10:03 06/09/2023

Pacific Holdings không còn là công ty mẹ của Vinaconex sau nhiều đợt bán vốn thu về hơn 3.000 tỷ đồng

Thu Minh

Pacific Holdings liên tiếp bán vốn tại Vinaconex và hiện không còn là công ty mẹ nữa...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công ty CP Đầu tư Pacific Holdings - tổ chức có liên quan đến ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex (VCG) và Tổng giám đốc Vinaconex Nguyễn Xuân Đông đã hoàn tất bán 39 triệu cổ phiếu VCG.

Sau giao dịch, đơn vị này đã hạ tỷ lệ sở hữu từ 280 triệu đơn vị tương ứng 52,4% vốn xuống còn 241,2 triệu đơn vị tương ứng 45,1% vốn và không còn là công ty mẹ của Vinaconex. Thời gian thực hiện từ từ 6/8 đến 31/8. Tính theo mức giá trung bình trong quãng thời gian vừa qua, Pacific Holdings có thể đã thu về khoảng 1.033 tỷ đồng.

Trước đó, từ ngày 12/4 đến 11/5/2023, Pacific Holdings đã bán 18,2 triệu cổ phiếu VCG trên 19,9 triệu cổ phiếu đã đăng ký và giảm sở hữu từ 56,19% vốn về 52,4% vốn như hiện tại. Trong tháng 3, Pacific Holdings cũng bán bớt vốn tại VCG. Tính cả lần bán gần đây nhất, tổng cộng công ty mẹ đã thu về khoản hơn 3.100 tỷ đồng từ việc bán vốn VCG. 

Sau thương vụ thoái vốn Nhà nước, Công ty An Quý Hưng đã trở thành cổ đông lớn nhất tại Vinaconex với tỷ lệ sở hữu 62,90%. Tuy nhiên, vào tháng 2/2022, Công ty An Quý Hưng đã thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán cho Công ty cổ phần Đầu tư Pacific Holdings và Công ty cổ phần Đầu tư Pacific Holdings trở thành cổ đông lớn của VCG.

Công ty CP Đầu tư Pacific Holdings mới được thành lập ngày 12/11/2021, địa chỉ tại số 2B Phạm Văn Đồng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Trần Đình Tuấn, sinh năm 1978. Chỉ hơn 3 tháng thành lập, Công ty CP Đầu tư Pacific Holdings đã trở thành công ty mẹ của VCG.

Thời gian gần đây, VCG cũng liên tiếp nhận được thông tin trúng thầu tại dự án sân bay Long Thành. Theo thông báo của ACV, liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu “khủng” 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành.

Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1, Công ty cổ phần Kết cấu Thép ATAD, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty cổ phần Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.

Theo giới thiệu, IC ISTAS nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, từng tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới như sân bay quốc tế St. Petersburg Pulkovo có quy mô 20 triệu hành khách năm; đầu tư sân bay Antalya theo hình thức BOT; thi công giai đoạn 1 sân bay King Khaled, Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia.

Theo báo cáo mới công bố, trong quý 2/2023 công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.567 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ, lãi sau thuế đạt 130 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 6.531 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 81%.

Năm 2023, Vinaconex đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng, tăng 70% so với thực hiện năm 2022 và lãi sau thuế 860 tỷ đồng, giảm 8%.

Như vậy, VCG mới thực hiện được 42% chỉ tiêu tổng doanh thu và 16% chỉ tiêu lãi sau thuế.