộ của nguồn thạo tin với hãng tin Reuters...
5 nguồn tin từ OPEC+ nói với Reuters rằng có khả năng liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga sẽ giữ nguyên sản lượng trong lần họp này. Dù vậy, một số nguồn tin từ liên minh này không loại trừ khả năng OPEC+ sẽ giảm nhẹ sản lượng.
Cuộc họp lần này của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu đối mặt rủi ro suy giảm trong khi nguồn cung có khả năng được cải thiện nếu Iran và các cường quốc phương Tây đạt nhất trí khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London hiện đã giảm về mức khoảng 93 USD/thùng, từ mức 120 USD/thùng hồi tháng 6, dưới sức ép từ sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế và khả năng xảy ra suy thoái ở nhiều nền kinh tế phương Tây.
Tháng trước, Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của OPEC - đặt ra khả năng cắt giảm sản lượng khai thác dầu để giải quyết vấn đề mà Riyadh cho là sự giảm giá quá mức của dầu.
Nếu Iran và các cường quốc phương Tây khôi phục được thoả thuận hạt nhân, lượng xuất khẩu dầu của Iran có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Các tín hiệu từ thị trường dầu vật chất cho thấy nguồn cung dầu vẫn thắt chặt, với nhiều nước thành viên OPEC đang khai thác dầu ở mức sản lượng thấp hơn mục tiêu đề ra và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đe doạ xuất khẩu dầu Nga.
Cuối tuần vừa rồi, Nga tuyên bố sẽ không tiếp tục bán dầu cho những quốc gia ủng hộ kế hoạch của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) về áp trần giá lên dầu Nga. Moscow cũng đã cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu và khu vực này đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một đợt tăng giá khí đốt “kinh hoàng” nữa vào thời điểm mùa đông đang đến gần.
5 nguồn tin OPEC+ nói với Reuters vào hôm Chủ nhật rằng cuộc họp ngày 5/9 sẽ giữ nguyên hạn ngạch sản lượng hiện tại.
Tuy nhiên, 2 nguồn tin OPEC+ khác nói liên minh này có thể thảo luận giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày để đưa hạn ngạch sản lượng về bằng với mức của tháng 8. Một trong 1 nguồn tin nói mức cắt giảm như vậy sẽ mang đến cho thị trường “cảm giác về một sự cắt giảm mang tính biểu tượng”.
Tuần trước, giá dầu Brent giảm 7,9% và giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 6,7%.
Một biểu đồ hàng tuần cho thấy giá dầu thô giao sau ở Mỹ trong tuần trước đã vượt qua mức cao của tuần trước đó và rồi lại giảm, cuối cùng chốt ở mức thấp hơn mức đóng cửa của tuần trước đó. Theo chiến lược gia Eli Tesfeye của RJO Futures, đó là một tín hiệu xấu về triển vọng giá dầu trong ngắn hạn.
“Đó là một tín hiệu xấu, cho thấy đây là một thị trường đang yếu”, ông Tesfeye nói.
Theo tiết lộ của nguồn thạo tin với tờ Wall Street Journal, Nga không ủng hộ việc cắt giảm sản lượng ở thời điểm hiện tại. Nguồn tin nói Nga lo ngại rằng một đợt cắt giảm sản lượng sẽ gửi tín hiệu tới khách mua dầu rằng nguồn cung dầu đang vượt quá nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Đối với Nga, việc tăng bán dầu cho các nước châu Á giữ vai trò quan trọng trong việc giữ vững nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng, khi dầu thô của nước này trở thành đối tượng trừng phạt của phương Tây và Moscow ngày càng giảm lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Theo một tài liệu của Bộ Kinh tế Nga do hãng tin Reuters thu thập được, Nga dự kiến thu 337,5 tỷ USD từ xuất khẩu năm lượng trong năm 2022, tăng 38% so với năm ngoái. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đây sẽ là một nguồn lực khổng lồ giúp Nga củng cố nền kinh tế trong lúc hứng chịu sự trừng phạt, chẳng hạn giúp Chính phủ Nga tăng lương để cải thiện mức sống cho người dân.